Thứ Năm, 09/05/2019, 10:54 [GMT+7]

Vướng mặt bằng, nhiều dự án chậm tiến độ

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Vinh nói riêng, nhiều dự án trọng điểm có tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, song công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng mắc, dự án phải kéo dài trong nhiều năm. Điều này ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến chất lượng, tiến độ dự án, uy tín chủ đầu tư cũng như cuộc sống của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng từ các dự án.

Quá nhiều dự án vướng mặt bằng!

Nhằm đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong những năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt cho phép đầu tư nhiều dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có các dự án chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP Vinh và khu vực lân cận. Thực tế cho thấy, sau mỗi dự án xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn thành, diện mạo của các địa phương có dự án đi qua như được khoác thêm áo mới. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều dự án thi công dở dang, cầm chừng, có những dự án kéo dài hàng chục năm vẫn không thể kết thúc, do vướng mắc trong khâu đền bù GPMB.

Sau 13 năm triển khai, đoạn đường 1 km từ ngã ba Quán Bàu đến đường Lê Ninh vẫn chưa hoàn thành, do vướng mặt bằng
Sau 13 năm triển khai, đoạn đường 1 km từ ngã ba Quán Bàu đến đường Lê Ninh vẫn chưa hoàn thành, do vướng mặt bằng

Điển hình như, Dự án xây dựng đường Lý Thường Kiệt (đoạn đi qua phường Hưng Bình, TP Vinh) có điểm đầu giao với đường Lê Lợi, điểm cuối giao nhau với đường Nguyễn Văn Cừ được UBND thành phố phê duyệt đầu tư năm 2011. Tiếp đó, năm 2014 được UBND tỉnh phê duyệt đề xuất dự án đầu tư xây dựng công trình. Dự án này được thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Chiều dài tuyến đường là 1.056,34 m, chỉ giới xây dựng là 24 m, trong đó mặt đường là 12 m, vỉa hè mỗi bên 6 m. Theo thống kê trước đó, tổng số hộ bị ảnh hưởng là gần 70 hộ dân (chưa tính tách hộ), phải thực hiện tái định cư với diện tích đất thu hồi là 11.018 m2 và có 7 cơ quan, đơn vị bị ảnh hưởng với diện tích thu hồi 13.532 m2. Chi phí cho công tác bồi thường, GPMB khoảng 133 tỉ đồng (chưa khấu trừ đất tái định cư, đất an ninh - quốc phòng).

Quá trình tìm hiểu dự án cho thấy, mặc dù chỉ có chiều dài khoảng hơn 1 km, nhưng dự án đã phải chờ tới gần chục năm nay, kéo theo đó là cuộc sống của người dân nơi đây bị rơi vào tình thế đi không được, ở không xong, nhấp nhổm, lo âu, thậm chí là bức xúc. Còn nhà đầu tư theo đuổi dự án cũng không biết lúc nào mới có mặt bằng sạch để có thể bắt tay vào thực hiện dự án?!. Với dự án này, nhiều lần lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra, đôn đốc khâu GPMB, song đến nay dường vẫn đang “giẫm chân tại chỗ”.

Tương tự, Dự án đường giao thông nối TP Vinh - TX Cửa Lò (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 10,832 km (TP Vinh 3,4 km, huyện Nghi Lộc 4,8 km, TX Cửa Lò 2,6 km). Km0+00 là điểm giao với đường Trương Văn Lĩnh (xã Nghi Phú, TP Vinh), điểm cuối là Km10+832 giao với đường Bình Minh (TX Cửa Lò). Tổng mức đầu tư dự án 1.411 tỉ đồng; trong đó, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.100 tỉ đồng và nguồn ngân sách địa phương là 311 tỉ đồng. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch kết nối giữa TP Vinh và TX Cửa Lò.

Theo phê duyệt ban đầu, đến hết năm 2018, dự án này sẽ thông tuyến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo Sở Giao thông Vận tải Nghệ An - đơn vị chủ đầu tư dự án, toàn tuyến đã GPMB được 8,6 km, còn lại 2,2 km đoạn đi qua TP Vinh bao gồm đất nông nghiệp 0,7 km, đất ở 1,4 km và 0,1 km đất mồ mả chưa giải phóng được, do người dân chưa thống nhất phương án đền bù.

Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò đang còn hơn 2 km chưa giải phóng mặt bằng
Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò đang còn hơn 2 km chưa giải phóng mặt bằng

Cũng tại TP Vinh, Dự án xây dựng đường 72 m nối Quốc lộ 1, đoạn từ ngã ba Quán Bàu đến đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh do Ban Quản lý các dự án xây dựng dân dụng và kỹ thuật hạ tầng đô thị Nghệ An làm chủ đầu tư với số vốn 264 tỉ đồng. Dự án khởi công từ năm 2006. Tuy nhiên, đến thời điểm đầu năm 2019, sau hơn 13 năm triển khai, tuyến đường dài gần 1 km này vẫn chưa thể thông tuyến vì vướng GPMB.

Mặc dù UBND TP Vinh nhiều lần hứa sẽ bàn giao mặt bằng cho dự án nhưng hết lần này đến lần khác, đơn vị thi công cũng không có mặt bằng sạch để thực hiện. Sau nhiều lần công khai chính sách đền bù, tiến hành công tác đối thoại, tuyên truyền, vận động, những hộ gia đình và các cá nhân có đất bị thu hồi đất vẫn không đồng thuận bàn giao mặt bằng, ngày 4/4 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch và tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với số hộ gia đình này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân của việc chậm trễ trong công tác đền bù GPMB là do người dân không đồng tình trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi bị thu hồi đất. Người dân thường so sánh mức đền bù giữa dự án này và dự án khác rồi cho rằng, mức đền bù của UBND TP Vinh đưa ra là thấp hơn so với nhiều dự án khác nên họ không đồng ý.

Trong khi đó, chính sách về đền bù đất đai của Nhà nước ở mỗi thời điểm khác nhau lại có sự thay đổi, mỗi dự án có những chính sách đền bù khác nhau, đặc biệt với dự án do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thường đền bù cao hơn so với dự án của Nhà nước. Do đó, đối với các dự án Nhà nước thu hồi đất, việc đền bù, hỗ trợ đều dựa trên quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện dự án, trường hợp nếu tuyên truyền vận động nhiều lần, người bị thu hồi đất không chấp thuận thì buộc phải lập phương án cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Dự án chậm tiến độ, nhà thầu thiệt đơn, thiệt kép!

Cũng vì vướng mắc trong khâu đền bù GPMB, dù đã rất nỗ lực cố gắng, song Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh cũng đã phải 2 lần xin gia hạn thời gian kết thúc dự án. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Tiểu dự án TP Vinh, cho biết: Việc kéo dài thời gian thi công sẽ tác động rất lớn đến tiến độ dự án, thời gian kéo dài càng lâu, dự án có nguy cơ đội vốn càng cao, cùng với đó sẽ khiến cho nhà thầu thi công mệt mỏi, chán nản!

Ông Dương Trọng Thiết, Giám đốc Công ty CP Tây An cho biết, đến thời điểm hiện tại, đơn vị này đang có khá nhiều dự án thi công dở dang do chưa có mặt bằng sạch. Theo ông Thiết, trách nhiệm GPMB là của chủ đầu tư, song gần như dự án nào nhà thầu cũng phải chung tay vào việc này, thậm chí có những dự án nhà thầu còn phải ứng tiền để chủ đầu tư đền bù, GPMB. Ông Thiết khẳng định, vướng mặt bằng, dự án kéo dài nhà thầu thiệt đủ đường, đặc biệt, có những dự án đã xin được vốn nhưng không có mặt bằng để thi công nên vốn bị thu hồi hoặc bị chuyển cho dự án khác.

Đại diện Công ty CPXD Tân Nam cho hay, đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đang thực hiện 2 dự án xây dựng lớn trên địa bàn (Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò và Dự án đê sông Cả) nhưng đều vướng mặt bằng. Đối với Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò, chủ đầu tư khá quyết liệt trong công tác GPMB, song do nhiều vướng mắc về các chế độ, chính sách đền bù nên GPMB còn chậm. Riêng Dự án đê sông Cả, được lập và phê duyệt từ năm 2010, tuy nhiên cho đến nay mặc dù đã có vốn xây lắp nhưng chủ đầu tư là Chi cục Thủy Lợi - Sở NN&PTNT Nghệ An chưa lập phương án GPMB cho nhà thầu, dự án không thể thi công được.

Các nhà thầu cho biết, dự án chậm tiến độ không chỉ tác động xấu đến đơn vị thi công mà ngay cả Nhà nước cũng chịu thiệt hại, vì để càng lâu càng phải bù giá, đội vốn công trình. Ngoài ra, dự án không thi công được thì nguồn vốn không thể giải ngân, Nhà nước không thể thu thuế doanh nghiệp. Về phần các doanh nghiệp, thiệt hại rất nhiều trong thời gian không có mặt bằng thi công, đó là khấu hao thiết bị, tiền trả lương cho công nhân hàng tháng...

Thực tế cho thấy, nguyên nhân của việc chủ đầu tư chậm bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án là không thống nhất được phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư giữa chủ đầu tư và người dân. Ngoài ra, như ở địa bàn TP Vinh, triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng cùng lúc nên việc tập trung nhân lực để giải quyết nhanh công tác đền bù GPMB gặp khá nhiều khó khăn!

Để các dự án sớm có mặt bằng thi công, ngoài trách nhiệm đôn đốc, giám sát thường xuyên của chủ đầu tư, bên cạnh đó cũng cần sự đồng tình, ủng hộ của người dân vì sự phát triển chung của xã hội.

.

Đức Thắng

.