Chủ Nhật, 14/07/2019, 10:12 [GMT+7]

Hơn 500 hồ đập tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan đã quan tâm, dành nguồn lực cải tạo, sửa chữa các hồ, đập chứa nước trên địa bàn, song số lượng các công trình được sửa chữa chỉ có 107/625 hồ chứa nước. Toàn tỉnh hiện còn lại trên 500 hồ vừa và nhỏ, chưa được sửa chữa, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố khi mùa mưa bão xảy ra.

Nhiều hồ đập cạn nước về mùa khô nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về mùa mưa
Nhiều hồ đập cạn nước về mùa khô nhưng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về mùa mưa

Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh, trên địa bàn Nghệ An hiện có 2 hệ thống thuỷ nông lớn (hệ thống thuỷ nông Bắc và hệ thống thuỷ nông Nam). Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 625 hồ chứa, 427 đập dâng, 701 trạm bơm điện, 15 tuyến tiêu lớn và hàng trăm cống tưới, tiêu lớn nhỏ...

Thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quan đã quan tâm, dành nguồn lực cải tạo, sửa chữa các hồ, đập chứa nước trên địa bàn, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng các công trình được sửa chữa vẫn còn ít so với số lượng các hồ, đập hiện có (chỉ có 107/625 hồ được sửa chữa).

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh và các địa phương, hiện nay có nhiều đập không an toàn, mất nguy cơ an toàn. Đập đất không đủ mặt cắt theo tiêu chuẩn, chất lượng thi công đập kém là nguyên nhân gây ra thấm mạnh hoặc sủi nước trong phạm vi thân đập; rò thấm hai bên vai đập; hình thành tổ mối trong thân đập gây sạt lở; sạt, trượt mái đập, xói lở mái đập, nứt nẻ trong thân đập; đập thấp không đảm bảo chiều cao an toàn. Các hồ có dung tích trữ 10 triệu m3 trở lên có thể đảm bảo an toàn ở mức tần suất 0.5 - 1.0%; các hồ có dung tích trữ trên 1 triệu đến 10 triệu m3 trở lên có thể đảm bảo an toàn ở mức tần suất 1.0 - 2.0%; các hồ nhỏ dưới 1 triệu m3 chỉ đảm bảo ở mức tần suất lũ 5 - 10% và một số hồ còn thấp hơn nữa (chủ yếu do nhân dân xây dựng và quản lý). Gặp mưa lũ lớn có thể nước tràn qua mặt đập làm vỡ đập.

Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, hiện nay mới chỉ có hồ Vực Mấu đáp ứng được theo tiêu chí của WB (Ngân hàng thế giới) về tần suất lũ kiểm tra 0.01% (nhưng cống lấy nước hồ Vực Mấu chưa được sửa chữa). Tất cả các hồ còn lại không đáp ứng.

Để ứng phó trước mùa mưa bão, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các biện pháp đảm bảo an toàn và xử lý sự cố công trình thủy lợi; thực hiện quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi. Đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra công trình trước mùa mưa lũ, đánh giá hiện trạng công trình thủy lợi trên địa bàn, nhất là các hồ chứa, các đầu mối tưới, tiêu lớn... Kiểm tra các bộ phận xung yếu của công trình như tràn xả lũ, cống dưới đập, cửa van, máy đóng mở, xích cáp, thấm lậu, tổ mối của đập đất, rò nước qua mang cống... và các công trình mới được sửa chữa hoặc xây dựng mới chưa qua thử thách trong bão lụt.

Xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, quy định rõ trách nhiệm trong thông tin, vận hành, giám sát điều tiết, xả lũ phù hợp với các quy định pháp luật về quy trình vận hành, đảm bảo thông tin xả lũ kịp thời tới người dân. Kiên quyết xử lý đối với các chủ hồ chứa nước, các cá nhân vi phạm các quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành xả lũ dẫn tới thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hồ chứa, công trình giao thông, thông tin liên lạc, hành lang thoát lũ... xác định trọng điểm, xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm trước mùa mưa lũ. Có biện pháp xử lý các công trình gây cản trở thoát lũ.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung tu sửa các hạng mục công trình ách yếu trước mùa mưa bão. Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo và công tác truyền thông cho toàn dân hiểu được tình hình bất thường của thời tiết để chủ động ứng phó và có kế hoạch sản xuất phù hợp; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để thực hiên tốt phương châm “4 tại chỗ”.

Được biết, Chi cục Thủy lợi tỉnh cũng đã kiến nghị việc bố trí hỗ trợ nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa xung yếu dự kiến từ năm 2018 đến năm 2020 cho 57 hồ chứa, với tổng kinh phí 537 tỉ đồng, gồm nhóm ưu tiên 1 có 7 công trình với tổng kinh phí 107 tỉ đồng; nhóm ưu tiên 2 có 50 công trình với tổng kinh phí 430 tỉ đồng.

.

Đ.T

.