Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201904/huong-di-nao-cho-san-vat-nghe-an-847217/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201904/huong-di-nao-cho-san-vat-nghe-an-847217/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hướng đi nào cho sản vật Nghệ An? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 03/04/2019, 09:37 [GMT+7]

Hướng đi nào cho sản vật Nghệ An?

(Congannghean.vn)-So với các địa phương khác trong cả nước, Nghệ An là tỉnh có nhiều sản phẩm nổi tiếng. Cùng với thời gian, những sản vật xứ Nghệ đã vươn xa khỏi địa phận trong tỉnh, trong nước, tiếp cận nhiều nước trên thế giới. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là, liệu các doanh nghiệp Nghệ An có biết cách bảo vệ và quảng bá để chiếm lĩnh thị trường trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.

Nhiều doanh nghiệp đến học hỏi kinh nghiệm phát triển thương hiệu nước mắm của Công ty CP Thủy sản Nghệ An
Nhiều doanh nghiệp đến học hỏi kinh nghiệm phát triển thương hiệu nước mắm của Công ty CP Thủy sản Nghệ An

Từ câu chuyện về “tiêu chuẩn nước mắm”

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Nghệ An nhiều lần thể hiện sự không đồng tình với Dự thảo “Tiêu chuẩn quốc gia quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” (TCVN - 12607:2019) của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Dự thảo này lần đầu được công bố vào ngày 8/3. Ngay lập tức, nhiều chuyên gia đã phát hiện những tiêu chí không phù hợp, phản ánh sai lệch, gây bất lợi cho nghề chế biến nước mắm truyền thống. Ngày 12/3, Bộ Khoa học Công nghệ đã chỉ đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng tạm dừng Dự thảo tiêu chuẩn nói trên để tiếp tục lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức, hiệp hội về các nội dung nêu trong Dự thảo.

Theo ông Hùng, một người dành cả đời nghiên cứu, trăn trở về nước mắm truyền thống của Nghệ An, để làm rõ giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp như hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học, các nhà phản biện xã hội, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống cần phải thống nhất quan điểm định nghĩa và đặt tên cho từng loại.

Theo quan điểm cá nhân của ông, mỗi sản phẩm gắn với một phương pháp sản xuất khác nhau thì có một định nghĩa riêng rẽ và gắn với một tên riêng, không thể lẫn lộn hoặc đánh đồng. Có nghĩa, nước mắm được chế biến theo phương pháp truyền thống từ cá biển và muối ăn mà người dân Việt Nam chúng ta đã sản xuất từ hàng nghìn năm nay thì gọi là “nước mắm”. Bất kỳ loại nước mắm nào đã được pha chế sẵn bằng việc bổ sung phụ gia, điều vị, hương liệu, chất tạo màu, hóa chất bảo quản... đều không được gọi là “nước mắm” mà phải gọi bằng tên khác như: “nước mắm pha chế” hay “nước mắm chấm công nghiệp”...

Bên cạnh đó, cần phải xem xét, sửa đổi lại định nghĩa về thuật ngữ “nước mắm” trong Tiêu chuẩn TCVN 5107:2018 đã ban hành năm 2018, bởi vì khái niệm “nước mắm” trong Tiêu chuẩn TCVN 5107:2018 đã gây nhầm lẫn trong xã hội (hoặc đã bị đánh tráo theo dư luân xã hội). Tất nhiên, theo ông Hùng, để các doanh nghiệp nước mắm truyền thống có thể trụ vững, ngoài việc Nhà nước cần đặc biệt quan tâm đến việc duy trì, bảo tồn và phát triển các sản phẩm truyền thống thì các doanh nghiệp phải mạnh dạn, đổi mới. Và nhất là thay đổi cung cách làm việc và tiếp cận thị trường, đặc biệt nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng sản lượng và tập trung ổn định thị trường đã có, hướng tới khai thác một số thị trường tiềm năng, tập trung khai thác thị trường ngoài nước để xuất khẩu.

Phát triển hoặc tự loại bỏ chính mình

Từ câu chuyện về “tiêu chuẩn nước mắm” cho thấy, các doanh nghiệp truyền thống tại Nghệ An đã ý thức và biết rõ trách nhiệm bảo vệ thương hiệu, tên tuổi sản phẩm mình. Một câu hỏi đặt ra là, nếu hiệp hội nước mắm truyền thống, các doanh nghiệp đã một đời gắn bó, cống hiến với sản vật quê hương không lên tiếng, liệu Dự án trên có dừng lại? Hay sẽ tiếp tục triển khai, tạo cớ cho nước mắm công nghiệp chiếm lĩnh thị trường và thắng thế?

Nước mắm chỉ là một trong nhiều sản phẩm nổi tiếng của Nghệ An. Ngoài nước mắm, chúng ta còn có tương Nam Đàn, có cam Vinh, chè Thanh Chương, mực khô, dứa Quỳnh Lưu... Trong thời đại bùng nổ phát triển đồ ăn nhanh, tiện lợi, công nghiệp, các doanh nghiệp truyền thống càng phải có ý thức tự bảo vệ và quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa trong chiếm lĩnh thị trường.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã biết vận dụng thế mạnh của sản vật để thúc đẩy, mở rộng sản suất, đưa chúng trở thành sản phẩm hàng hóa phổ biến trên thị trường. Nhờ đó, những sản vật xứ Nghệ truyền thống đã vươn ra khỏi cánh cổng làng, góp phần vào sự đổi thay đời sống kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tuy nhiên, trước yêu cầu cạnh tranh gay gắt, sản vật mang thương hiệu xứ Nghệ đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là chưa kể, tình trạng làm giả, làm nhái các thương hiệu đang trở thành “vấn nạn” đáng báo động trong thời gian qua. Đặc biệt, trong xu thế gia nhập kinh tế toàn cầu, sản vật mang thương hiệu của xứ Nghệ nói riêng, cả nước nói chung cần một “chỗ đứng” vững chắc để cùng với các mặt hàng của ngành nông nghiệp Việt Nam bước vào “sân chơi” chung.

Thiết nghĩ, trong thời đại cạnh tranh gay gắt như hiện nay, không còn cách nào khác, hoặc là chúng ta mạnh mẽ bảo vệ, khẳng định mình, mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ chính mình, hoặc không sớm thì muộn, chúng ta sẽ bị đào thải.

.

Tuệ Trang

.