Chủ Nhật, 05/01/2020, 10:50 [GMT+7]

Xuất ngoại, kiều hối và chuyện lao động di cư

(Congannghean.vn)-Theo số liệu của tổ chức di cư quốc tế, Nghệ An là một trong số 3 địa phương có tỉ lệ lao động di cư ra nước ngoài nhiều nhất, cùng với Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Lượng kiều hối gửi về nước cũng tăng theo từng năm, song cách kiếm tiền của người Việt Nam ở nước ngoài không phải ai cũng giống ai, thậm chí có trường hợp còn phải đánh đổi cả mạng sống.

Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Giai đoạn 2015 - 2018, Nghệ An có 53.174 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ra nước ngoài, tăng 15,4% so với 3 năm trước đó. Riêng năm 2018, Nghệ An dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ, nâng tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 60.898 người. Hằng năm, lượng kiều hối chuyển về ước đạt 255 triệu USD. Cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, từ trước đến nay, Nghệ An luôn xem việc đi XKLĐ như một hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà và cho đất nước.

Một góc “làng tỉ phú” xã Đô Thành - địa phương giàu lên nhờ xuất ngoại
Một góc “làng tỉ phú” xã Đô Thành - địa phương giàu lên nhờ xuất ngoại

Đối với những lao động chọn nghiệp mưu sinh theo con đường xuất ngoại, lẽ dĩ nhiên, họ có thu nhập hơn về kinh tế, kỹ năng sống cũng như các mối quan hệ xã hội được mở rộng hơn, tốt hơn. Nhiều địa phương còn vận động con, em đi XKLĐ để đưa tiền về đóng góp xây dựng quê hương. Số liệu của tổ chức di cư quốc tế cho thấy, số lượng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc đang tăng lên hằng năm. Giai đoạn 2007 - 2017, đã có hơn 1 triệu lao động làm việc ở nước ngoài, trung bình mỗi năm có 93.000 người xuất cảnh. Khoảng 1/3 trong số đó là phụ nữ và tỉ lệ lao động di cư là nữ vẫn đang tăng lên. Lao động di cư Việt Nam chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, giúp việc gia đình, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và ngư nghiệp.

Không thể phủ nhận, việc đi lao động ở nước ngoài của người Việt đã phần nào làm thay đổi diện mạo của không chỉ cá nhân, gia đình mà còn góp phần khởi sắc cho nhiều địa phương trong cả nước. Xã Sơn Thành, huyện Yên Thành là một ví dụ điển hình của sự thay da đổi thịt nhờ XKLĐ. Từ dòng tiền kiều hối gửi về, xã này đã lột xác, trở thành xã đầu tiên không chỉ của huyện Yên Thành mà còn là đơn vị đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới, hiện đang tiến tới xây dựng địa phương là nông thôn mới kiểu mẫu. Cũng tại huyện này, xã Đô Thành, nơi có khoảng 1.500 người đang làm việc tại các quốc gia trên khắp thế giới, chẳng biết tự bao giờ, người dân xứ Nghệ đã đặt tên cho địa phương này là “làng Euro”; vì toàn xã phần lớn là biệt thự, xe sang và tất tần tật những thứ này có được là nhờ XKLĐ.

Mặt trái của lao động di cư

Bên cạnh những mặt đạt được, XKLĐ vẫn còn tồn tại những góc khuất, lỗ hổng và việc này đã gây ra những hậu quả rất đáng tiếc. Đó là ý thức tổ chức kỷ luật của lao động Việt ở xứ người kém, tỉ lệ bỏ trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp tăng là nguyên nhân chính dẫn đến việc, trong mấy năm gần đây, phía đối tác Hàn Quốc ra thông báo không tiếp nhận lao động Việt Nam là người Nghệ An, dù đây là địa phương có số lượng người đi làm việc tại xứ sở Kim chi lớn. Đó là chưa kể đến việc, tại một số thị trường, những năm gần đây xảy ra tình trạng lao động Việt gây gổ, đánh nhau, thậm chí bắt cóc, tống tiền càng làm cho hình ảnh người Việt ở ngoại quốc càng thêm xấu xí, thậm chí đã làm gián đoạn chương trình hợp tác lao động.

Theo thông tin đưa ra tại Hội thảo “Văn phòng thông tin di cư: Các thực tiễn tốt và xu hướng di cư mới” do Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Cục Quản lý lao động Ngoài nước (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An tổ chức vào hồi tháng 5/2019, hiện vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và XKLĐ không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.

Xuất ngoại trái phép để tìm kiếm cơ hội đổi đời, rộ lên trong những năm gần đây là căn nguyên của những hệ lụy liên tiếp ập đến. Người lao động di cư có thể gặp phải rủi ro bị bóc lột, kể cả việc lao động cưỡng bức và buôn bán người. Mới đây nhất là câu chuyện 39 thi thể người Việt được phát hiện trong thùng container khi đang cố tình vượt biên trái phép từ Bỉ sang Anh để mưu sinh. Không ít lao động - vẫn biết việc “đi chui” là phạm pháp, sai trái, thậm chí chấp nhận mạo hiểm đánh cược mạng sống của mình - nhưng vì lòng tham nên đã năm lần bảy lượt tìm cách vượt biên để đến được cái đích cuối cùng, là các nước phát triển hòng mưu cầu sự sung túc.

Mới đây, trả lời báo chí, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, tư duy xuất khẩu cái nghèo đói để đổi lấy sự phát triển chỉ là “bài toán” của những người… khôn vặt! Lao động Việt chọn XKLĐ phần lớn có xuất phát khó khăn như học vấn thấp, thiếu kỹ năng làm việc và kỹ năng sống thì khi sang nước ngoài, rất dễ gặp rủi ro.

Trang bị kỹ năng cho lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc
Trang bị kỹ năng cho lao động Việt Nam khi ra nước ngoài làm việc

Thực tế đã chứng minh, hằng năm, có hàng chục vụ việc liên quan đến người lao động Việt Nam ở nước ngoài, vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Đó là chưa kể đến, không ít trường hợp gia đình tan nát sau một thời gian chấp nhận cho vợ/chồng đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều trường hợp khác lao động trở về, có tiền đã “vung tay quá trán”, sa vào các tệ nạn xã hội. Tiền kiếm được từ XKLĐ chưa được hỗ trợ để có chiến lược đầu tư phát triển kinh tế một cách bền vững, mà chủ yếu là để chạy theo những giá trị hào nhoáng khác như mua đất, xây nhà, sắm xe hơi…

Để xảy ra tình trạng này, không thể không nhắc đến sự len lỏi của các đường dây môi giới đưa người đi lao động trái phép ở nước ngoài hiện nay. Vì lợi nhuận, đánh vào tâm lý của người lao động, không quá tốn nhiều tiền, thủ tục lại đơn giản mà vẫn có thể xuất ngoại, những đường dây này đã xâm nhập sâu vào tận mọi ngóc ngách của phố thị lẫn thôn quê và đây chính là khởi nguồn cho mọi bi kịch của việc lao động chui ở xứ người.

Từ những vấn đề trên, có thể thấy rằng, việc kiều hối chuyển về Việt Nam hằng năm, năm sau cao hơn năm trước là một tín hiệu đáng mừng, song đằng sau câu chuyện đồng tiền đó kiếm được bằng cách nào lại là điều không phải ai cũng hiểu được. Thực tế minh chứng rằng, trong số 255 triệu USD chuyển về Nghệ An mỗi năm, có thể có một phần nào đó đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu của người lao động Việt Nam, thậm chí có thể có cả những đồng tiền phi pháp.

XKLĐ để phát triển kinh tế là một tư duy sáng, là sự lựa chọn của số đông lao động Việt Nam hiện nay, nhất là đối với người trẻ. Tuy nhiên, bức tranh về người Việt mưu sinh ở nước ngoài sẽ xán lạn hơn nếu đó là con đường xuất ngoại tử tế, với những công việc nghiêm túc, được pháp luật Việt Nam và nước sở tại bảo hộ. Còn với XKLĐ “chui”, sự rủi ro sẽ đi liền với những hậu quả mà chính người lao động và gia đình cũng không lường hết được.

.

Thiện Thành

.