Thứ Bảy, 11/01/2020, 10:37 [GMT+7]

Đổi thay miền Tây Nghệ An

(Congannghean.vn)-Sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định 2355/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An đến năm 2020, đến nay miền Tây Nghệ An đã có diện mạo, vai trò, vị trí mới đối với tỉnh nhà. Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để miền Tây có điều kiện bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, hoà chung vào sự đổi thay tích cực của tỉnh nghệ an.
Phố huyện Con Cuông ngày càng khởi sắc, đổi thay
Phố huyện Con Cuông ngày càng khởi sắc, đổi thay
Thời gian qua, những Đề án điểm như: Phát triển kinh tế - xã hội miền Tây đến năm 2020; xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn 27 xã biên giới; phát triển sản xuất nông nghiệp các huyện dọc tuyến đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025…, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM thực sự có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thay đổi toàn diện diện mạo vùng cao xứ Nghệ. Trong 27 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và môi trường đến năm 2020 đề ra trong Quyết định số 2355/QĐ-TTg, có 20 chỉ tiêu dự báo đạt và vượt. Tốc độ tăng trường bình quân giai đoạn 2013 - 2018 trên địa bàn các huyện miền Tây đạt 8,4%. Cơ cấu kinh tế tuy chuyển dịch chậm, chưa vững chắc, nhưng cơ bản đúng hướng, giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng các ngành phi nông nghiệp. 
 
Nhiều huyện chủ động gắn xây dựng NTM cấp thôn, bản với du lịch cộng đồng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng, điển hình phải kể đến cách làm tại bản Nưa, bản Pha, xã Yên khê (Con Cuông); bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông); bản Xiềng, xã Môn sơn (Con Cuông); bản Yên Thành, xã Lục Dạ (Con Cuông); bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu); bản Thái Minh, xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ)... Tốc độ tăng trưởng ngành Du lịch giai đoạn 2013 - 2018 đạt 7,6%, lượng khách tăng bình quân 10,04%/năm, doanh thu tăng bình quân 9,04%/năm. Như tại huyện Con Cuông, sau 5 năm thực hiện Quyết định, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Số hộ nghèo giảm từ đầu kỳ 48,9% (năm 2010) xuống còn 20,24% (năm 2018). Thu nhập bình quân đầu người 23,81 triệu đồng/người/năm.
 
Tỉ lệ người dân sử dụng BHYT 98,6%... Đến thời điểm này, huyện Con Cuông đã có 7 thôn bản/118 thôn bản đạt chuẩn NTM; có 2/12 xã chuẩn (đạt 16,67%), tăng so với thời điểm năm 2011 là 2 xã… Trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có nhiều bước tiến mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình mới đã và đang được nhân rộng phát huy hiệu quả, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Một số vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như chè, cao su, mía, ngô, gừng, rau an toàn, bí xanh, chanh leo và cam,... cũng như mô hình rừng kinh tế và cải tạo rừng được nhân rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế. Chăn nuôi lợn đen địa phương, nuôi thả gà tiếp tục phát triển, từng bước chuyển dịch theo hướng tập trung, quy mô trang trại và sản xuất công nghiệp. Nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ đập với diện tích nuôi thâm canh quy mô ngày càng lớn… Công tác giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục phát huy, giai đoạn 2013 - 2018 các huyện khu vực miền Tây đã giải quyết việc làm cho hơn 81.000 lao động, đạt bình quân 13.500 lao động/năm.
 
Với kết quả đạt được, Nghệ An đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 có 80% số thôn bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Đến nay, trên địa bàn các huyện miền tây Nghệ An có 64/203 xã, bằng 31,53% đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã khó khăn thuộc huyện 30a đạt chuẩn NTM; có 97 thôn bản đạt chuẩn NTM và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; số tiêu chí bình quân đạt được là 12,85 tiêu chí; tăng 7,65% tiêu chí/xã so với năm 2012. Giá trị tăng thêm bình quân đầu người năm 2012 đạt 16,4 triệu đồng, đến năm 2018 đạt 29,09 triệu đồng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ở miền Tây giai đoạn 2013 - 2018 tăng nhanh, bình quân 23,78%/năm. Từ năm 2013 đến nay, khu vực miền Tây Nghệ An đã thu hút 231 dự án, vốn đầu tư đăng ký đạt 40.554 tỉ đồng, số dự án đã và đang triển khai đạt 68%.
 
Nghệ An đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 80% số thôn, bản đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM. Để đạt được kế hoạch này, Chính phủ, UBND tỉnh cần quan tâm kêu gọi, bố trí dự án để các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế của miền núi trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sản phẩm từ nông, lâm ngư nghiệp, dược liệu, du lịch…Các cấp cần nghiên cứu, có chính sách cụ thể để tạo sinh kế, hỗ trợ thoát nghèo bền vững cho người dân, nhất là ứng dụng KHCN vào sản xuất, thực hiện hiệu quả mỗi xã một sản phẩm. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội phải giữ bản sắc văn hoá dân tộc. Mặt khác, cần có sự cải thiện môi trường đầu tư mạnh mẽ, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án lớn, nhất là các dự án có tính lan tỏa cao, thu hút nhiều lao động, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số.
.

TUỆ TRANG

.