Thứ Ba, 03/09/2019, 07:57 [GMT+7]

Chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong mùa mưa bão

(Congannghean.vn)-Nghệ An là một trong những tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai như mưa lũ, sạt lở, hạn hán, rét đậm rét hại… Để chủ động ứng phó trong mùa mưa bão năm 2019, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, nhân lực và các phương án xử lý phù hợp với đặc điểm địa bàn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong mùa mưa bão.

Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (BĐBP Nghệ An) hướng dẫn các chủ tàu, thuyền và ngư dân ven biển neo đậu trú bão số 4 an toàn - Ảnh: Lê Thạch
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương (BĐBP Nghệ An) hướng dẫn các chủ tàu, thuyền và ngư dân ven biển neo đậu trú bão số 4 an toàn - Ảnh: Lê Thạch
Theo số liệu do Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) cung cấp, trong 7 tháng đầu năm 2019, thời tiết, thiên tai trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp: Chịu ảnh hưởng của 8 đợt không khí lạnh; 8 đợt nắng nóng; 21 đợt tố lốc, giông sét, mưa lớn và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây ra mưa lớn trên diện rộng. 
 
Thiên tai (lốc, sét, mưa lớn, mưa đá, bão số 2…) đã làm chết 3 người; bị thương 5 người; sập đổ 30 nhà; tốc mái, hư hỏng 1.438 nhà; 16 điểm trường bị ảnh hưởng; làm hư hại: 1.603,78 ha lúa; 2.269,4 ha ngô và hoa màu; 567,84 ha cây trồng lâu năm; 139,89 cây trồng hàng năm; 1.155 con gia súc, gia cầm bị chết; 103,86 ha thủy sản bị ngập; 6.688,7 m kênh mương; 935 m bờ sông, bờ biển sạt lở... Ước thiệt hại về kinh tế 127,632 tỉ đồng. Bên cạnh đó, 8 đợt nắng nóng từ đầu năm đến nay đã làm 31.228 ha diện tích cây trồng các loại bị thiếu nước. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, trên biển đã xảy ra 33 vụ tai nạn, làm 4 phương tiện bị chìm; 1 phương tiện bị hư hỏng; 20 người bị thương, 6 người chết; 7 người mất tích. Đặc biệt, vụ tai nạn xảy ra vào ngày 28/6: Tàu NA 95899 TS bị tàu chở hàng Pacific 01 va đâm, làm tàu cá bị chìm, 4 người chết và 6 người mất tích. 
Thiên tai, lũ lụt gây ra nhiều hậu quả nặng nề (Trong ảnh: Quốc lộ 7 bị ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 4 năm 2018)
Thiên tai, lũ lụt gây ra nhiều hậu quả nặng nề (Trong ảnh: Quốc lộ 7 bị ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 4 năm 2018)
Trước thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra trong những tháng đầu năm, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã được kiện toàn và giao nhiệm vụ cho các thành viên, các sở, ban, ngành, địa phương. UBND tỉnh cũng đã ban hành các quyết định về phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn; phương án phòng, chống lụt bão tuyến đê Tả Lam, cống Nam Đàn; phương án bảo vệ 95 hồ chứa do doanh nghiệp Thủy lợi quản lý; thành lập Ban chỉ huy PCTT-TKCN các hệ thống thủy lợi... Bên cạnh đó, trích 38,3 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2019 và 17,9 tỉ đồng từ nguồn thu Quỹ PCTT năm 2018 hỗ trợ, phân bổ cho các địa phương, đơn vị sửa chữa các công trình ách yếu, thiết yếu và triển khai các nội dung phòng ngừa thiên tai năm 2019.
 
Theo nhiệm vụ được phân công, các sở, ban, ngành như: Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Điện lực Nghệ An, Hội chữ thập đỏ,  UBMT tổ quốc tỉnh, Tỉnh đoàn, Cục Thống kê, Cảng vụ hàng hải Nghệ An đã xây dựng phương án đối phó với các tình huống thiên tai của đơn vị mình, có phương án đảm bảo ANTT, phương tiện, lực lượng cứu nạn cứu hộ, dự trữ y tế, nhiên liệu, lương thực… đảm bảo sẵn sàng huy động khi có thiên tai xảy ra.
 
Riêng Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã lắp đặt thêm 5 trạm đo mưa tự động tại các huyện miền núi và vùng tâm mưa lũ của tỉnh, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành công tác PCTT của Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ trong việc theo dõi tình hình thời tiết, thực hiện tốt việc cảnh báo qua tin nhắn, tham mưu kịp thời các công văn, chỉ đạo ứng phó với thời tiết nguy hiểm, chủ động phòng, chống tố lốc, giông sét, nắng nóng, hạn hán gây ra. Báo cáo kịp thời tình hình nắng nóng, hạn hán, tố lốc, giông sét và công tác cứu nạn cứu hộ tàu cá, ngư dân gặp nạn trên biển. Đề xuất với UBND tỉnh, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT để được hỗ trợ.
Người dân trên địa bàn xã Bồng Khê, huyện Con Cuông dọn dẹp sau cơn bão số 4 năm 2018
Người dân trên địa bàn xã Bồng Khê, huyện Con Cuông dọn dẹp sau cơn bão số 4 năm 2018
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị kiểm tra, rà soát công trình, đê điều, hồ đập và các hệ thống thủy nông. Lập và phê duyệt phương án PCTT các công trình trọng điểm, các hồ đập… để chủ động ứng phó khi có bão, lụt. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương ven biển phối hợp với Chi cục Thủy sản và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý chặt chẽ việc ra vào và các hoạt động của tàu thuyền, ngư dân trên biển; rà soát các khu neo đậu tránh, trú bão, các thiết bị trên tàu, đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền và ngư dân trong mùa mưa bão.
 
Bằng việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong 7 tháng đầu năm 2019, Bộ đội Biên phòng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều động 25 phương tiện và 1.615 lượt người phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng hiệp đồng triển khai công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, tai nạn trên biển. Qua đó, cứu được 76 người, 9 phương tiện và sửa chữa 64 nhà dân do lốc xoáy. Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đã chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng tại chỗ, vận động nhân dân chủ động khắc phục; kịp thời động viên, thăm hỏi những gia đình có người bị chết, nhà bị sập đổ, hư hỏng nặng.  
 
Dự báo thời gian tới là trọng điểm của mùa bão, lụt. Để chủ động đối phó với các bất thường của thời tiết, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân, doanh nghiệp tự giác, chủ động có biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là đối với bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất; xây dựng cụ thể phương án sơ tán, di dời dân trước mùa mưa, bão; chỉ đạo quyết liệt việc sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước khi xảy ra thiên tai để giảm thiểu thiệt hại về người.
 
Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo đối với các loại thiên tai ảnh hưởng trên phạm vi rộng, kéo dài, gây thiệt hại lớn và có thể dự báo, cảnh báo sớm như: Bão, lũ, rét, hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, tiếp tục bổ sung, xây dựng kế hoạch PCTT, phương án ứng phó thiên tai của từng ngành, lực lượng vũ trang, địa phương, đơn vị và công trình. Đặc biệt là chú ý đến các công trình trọng điểm có nguy cơ dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tiến hành rà soát, đánh giá và xử lý các công trình hạ tầng chưa phù hợp, cản trở thoát lũ, gây ngập úng, sạt trượt ảnh hưởng đến an toàn công trình và khu dân cư; đề xuất các giải pháp đảm bảo an toàn các công trình PCTT để tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ tu sửa, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập; đồng thời có phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình PCTT, cơ sở hạ tầng, khu dân cư, khu vực sản xuất...
 
Đến thời điểm hiện tại, theo dự báo, bão số 4 sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là cơn bão mạnh và có hướng di chuyển rất nhanh. Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do bão và mưa lũ gây ra, ngày 28/8, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện số 15/CĐ-UBND về ứng phó với bão số 4. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và đơn vị, địa phương lên phương án phòng, chống hiệu quả. Tại Hội nghị trực tuyến với 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An về công tác ứng phó và phòng, chống bão số 4 được tổ chức vào chiều cùng ngày, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo công tác ứng phó với bão của Nghệ An.
 
Theo đó, tỉnh đã tổ chức kêu gọi gần 3.900 tàu thuyền vào neo đậu khu vực an toàn; thông tin và hướng dẫn các thuyền còn ở xa bờ vào nơi tránh trú an toàn. Vào sáng 29/8, tỉnh sẽ ra lệnh cấm biển. Đối với các khu vực nuôi trồng thủy sản, chính quyền địa phương và các hộ dân chủ động các phương án phòng, chống an toàn, không để một người dân nào trông coi các lồng bè khi bão vào. Riêng các vùng dân dễ bị ảnh hưởng do sạt lở, ngập úng, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương ven biển sẵn sàng phương án di dân cho 26 nghìn người; tổ chức thu hoạch hơn 10 nghìn ha lúa hè thu chủ yếu khu vực vùng trũng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Cùng với đó, chủ động phương án 4 tại chỗ trong ứng phó với cơn bão; kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo khả năng vận hành tiêu úng hiệu quả.
.

Ngọc Anh

.