Thứ Tư, 18/09/2019, 08:05 [GMT+7]

Dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp

(Congannghean.vn)-Dù đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, song tại Nghệ An, kiểm soát dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang là một thách thức lớn. Trước tình hình trên, UBND tỉnh vừa ra công điện khẩn yêu cầu các sở, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch tả lợn Châu Phi.

Công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang còn nhiều khó khăn
Công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang còn nhiều khó khăn

Hiện nay, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã phát tán rộng, xâm nhiễm vào một số trang trại chăn nuôi, số lượng lợn mắc bệnh buộc tiêu hủy ngày càng tăng; đặc biệt là tại các huyện có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao như: Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn... Tính đến 16 giờ ngày 15/9, đang có dịch chưa qua 30 ngày ở 109 xã (ở 4.301 hộ tại 558 xóm) thuộc 14 huyện có dịch chưa qua 30 ngày. Số lợn tiêu hủy là 19.616 con, trọng lượng 887.139 kg.

Tình hình trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do thời gian chống dịch kéo dài dẫn đến hiện tượng một số địa phương chủ quan, lơ là, thiếu các biện pháp quyết liệt. Cá biệt có một số nơi không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch, không chủ động mua vôi bột, hóa chất để khử trùng, bỏ chốt kiểm soát. Trong khi đó, việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn tại vùng dịch chưa được kiểm soát triệt để. Một số hộ chăn nuôi chưa thực hiện nguyên tắc “5 không”, khi phát hiện lợn ốm, chết không khai báo mà bán chạy, vứt xác lợn ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, do mầm bệnh đã phát tán rộng, số lượng lợn tiêu hủy nhiều nhưng công tác xử lý môi trường tại các hố chôn của nhiều địa phương chưa triệt để, kết hợp với thời tiết diễn biến bất lợi, bắt đầu mùa mưa bão gây ngập úng, xác chết động vật, chất thải từ các cơ sở thu gom, giết mổ, chăn nuôi... trôi dạt trong nước làm phát tán mầm bệnh. Bên cạnh đó, tại nước CHDCND Lào, dịch bệnh này đang lây lan khó kiểm soát tại một số cụm bản có biên giới tiếp giáp với Nghệ An. Vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả lợn Châu Phi bùng phát thời gian tới rất cao.

Theo các chuyên gia, trong khi chờ các nhà khoa học nghiên cứu vắc-xin thì vẫn phải duy trì các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi; đồng thời sử dụng các chế phẩm sinh học để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp chăn nuôi có quy mô đàn nuôi lớn đang áp dụng rất nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học nên dịch bệnh không xâm nhiễm vào được các trang trại của các doanh nghiệp này. Theo đó, một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh gồm: Tiêu huỷ triệt để, đúng cách lợn bệnh; phun thuốc sát trùng đúng cách, đúng liều lượng; thay đổi phương thức chăn nuôi; sử dụng bổ sung chất kháng khuẩn, kháng vi rút... Các địa phương cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, khuyến nghị cho người dân chỉ những vùng chăn nuôi có đủ điều kiện làm chủ được về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, có không gian cách ly... mới có thể tái đàn, gắn với việc đảm bảo tiêu thụ, không để người dân tái đàn tự phát khi chưa đảm bảo các yêu cầu.

Để ngăn chặn dịch bệnh tiếp tục phát sinh, khống chế dịch trong diện hẹp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ra Công điện khẩn số 17/CĐ-UBND, ngày 6/9/2019 yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị quyết liệt phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời điểm hiện nay và thời gian tới; chủ động bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, chi trả thù lao phù hợp, rõ ràng, chặt chẽ cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh… Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm, báo cáo, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh trên động vật; tiêu hủy triệt để lợn bệnh, lợn nghi bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện lợn bệnh; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, kinh doanh lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn; thực hiện nghiêm việc quản lý giết mổ lợn, tiêu thụ sản phẩm từ lợn, kiểm soát vận chuyển lợn theo các hướng dẫn của Sở NN&PTNT. Người dân ở vùng dịch nên đầu tư chăn nuôi gia súc, thủy cầm, trâu, bò, dê phù hợp với điều kiện của mỗi gia đình, vùng miền, bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống.

.

Mai Hậu

.