Thứ Tư, 14/08/2019, 07:59 [GMT+7]

Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

(Congannghean.vn)-Tại Nghệ An, thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2018, đến nay, kết quả quan trọng nhất phải kể đến là việc đẩy mạnh phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững gắn với giữ vững môi trường sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp lớn vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.

Người dân huyện Quế Phong phấn khởi nhận tiền khoán bảo vệ rừng - Ảnh: Văn Mạnh
Người dân huyện Quế Phong phấn khởi nhận tiền khoán bảo vệ rừng - Ảnh: Văn Mạnh

Thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã trồng mới được hơn 54 triệu ha rừng; trong đó có trên 1,5 triệu ha rừng phòng hộ, đặc dụng và 52 nghìn ha rừng sản xuất; đồng thời thực hiện khoanh nuôi đạt 227 nghìn lượt ha.

Tính đến năm 2018, độ che phủ rừng đạt 58%. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có và khoanh nuôi 76 nghìn ha; đạt 100% kế hoạch đề ra; trồng mới trên 7 nghìn ha, đạt 42,3% kế hoạch giao… Cùng với đó, công tác bảo tồn thiên nhiên cũng được tỉnh quan tâm thực hiện, đặc biệt là việc quản lý động vật hoang dã tại các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh; thực hiện thu hồi các cá thể động vật hoang dã bị nhốt trái phép về Trung tâm cứu hộ theo quy định… Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chi trả cho công tác bảo vệ và phát triển rừng trên toàn tỉnh với số tiền hơn 201 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện cho người dân được hưởng đầy đủ quyền lợi của người sử dụng rừng, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án 4213 ngày 20/9/2018 về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2021. Tính đến cuối tháng 7/2019, toàn tỉnh đã làm thủ tục bàn giao trên thực địa được gần 43.000 ha rừng cho người dân quản lý. Trong đó huyện Tương Dương đạt tỉ lệ lớn nhất; tiếp đến là các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu; các huyện, thị khác chưa giao được diện tích nào cho người dân.

Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tiến độ bàn giao rừng cho người dân chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do những vướng mắc liên quan đến quá trình giao đất lâm nghiệp, bố trí tái định cư trước đây cho người dân có nhiều bất cập, nay phải thực hiện rà soát lại. Cũng liên quan đến vấn đề trên, trên cơ sở rà soát hiện trạng sử dụng đất, tỉnh sẽ xem xét giao diện tích đất chưa có rừng xen lẫn trong diện tích đất có rừng của một số chủ hộ được giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp.

Liên quan đến chủ trương mở rộng cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp nhằm quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng, tỉnh đã thực hiện và phê duyệt các dự án thành phần và thành lập Ban Quản lý Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường chống chịu vùng ven biển - FMCRP tỉnh Nghệ An”; hoàn thành Đề án “Phát triển rừng nguyên liệu có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) gắn với chế biến gỗ chất lượng cao tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017 - 2020”…

Ngoài ra, nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh rừng, góp phần thúc đẩy phát triển rừng bền vững, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh đã bắt và xử lý 292 vụ vi phạm lâm luật, giảm 476 vụ (39%) so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 46 vụ phá rừng trái phép, 15 vụ vi phạm về khai thác gỗ và lâm sản khác, 10 vụ vi phạm quy định về quản lý động vật hoang dã… Các lực lượng chức năng đã tịch thu 426.45 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; giá trị lâm sản ngoài gỗ tịch thu là 20 triệu đồng và 57 con, 229 kg động vật rừng các loại. Tổng số tiền phạt và tiền bán lâm sản, phương tiện tịch thu ước tính trên 2.2 tỉ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 2.1 tỉ đồng…

Để ngành Lâm nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, bền vững, thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng kiểm tra, thống kê theo dõi diễn biến rừng hàng năm; cập nhật việc chuyển đổi mục đích sử dụng, kiểm kê lại rừng theo định kỳ; đẩy mạnh công tác xã hội hóa lâm nghiệp theo phương châm bảo vệ rừng là trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, xây dựng và thiết lập lâm phần các loại rừng, cắm mốc ranh giới trên thực địa; hoàn chỉnh công tác giao, khoán đất rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng để sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp, thực hiện nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ về giống cây lâm nghiệp… Qua đó, góp phần bảo vệ môi trường sống và phục vụ đắc lực sự phát triển của tỉnh.

.

Thùy Dương

.