Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201810/bat-cap-trong-thu-hut-nhan-tai-818896/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201810/bat-cap-trong-thu-hut-nhan-tai-818896/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bất cập trong thu hút nhân tài - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/10/2018, 14:51 [GMT+7]

Bất cập trong thu hút nhân tài

(Congannghean.vn)-Từ năm 2007 - 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các quyết định ưu đãi chế độ, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh công tác. Sau hơn 10 năm, hàng trăm người giỏi đã về công tác, cống hiến ở các sở, ngành nhưng trong tình cảnh mỏi mòn chờ biên chế; các ưu đãi, hỗ trợ về vật chất cũng không có, hoặc nếu có thì cũng chia năm, xẻ bảy sau nhiều lần đòi quyền lợi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi tồn đọng nhiều “hợp đồng thu hút” nhất hiện nay
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nơi tồn đọng nhiều “hợp đồng thu hút” nhất hiện nay

Chia đều kinh phí hỗ trợ thu hút nhân tài

Năm 2007, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 30/2007/QĐ-UBND ngày 9/4/2007 về việc ban hành quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở Nghệ An giai đoạn 2007 - 2010. Tiếp đó, ngày 26/8/2010, UBND tỉnh đã có Quyết định số 65/2010/QĐ-UBND, ban hành quy định một số chính sách đối với nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan Đảng, MTTQ, hành chính Nhà nước, sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội các cấp ở tỉnh Nghệ An để thay thế Quyết định số 30.

Theo quyết định này, đối với nguồn nhân lực cao được đào tạo trong nước, tùy theo đối tượng khi về Nghệ An công tác, ngoài việc được tiếp nhận vợ (hoặc chồng) vào công tác tại cơ quan Nhà nước, còn được ưu tiên cộng điểm khi thi tuyển, được hỗ trợ khoản tiền mặt từ 20 - 100 triệu đồng. Ngoài ra, tùy thuộc vào địa bàn công tác, nhân lực cao còn được hỗ trợ từ 10 - 50 triệu đồng mỗi người.

Chính vì những ưu đãi như vậy nên trong thời gian vừa qua, đã có nhiều nhân lực chất lượng cao tình nguyện về Nghệ An công tác, cống hiến cho quê nhà. Tuy nhiên, nghịch lý từ việc có quá nhiều người giỏi về công tác cũng bắt đầu xuất phát từ đây. Thực hiện việc thu hút nhân tài, trong năm 2012 và thời gian trước đó, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã thu hút được hàng chục bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc từ các trường và cả những nhân tài đang công tác ở các cơ quan, đơn vị khác về để công hiến, xây dựng thương hiệu bệnh viện.

Theo quy định tại Khoản d và e của Mục 4, Điều 4, Quyết định số 65/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh thì ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ cho các đối tượng này một khoản ban đầu là 40 triệu đồng (đối với nhân tài có bằng Giỏi) và 20 triệu đồng (đối với bằng Khá). Quy định là vậy, song công tác tại đây nhiều năm, số nhân tài thu hút này vẫn mòn mỏi chờ đợi khoản hỗ trợ này. Mãi đến cuối năm 2015, sau rất nhiều lần đòi hỏi quyền lợi, những người này mới được Ban Giám đốc bệnh viện hỗ trợ theo kiểu “cào bằng”. Cụ thể, đối với nhân lực có bằng Giỏi được hỗ trợ khoảng 14 triệu đồng, còn với bằng Khá thì nhận số tiền hơn 7 triệu đồng.

Lý giải về sự chậm trễ và bất nhất trong việc hỗ trợ kinh phí này so với quy định của UBND tỉnh về chính sách thu hút nhân tài, lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cho biết, do số lượng thu hút nhân tài lớn, vượt quá kinh phí hỗ trợ của ngân sách tỉnh (thực tế thì chỉ một số người về công tác trước được tỉnh hỗ trợ kinh phí, những nhân tài sau này do khó khăn về tài chính nên không được hỗ trợ). Sau một thời gian cân đối, phía bệnh viện đã họp bàn, trao đổi với tất cả những người về đây công tác theo diện thu hút để đi đến thống nhất, số tiền ngân sách tỉnh hỗ trợ theo diện thu hút sẽ phân bổ, chia đều theo đầu người dẫn đến mỗi nhân tài chỉ được nhận khoảng 1/3 số tiền thu hút so với quy định. “Việc phân bổ này chúng tôi đã làm việc và được anh em đồng tình, ủng hộ”, đại diện phía bệnh viện cho biết thêm. Tuy nhiên, sự việc này sau đó đã có đơn thư gửi các cấp.

Có trong quy hoạch phó giám đốc sở cũng phải bỏ việc

Cũng liên quan đến chính sách thu hút nhân tài, tháng 6/2018, anh N.H.V. (SN 1983) đã ngậm ngùi dứt áo ra đi khỏi Chi cục Lâm nghiệp Nghệ An sau hơn 9 năm gắn bó và cống hiến. Anh V. là sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi của Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, sau khi hoàn thành khóa đào tạo học bổng thạc sĩ tại Israel, anh về Nghệ An công tác theo diện thu hút nhân tài, được bố trí công việc ngay với lời hứa sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng.

Sau nhiều năm công tác, anh V. vẫn không được vào biên chế mà chỉ thuộc diện lao động “hợp đồng thu hút”, dù có trình độ chuyên môn cao, có bằng Cử nhân tiếng Anh, đã hoàn thành lý luận cao cấp chính trị và được quy hoạch chức vụ Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN). Tuy vậy, vì chưa phải là biên chế nên anh chỉ được giao phụ trách phòng, không có phụ cấp trách nhiệm.

Anh N.H.V. cho biết, cơ quan đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi để anh công tác và cống hiến, thậm chí nhiều lần có công văn đề nghị cho anh vào Nhà nước, nhưng không có biên chế nên anh đã quyết định nghỉ việc, ra ngoài bươn chải sau nhiều năm cống hiến. Cho đến nay, ngoài số tiền 30 triệu đồng hỗ trợ ban đầu chưa được nhận, cơ quan cũng không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho anh V.. “Mình rút lui trong lặng lẽ, không muốn ầm ĩ, không muốn đấu tranh. Giờ ra làm ngoài, thu nhập mỗi tháng cũng gần bằng lương cả 1 năm công tác tại Chi cục Lâm nghiệp”, anh V. chia sẻ.

Anh N.H.V. không phải là cá biệt, bởi hiện nay, Sở NN&PTNT Nghệ An đang còn 47 trường hợp về đây công tác theo diện thu hút nhưng không được vào biên chế, con số này của cả tỉnh là 56 người. Đến tháng 8/2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh (trực thuộc Sở NN&PTNN) còn 12 cán bộ hợp đồng thu hút. Tại Trung tâm Giống cây trồng của tỉnh, trong tổng số 70 cán bộ đang công tác tại đây, chỉ có 21 biên chế, 32 cán bộ hợp đồng tự trang trải và 17 cán bộ hợp đồng thu hút. Thậm chí, năm 2011 có 5 lao động thuộc diện thu hút, nhưng mấy năm liền không được cấp kinh phí. Sau khi kiểm tra thì phát hiện số hợp đồng thu hút này không nằm trong kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, vì thế 5 lao động này phải chuyển sang dạng hợp đồng tự trang trải.

Số liệu của Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, tổng số lao động thuộc diện thu hút nhân tài của tỉnh qua các năm là 702 người, đã tuyển dụng vào biên chế 646 người, hiện nay còn 56 người chưa được vào biên chế, tồn đọng nhiều nhất là tại Sở NN&PTNN, thời điểm cao nhất tại Sở này lên đến 112 người, sau đó giảm xuống còn 72 người và hiện vẫn còn 47 người chưa được chuyển vào biên chế.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, số hợp đồng thu hút đã giải quyết vào biên chế dần qua các năm. Quan điểm của tỉnh và Sở là nếu có biên chế thì ưu tiên những trường hợp thu hút. Ông Hiếu cũng thừa nhận, những trường hợp nói trên có thiệt thòi trong việc thăng tiến, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo. Liên quan đến vấn đề này, ông Đậu Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An cho biết: Chính sách thu hút nhân tài của UBND tỉnh thời điểm này gặp khó do chính sách tinh giản biên chế. Đối với cán bộ đang hợp đồng theo diện thu hút, lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An cho rằng, sẽ cố gắng để sắp xếp, tuyển dụng vào biên chế. Tuy nhiên, cũng không hứa là sẽ sắp xếp được tất cả các trường hợp vì còn phụ thuộc vào từng vị trí công tác, chỉ tiêu của từng ngành, từng năm công tác.

.

Thiên Thảo

.