Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:56 [GMT+7]

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả và bền vững, Nghệ An đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đồng thời đa dạng các chính sách tín dụng, hỗ trợ người nghèo vươn lên phát triển, ổn định cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn              tặng quà Tết cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Cửa Lò
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn tặng quà Tết cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Cửa Lò
Trong thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ người nghèo, nhất là ở các huyện miền núi khó khăn. Tiêu biểu như Quyết định 56/QĐ-UBND để hỗ trợ giảm nghèo đối với 44 xã nghèo có tỉ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài các huyện 30a; phân công 113 cơ quan, đơn vị nhận hỗ trợ giúp đỡ 115 xã nghèo trên địa bàn 11 huyện miền Tây của tỉnh. Tỉnh cũng đã ban hành đề án giảm nghèo và nâng cao chỉ đạo thực hiện lồng ghép chương trình hỗ trợ giảm nghèo bền vững với các chương trình 135; chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng. Cùng với đó là huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, doanh nhân, toàn xã hội thông qua chương trình “Tết vì người nghèo” và các hoạt động hỗ trợ thường xuyên. 
 
Theo kết quả rà soát, cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo tỉnh Nghệ An ở mức 5,54%. Với quyết tâm “đưa cần câu thay vì cho cá”, Nghệ An tập trung vào đào tạo nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế để người dân tránh tâm lý ỷ lại, chủ động tạo dựng cuộc sống nhằm thoát nghèo. Đề án giải quyết việc làm chính là cơ sở để tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp đối với các địa phương khó khăn. Theo Đề án Giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020 đặt mục tiêu: Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 223.350 lao động, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 2 - 3%, trong đó các huyện, xã giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 4 - 5%; đảm bảo 100% hộ nghèo được tiếp cận, hỗ trợ, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nước sạch và vệ sinh, được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và hệ thống thông tin.
 
Trong thời gian qua, phát huy lợi thế của những làng biển truyền thống, đồng thời đầu tư đóng tàu lớn, vươn khơi xa, kết hợp với đẩy mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản, hải sản, TX Hoàng Mai đang nỗ lực phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn nhiều gia đình khó khăn. Toàn thị xã có 120 nhà dột nát. Phát huy nội lực trong nhân dân, sự chung tay của toàn xã hội, BTV Thị ủy Hoàng Mai đã kêu gọi sự hỗ trợ của người dân và chỉ trong 2 tháng, nhà dột nát đã được xóa hoàn toàn trên thị xã với số tiền đóng góp trên 6,6 tỉ đồng. Không chỉ Hoàng Mai mà với các địa phương, sở, ngành khác, công tác hỗ trợ giảm nghèo, chung tay để không bị ai bỏ lại phía sau cũng được tích cực triển khai.
 
Từ năm 2016 đến cuối năm 2018, tỉnh Nghệ An đã huy động được trên 6.906 tỉ đồng cho chương trình giảm nghèo bền vững, trong đó từ ngân sách Trung ương 6.591 tỉ đồng (chiếm 95,43%); ngân sách địa phương 30 tỉ đồng (chiếm 0,43%); huy động khác 284 tỉ đồng (chiếm 4,12%). Thông qua nguồn vốn này, tỉnh Nghệ An đã triển khai được nhiều nội dung quan trọng trong chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, nguồn vốn chính sách như “luồng gió” mới khích lệ nông dân khắp 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng, ven biển) xứ Nghệ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng mô hình kinh tế gia trại, trang trại, đạt hiệu quả cao.
 
Hiện nay, công tác giảm nghèo của Nghệ An vẫn còn những thách thức lớn. Toàn tỉnh có 99 xã đặc biệt khó khăn và 184 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc diện đầu tư của chương trình 135; 12 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Theo đó, đến nay, hiện cả tỉnh Nghệ An có hơn 8.000 hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở, trong đó hơn 50% hộ nghèo tập trung ở khu vực miền núi. Trước mắt, MTTQ tỉnh đang tập trung kêu gọi, vận động các nguồn đóng góp của cán bộ, công nhân viên chức, công chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, ưu tiên hỗ trợ xây mới 1.200 căn nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo thuộc diện có công với cách mạng, già cả neo đơn, trẻ em mồ côi, hộ nghèo mất khả năng lao động.
.

TUỆ TRANG

.