Thứ Sáu, 14/06/2019, 14:09 [GMT+7]

Chậm khắc phục vi phạm trong khai thác đá xây dựng

(Congannghean.vn)-Qua kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành cho thấy, hầu hết các mỏ khai thác đá xây dựng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện khai thác đá không đúng thiết kế được phê duyệt. UBND các huyện đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với lỗi vi phạm trên, song đến nay việc khắc phục lỗi vi phạm đang còn khá chậm trễ.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cùng Đoàn giám sát làm việc tại Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường cùng Đoàn giám sát làm việc tại Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam

Đơn cử, trên địa bàn huyện Đô Lương, qua kiểm tra 7 mỏ khai thác đá xây dựng, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã chỉ ra 6 mỏ khai thác đá thực hiện khai thác không đúng thiết kế đã được phê duyệt, 1 mỏ còn lại chưa khai thác. Với vi phạm trên, các chủ mỏ đều bị UBND huyện Đô Lương ra quyết định xử phạt hành chính số tiền gần 100 triệu đồng/mỏ.

Ông Đậu Văn Chinh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đô Lương cho biết: Với lỗi vi phạm bị xử phạt, các doanh nghiệp buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm và phải được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đã khắc phục xong sai phạm, mới tiếp tục được khai thác.

Quy định là vậy, song thực tế hoạt động khai thác tại các mỏ đá lại khác. Dù việc khắc phục sai phạm đang còn sơ sài hoặc theo kiểu đối phó nhưng việc khai thác đá vẫn diễn ra bình thường.

Đơn cử, tại mỏ đá của Công ty TNHH Nguyễn Bá Lương (xã Giang Sơn, huyện Đô Lương), khi chúng tôi có mặt ở đây, hoạt động khai thác đá vẫn diễn ra bình thường. Nhìn lèn đá bị khai thác theo kiểu từ phía bên hông, lâu ngày tạo thành vách đá dựng đứng, chúng tôi không khỏi rùng mình, bởi phía dưới đó công nhân đang làm việc và máy móc, thiết bị đang hoạt động. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu không may những tảng đá từ phía trên cao bất ngờ rơi xuống?

Theo lời của ông chủ mỏ đá này, việc sản xuất kinh doanh mỏ đang gặp nhiều khó khăn, do đá sản xuất ra không cạnh tranh được với thị trường, không bán được! Khi được hỏi về công tác khắc phục vi phạm khai thác đá không đúng thiết kế được phê duyệt, chủ mỏ đá thừa nhận là việc khắc phục sẽ gặp nhiều khó khăn và khó thực hiện!

Tương tự, tại mỏ đá của Công ty CPXD và TM Hoàng Long (xã Giang Sơn, huyện Đô Lương), qua trao đổi, ông Trần Xuân Long, Giám đốc đơn vị này cho hay: Mỏ đá được cấp phép từ năm 2013, thời hạn khai thác là 30 năm, từ năm 2014 mỏ đá bắt đầu đi vào hoạt động. Sau khi Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh chỉ ra sai phạm trong quá trình thực hiện khai thác đá không đúng với thiết kế được phê duyệt, công ty đã triển khai làm đường lên đỉnh mỏ. Theo ông Long, quá trình làm đường lên mỏ sẽ mất khá nhiều thời gian cũng như kinh phí (số tiền hàng tỉ đồng). Do vậy, để hoàn thành ngay việc làm đường là rất khó, doanh nghiệp đang xin kéo dài thêm thời gian làm đường.

Thời điểm chúng tôi có mặt tại mỏ đá này, hoạt động khai thác đá vẫn diễn ra song song với công tác khắc phục vi phạm. Chủ doanh nghiệp thừa nhận phải thực hiện “vừa hành quân, vừa xếp hàng” để duy trì sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong tháng 6/2019, việc khắc phục vi phạm sẽ hoàn thành.

Không chỉ tại huyện Đô Lương, qua kết quả kiểm tra của Đoàn liên ngành tỉnh, có 6 mỏ khai thác đá xây dựng tại huyện Yên Thành cũng vi phạm “thực hiện khai thác không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt”, với lỗi vi phạm trên, các mỏ này bị xử phạt số tiền từ 60 - 80 triệu đồng/mỏ.

Vậy nhưng, khi có mặt tại lèn đá Vũ Kỳ do Công ty TNHH Vũ Kỳ khai thác, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng lèn đá dựng đứng do việc khai thác đá từ phía bên hông lèn kéo dài, cạnh đó 2 máy xúc đang làm công việc khoan đá, bốc đá đưa lên thùng xe tải chở đến dàn nghiền, sàng cách đó không xa. Đại diện đơn vị này cũng cho biết đang tiến hành làm đường lên mỏ, khắc phục vi phạm. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, để khắc phục lỗi vi phạm về khai thác không đúng thiết kế với mỏ đá này là khá khó khăn!

Lèn đá Vũ Kỳ (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) khai thác không đúng thiết kế
Lèn đá Vũ Kỳ (xã Phúc Thành, huyện Yên Thành) khai thác không đúng thiết kế

Tại huyện Anh Sơn, có 3 mỏ đá (Công ty CP Cao Nguyên, Công ty CPSX Vật liệu xây dựng Hưng Phúc, Công ty CP 495). Tại huyện Quỳnh Lưu có 6 mỏ đá (Công ty CP Trường Thịnh, Công ty CPXD Văn Sơn, Tổng Công ty 36 và Công ty CPTM&XD An Bình). Tại TX Hoàng Mai có Công ty CPĐTXD Long Thành cũng vi phạm “Thực hiện khai thác không đúng trình tự khai thác và hệ thống khai thác xác định trong thiết kế mỏ được phê duyệt”. Nhìn chung, sau khi bị UBND các huyện ra quyết định xử phạt lỗi vi phạm nói trên, các chủ mỏ thực hiện việc khắc phục vi phạm khá chậm trễ, thậm chí có đơn vị không có động thái khắc phục hoặc chỉ làm lấy lệ.

Sau nhiều năm Công ty Văn Sơn khai thác, lèn đá Trụ Hải (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Sau nhiều năm Công ty Văn Sơn khai thác, lèn đá Trụ Hải (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn

Theo quy định, trình tự khai thác mỏ đá xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, buộc các doanh nghiệp trước khi tiến hành khai thác đá đều phải làm đường lên đỉnh mỏ, tiến hành khai thác theo lối “cắt ngọn” từ trên xuống dưới, mục đích là đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác, vận chuyển đá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tất cả các mỏ đá được Đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra vừa qua, các doanh nghiệp khai thác đá theo phương pháp, khoan và nổ mìn từ bên hông các lèn đá, quá trình khai thác này lâu ngày tạo thành những vách đá dựng đứng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong khai thác đá.

Vậy, vì sao biết việc khai thác như trên mất an toàn nhưng các doanh nghiệp đều không chấp hành khai thác đúng thiết kế được phê duyệt? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các mỏ đá có địa hình phức tạp, cheo leo, quá trình làm đường lên mỏ theo đúng thiết kế sẽ mất khá nhiều thời gian và tiền bạc, tăng giá thành sản phẩm, đồng thời khi khai thác từ đỉnh mỏ sẽ mất thêm thời gian bóc “phong hóa”. Do đó, so với phương pháp khoan, nổ mìn từ hông lèn cho đá tự do rơi xuống và phương pháp khai thác đúng thiết kế thì doanh nghiệp chọn cách khai thác từ hông lèn có lợi hơn nhiều về thời gian và chi phí. Theo thông tin chúng tôi có được, với phương pháp khai thác đá như trên, đã có không ít vụ việc rơi rớt từ lèn đá trong quá trình khai thác, các vụ tai nạn này đều để lại những hậu quả đau lòng cho nạn nhân và gia đình.

Kết quả kiểm tra 25 mỏ đá của Đoàn liên ngành cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm quy trình khai thác mỏ
Kết quả kiểm tra 25 mỏ đá của Đoàn liên ngành cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều vi phạm quy trình khai thác mỏ

Qua đợt kiểm tra của Đoàn liên ngành tỉnh cho thấy, có những mỏ đá đã đi vào hoạt động khai thác đá xây dựng hàng chục năm trời, song không hiểu vì sao trong khoảng thời gian dài như vậy, chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng các cấp không giám sát chặt chẽ quy trình khai thác theo đúng thiết kế được phê duyệt?! Cho đến nay, qua tìm hiểu thực tế, nhiều doanh nghiệp tiếp tục kêu khó khăn vì sản phẩm sản xuất ra không bán được. Vậy, liệu việc khắc phục vi phạm của Đoàn liên ngành vừa chỉ ra có được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật hay không? Hay các doanh nghiệp chỉ thực hiện một vài động thái lấy lệ rồi tiếp tục phương pháp khai thác đá mất an toàn, tồn tại như hàng chục năm qua!

.

Đ.T

.