Chủ Nhật, 13/10/2019, 09:39 [GMT+7]
Đại biểu Quốc hội khóa XIV tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8

Ghi nhận nhiều kiến nghị, trăn trở của người dân

(Congannghean.vn)-Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra từ ngày 21/10 - 21/11, với việc xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật. Tại Nghệ An, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) CỦA đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước Kỳ họp tại nhiều địa phương đã ghi nhận nhiều ý kiến, kiến nghị liên quan đến đời sống dân sinh cũng như băn khoăn, trăn trở trước những vấn đề “nóng” của xã hội.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các ĐBQH giải đáp, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc
Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được các ĐBQH giải đáp, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc

Tại các cuộc TXCT, các ĐBQH đã thông tin đến đông đảo cử tri các địa phương một số nội dung quan trọng tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, nhấn mạnh về những dự luật đang được đông đảo cử tri quan tâm như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; bổ sung quy định về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ tối đa…

Đi vào nội dung trọng tâm của các cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tích cực, nổi bật trong hoạt động của Quốc hội thời gian qua; đồng thời bày tỏ sự phấn khởi trước những thành tựu KT-XH trong 9 tháng của địa phương, của tỉnh và cả nước, đặc biệt là những dấu ấn, nỗ lực chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước suốt thời gian qua.

Cụ thể, liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân. Cuộc đấu tranh này không bao giờ được thỏa mãn, ngừng nghỉ nhằm từng bước đưa tệ nạn tham nhũng ra khỏi đời sống xã hội. Việc xử lý các tướng lĩnh thuộc lực lượng vũ trang vi phạm pháp luật, suy thoái về đạo đức chính trị thời gian qua cũng là một trong những giải pháp làm cho lực lượng vũ trang trong sạch hơn, vững mạnh hơn.

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, nhiều cử tri bày tỏ băn khoăn về sự biến động giá của ngành điện, xăng dầu, cụ thể là giá điện tăng quá cao, còn giá xăng có hiện tượng tăng nhiều, giảm ít. Do vậy, cần đẩy mạnh áp dụng cơ chế thị trường, tránh tình trạng độc quyền trong những ngành nghề này. Hay như trước thực trạng quy hoạch chung cư trong khu vực đô thị còn chưa chặt chẽ, cử tri kiến nghị các cấp bộ, ngành, địa phương cần giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng, tránh phá vỡ cấu trúc quy hoạch đô thị.

Một trong nhiều vấn đề được đông đảo cử tri đặc biệt quan tâm kiến nghị là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đơn cử như việc Quỹ BHYT giảm mức trợ cấp thanh toán BHYT của lực lượng Thanh niên xung phong từ 100% xuống 80% trong quá trình khám, chữa bệnh là chưa hợp tình, hợp lý. Bởi đa phần các đối tượng này giờ đã cao tuổi, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Đó còn là những băn khoăn đối với chế độ đãi ngộ cho các gia đình liệt sỹ; việc đảm bảo chế độ chính sách cho các đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế…

Việc đảm bảo chế độ chính sách cho người có công được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị (Trong ảnh: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh trao quà cho thân nhân người có công với cách mạng)
Việc đảm bảo chế độ chính sách cho người có công được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị (Trong ảnh: Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh trao quà cho thân nhân người có công với cách mạng)

Cũng như thường lệ, tại nhiều cuộc TXCT với ĐBQH, hội trường nơi diễn ra các cuộc tiếp xúc còn được “làm nóng” với nhiều vấn đề nhức nhối, vướng mắc tại các địa phương. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường vùng ven biển trên địa bàn huyện Diễn Châu kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp xử lý thấu đáo. Hay như các vướng mắc liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và dự án Khu công nghiệp Hemaraj. Cụ thể, cử tri xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc cho rằng: công tác kiểm kê, áp giá, chi trả hỗ trợ bồi thường GPMB Quốc lộ 1A chưa thỏa đáng; từ đó kiến nghị chính quyền địa phương cần niêm yết công khai mức giá đền bù để người dân nắm rõ.

Ngoài ra, những vấn đề khác liên quan thiết thực đến chất lượng đời sống dân sinh cũng được nhiều cử tri kiến nghị tới các ĐBQH. Đó là sự xuống cấp của hệ thống cầu, đường…; tình trạng chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất; hoạt động các bệnh viện tư nhân còn tồn tại bất cập; tình trạng đạo đức xuống cấp, tình hình tội phạm tiềm ẩn nhiều phức tạp ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân…

Sau khi lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cử tri, các ĐBQH đã phát biểu ghi nhận, cảm ơn ý kiến đóng góp trách nhiệm, thẳng thắn của cử tri đối với Đảng, Nhà nước và Quốc hội cũng như lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời bày tỏ mong muốn mỗi người dân cần có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.

Đơn cử như liên quan đến vấn đề đền bù GPMB Quốc lộ 1A của cử tri TX Hoàng Mai phản ánh, thời gian qua, tỉnh và thị xã đã và đang vào cuộc quyết liệt để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Vấn đề này đòi hỏi thời gian nên quá trình thực hiện rất cần sự kiên trì, đồng thuận của các hộ dân cùng chính quyền.

Tại các cuộc tiếp xúc, nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân đã được các ĐBQH trực tiếp trả lời, giải đáp. Đối với ý kiến của cử tri phường Quỳnh Phương, TX Hoàng Mai phản ánh về tình trạng nhiều đối tượng tung tin xấu, tin "độc" trên mạng xã hội, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh: Cấp ủy, chính quyền có một phần trách nhiệm trong việc để người dân thiếu thông tin chính thống trong một số vấn đề có tính chất phức tạp. Do đó, sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm để định hướng, tuyên truyền các thông tin chính thống đến với người dân. Cũng tại các cuộc TXCT, lãnh đạo các địa phương và đại diện các sở, ngành cấp tỉnh cũng đã giải trình, làm rõ những nội dung thuộc thẩm quyền mà cử tri quan tâm.

Liên quan đến ý kiến cử tri về dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A trên địa bàn huyện Nghi Lộc, trên thực tế, việc kiểm kê, áp giá đều tuân theo các trích đo kỹ thuật được đơn vị có tư cách pháp nhân đo đạc trực tiếp và độc lập. Quy trình thực hiện là: sau khi hồ sơ kiểm kê áp giá hoàn thiện được công khai tại UBND xã và có thông báo cho nhân dân đến kiểm tra, sau 20 ngày nếu không có khiếu nại, chính quyền địa phương sẽ nộp cho Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính, Sở Xây dựng thẩm định. Sau thẩm định, các sở này gửi cho UBND huyện, UBND huyện ra quyết định đền bù, Hội đồng đền bù GPMB thi hành quyết định. Vì vậy, ý kiến của các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng cho rằng, có sự khuất tất trong trích đo kỹ thuật và kiểm kê áp giá là không có cơ sở…

Ngoài việc giải trình các ý kiến của cử tri, lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo các địa phương cũng được các ĐBQH giao nhiệm vụ tiếp thu các ý kiến thuộc thẩm quyền, từ đó nghiên cứu để có hướng giải quyết, điều chỉnh phù hợp, nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân tốt hơn. Đơn cử như trong việc giải quyết các vấn đề kiến nghị của cử tri, lãnh đạo xã Thọ Thành, huyện Yên Thành trong quá trình tiếp dân cần trả lời dứt khoát, rõ ràng cho người dân hiểu, tránh để xảy ra trường hợp người dân khiếu nại, thắc mắc nhiều lần nhưng chưa được trả lời thỏa đáng. Cụ thể, nếu xã đã giải quyết rồi nhưng người dân vẫn thắc mắc thì huyện phải nghiên cứu giải quyết. Trong trường hợp đồng tình hay có quan điểm khác với cách giải quyết của cấp xã thì cũng phải trả lời rõ ràng cho người dân.

Hay như vấn đề liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ĐBQH Hồ Đức Phớc đề nghị lãnh đạo địa phương cần phân loại cụ thể, rõ ràng các nhóm trường hợp và giải quyết dứt điểm. Những trường hợp nào thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết ngay nhằm đảm bảo nhu cầu chính đáng của người dân.

Với những ý kiến còn lại của cử tri, các ĐBQH sẽ ghi nhận, tổng hợp các ý kiến với tinh thần cầu thị, nghiêm túc để phản ánh tới các cơ quan chức năng của Quốc hội, các cơ quan, bộ, ngành liên quan để xem xét trong thời gian tới.

.

Thùy Dương

.