Thứ Tư, 13/11/2019, 08:46 [GMT+7]
Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Minh bạch trong đầu tư để giảm gánh nặng ngân sách

(Congannghean.vn)-Trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 11/11, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Luật được thông qua sẽ minh bạch đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập mà các dự án BT mang lại trong thời gian qua.
Dự án tuyến đường nối từ Quốc lộ 48D xuống cảng Đông Hồi đầu tư theo mô hình BT
Dự án tuyến đường nối từ Quốc lộ 48D xuống cảng Đông Hồi đầu tư theo mô hình BT
Hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) hiện nay mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật (ngân sách Nhà nước, đầu tư, đầu tư công, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, đấu thầu...). Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện PPP do Chính phủ thực hiện có những kết quả rất tích cực. Các dự án PPP trong thời gian qua đã góp phần rất quan trọng trong hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, đô thị cũng như xử lý chất thải, nước thải, rác thải, kịp thời giải quyết những nhu cầu bức xúc và dịch vụ công cho người dân. Tuy nhiên, cũng còn nhiều hạn chế đối với các dự án BOT và đặc biệt là những dự án BT.  
 
Chỉ tính riêng tại địa bàn Nghệ An, nhiều dự án đổi đất lấy hạ tầng trong thời gian qua đã lộ nhiều bất cập, thậm chí thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Đơn cử, dự án tuyến đường dài 480 m nối từ Quốc lộ 48D xuống cảng Đông Hồi (TX Hoàng Mai), được thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với mức đầu tư hơn 33,67 tỉ đồng. Thực hiện dự án này, nhà đầu tư đã được đối ứng, hoàn trả hàng nghìn m2 “đất vàng” ở TP Vinh có trị giá gấp nhiều lần số vốn đã xây dựng dự án. Cụ thể, dự án này do liên doanh các Công ty gồm Công ty (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty Cổ phần xây dựng và Công ty Cổ phần xây dựng và Tư vấn thiết kế đường bộ Nghệ An đầu tư xây dựng). 
 
Theo hợp đồng ký kết, khi đoạn đường được bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng thì tỉnh Nghệ An sẽ phải đối ứng, chấp thuận cho nhà thầu dự án được miễn trừ 100% tiền sử dụng đất đối với 2 khu “đất vàng” tại TP Vinh. Các khu đất này bao gồm khu biệt thự Thanh Thành Đạt, tại đường Ngô Gia Tự, phường Quán Bàu, với tổng diện tích 4.322,60 m2 và dự án khu nhà ở liền kề tại phường Hưng Bình với tổng diện tích 10.265,51 m2. Đến nay, giá đất của các khu đất đối ứng nói trên vẫn chưa được công khai, định giá trong khi chủ đầu tư đã đưa đất đối ứng vào chuẩn bị khai thác, kinh doanh. Đây là điều trái với chủ trương đầu tư BT mà Luật Đầu tư hiện hành đã quy định.
Trường Tiểu học Hưng Phúc, một trong những dự án BT trên địa bàn TP Vinh
Trường Tiểu học Hưng Phúc, một trong những dự án BT trên địa bàn TP Vinh
 
Ngoài dự án này, có nhiều dự án BT khác gây bất bình trong dư luận thời gian qua, đáng kể phải tính đến là dự án Trường Tiểu học Hưng Phúc (TP Vinh), dự án Đầu tư xây dựng cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu tại TX Thái Hòa, dự án đường Lý Thường Kiệt kéo dài… Cũng không riêng gì Nghệ An, trước những bất cập từ các dự án này mang lại, tháng 3/2018, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản yêu cầu bộ, ngành, địa phương dừng việc sử dụng tài sản công - đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư BT khiến hàng loạt các dự án BT trong cả nước bị đình trệ. 
 
Theo đánh giá của Quốc hội và các nhà đầu tư, Luật PPP ra đời sẽ khắc phục tồn tại hiện nay về khung pháp lý còn thiếu, đồng thời bổ sung về các cơ chế tổng thể như các hình thức hỗ trợ, ưu đãi để bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư. Điều này làm tăng tính hấp dẫn của dự án, cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP; đồng thời bổ sung một số chính sách mới. Dự thảo mà Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét về dự luật này cũng đề xuất 2 phương án thực hiện khi Luật được thông qua và đưa vào thực tiễn. Phương án 1 quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP, quy định quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực tại dự thảo luật, nhưng không thấp hơn 200 tỉ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý và phương án 2 là không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
Về các loại hợp đồng PPP, dự thảo luật cơ bản kế thừa Nghị định 63 với 7 loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: Thu phí từ người sử dụng (BOT, BTO, BOO, O&M); Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ (BLT, BTL) và đổi nguồn lực công lấy công trình (BT). Đối với loại hợp đồng BT, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép tiếp tục triển khai loại hợp đồng này với các quy định chặt chẽ, bao gồm việc thanh toán cho nhà đầu tư BT bằng 3 cách thức: Bằng tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; Bằng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ khác và bằng số tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công. Đối với mỗi cách thức thanh toán thì tiêu chí đấu thầu được quy định tương ứng.
 
Về nguồn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP Chính phủ đề nghị quy định hình thành dòng ngân sách riêng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Theo dự thảo luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư ngoài đấu thầu rộng rãi còn có đấu thầu hạn chế và chỉ định thầu. Trong đó, việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu được áp dụng đối với dự án có mục tiêu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật Nhà nước hoặc cần phải thực hiện ngay để bảo đảm tính liên tục trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp dự án có tính đặc thù về phương án kỹ thuật, cung cấp dịch vụ, quốc phòng, an ninh quốc gia hoặc tính đặc thù khác mà chỉ có một số nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu của dự án.
.

THIỆN THÀNH

.