Thứ Năm, 06/06/2019, 09:57 [GMT+7]

Thị trường ô tô: Xe nhập khẩu đang lấn lướt xe lắp ráp

Thị trường ô tô những tháng đầu năm 2019 đang chứng kiến sự biến động mạnh ở thị trường xe nhập khẩu, thị phần các doanh nghiệp kinh doanh xe được thay đổi...

Những con số kỷ lục

Nếu như những tháng đầu năm 2018 là thời kỳ “khủng hoảng” của các mẫu xe nhập khẩu tại Việt Nam do vướng mắc Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện Nghị định 116 để nhập xe; thì sang những tháng đầu năm 2019, thị trường xe nhập khẩu đã hoàn toàn thay đổi khi nguồn cung được “khai thông”.

Lượng xe nhập khẩu về Việt Nam những tháng đầu năm 2019 luôn tăng trưởng mạnh do các doanh nghiệp kinh doanh xe tại Việt Nam đã đáp ứng được các quy định của Nghị định 116 và Thông tư 03.

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, hết Quý I, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 852%. Cụ thể Quý I năm 2019 đạt 39.000 xe, trong khi năm 2018 chỉ đạt 4.097 xe.

Về chủng loại, xe du lịch chiếm phần lớn với 27.422 chiếc, thương mại 10.590 chiếc. Trong khi cùng kỳ năm 2018, con số tương ứng cho xe du lịch và thương mại lần lượt là 3.122 chiếc và 751 chiếc.

Còn theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đã công bố, tổng doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 46.253 xe, giảm 8%; Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc tiêu thụ được 31.999 xe và tăng tới 234% so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng chú ý hơn, thị trường ô tô nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 4/2019 cũng có mức tăng kỉ lục lên tới 502,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong nửa đầu tháng 5/2019, đã có 7.611 xe nhập khẩu vào Việt Nam, trị giá 163,4 triệu USD. Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã có 58.295 ô tô nguyên chiếc được nhập khẩu vào Việt Nam, đạt kim ngạch hơn 1.289 tỉ USD.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, chủ showroom ô tô Mạnh Cường trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) - người có nhiều năm kinh nghiệm trong kinh doanh xe cho biết, việc lượng xe nhập khẩu về Việt Nam từ đầu năm tăng cao nhờ nguồn cung được khai thông và ổn định. Cùng với đó là nhu cầu về một số dòng xe nhập khẩu tại Việt Nam hiện vẫn ở mức cao do cùng thời điểm này năm 2018, thị trường xe nhập khẩu bị “khủng hoảng” do vướng mắc các chính sách và quy định mới của Chính phủ mà cụ thể là Nghị định 116...

Hiện tại, trong số xe được nhập về Việt Nam, chiếm phần lớn là các mẫu xe đến từ hai thị trường – Thái Lan và Indonesia bởi xe từ 2 quốc gia này đều đang được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA).

Lượng xe từ các thị trường này chủ yếu là các mẫu SUV 7 chỗ, xe bán tải cùng một số dòng MPV 5+2: Toyota Fortuner, Rush, Ford Ranger, Everset, Honda CR-V, Mitsubishi Expander... Và mới đây nhất, Toyota cũng đã không còn lắp ráp mẫu Camry mà chuyển qua nhập khẩu từ thị trường Thái Lan. Đây đều là những mẫu xe có sự tăng trưởng tốt và chiến lược của các hãng tại thị trường Việt Nam trong thời điểm hiện tại.

Các “ông lớn” thay nhau dẫn đầu doanh số thị trường xe Việt Nam

Tính đến hết tháng 4/2019, thị trường ô tô Việt Nam đã có nhiều thay đổi về thị phần. Trong đó, đáng chú ý nhất là “cuộc chiến” bám đuổi về doanh số của 3 “ông lớn” trong ngành xe tại Việt Nam gồm: Toyota Việt Nam, Hyundai Thành Công và Trường Hải (Kia, Mazda, Peugeot).

Cụ thể, theo số liệu thống kê VAMA, mở đầu năm 2019, Trường Hải trở thành doanh nghiệp kinh doanh xe có doanh số bán hàng cao nhất với 9.315 xe được bán ra (bao gồm 3 thương hiệu: Kia, Mazda, Peugeot).

Xếp sau đó là Toyota Việt Nam với 7.599 xe được bán ra trong tháng 1/2019. Ở vị trí thứ 3 là Hyundai Thành Công với 6.807 xe.

Đến những tháng tiếp sau đó, 3 “ông lớn” vẫn tiếp tục thay nhau dẫn đầu về doanh số thị trường ô tô Việt nhưng có sự thay đổi về thứ tự.

Nếu cộng dồn đến hết tháng 4/2019, doanh số của Toyota Việt Nam, Trường Hải và Hyundai Thành Công luôn bám sát nhau. Trong đó, Toyota Việt Nam – 23.155 xe, Hyundai – 22.968 xe và Trường Hải – 23.547 xe (tính doanh số của Kia, Mazda, Peugeot).

Theo các chuyên gia nhận định, “cuộc chiến” về doanh số của Toyota Việt Nam, Trường Hải và Hyundai Thành Công trong những tháng tiếp theo sẽ còn nhiều khốc liệt khi các hãng đang cố gắng đẩy mạnh sản lượng sản xuất và thị phần ở các phân khúc tại Việt Nam.

Phí trước bạ xe bán tải tăng, người tiêu dùng “tốn” thêm mấy chục triệu đồng

Sau nhiều dự thảo, kể từ ngày 10/4, xe bán tải sẽ chính thức áp dụng mức thu lệ phí trước bạ mới, bằng 60% so với xe con. Có nghĩa, mức lệ phí trước bạ mới mà xe bán tải sẽ phải nộp là 6% (Hà Nội là 7,2%) thay vì chỉ 2% như trước kia. Điều này cũng có nghĩa, giá lăn bánh của dòng xe này sẽ tăng thêm vài chục triệu đồng.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Trong đó, Nghị định mới quy định tăng phí trước bạ với ô tô vừa chở người, vừa chở hàng (xe bán tải) có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ô tô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông nhỏ hơn 1.500 kg.

Mức nộp lệ phí trước bạ lần đầu sẽ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Hiện phí trước bạ lần đầu với ô tô 9 chỗ trở xuống là 10 - 15% (tùy địa phương). Từ lần 2 trở đi, mức thu là 2% và áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Ví dụ, nếu tính theo mức lệ phí cũ tại Hà Nội là 2% thì phiên bản thấp nhất của Ford Ranger (giá 630 triệu đồng) khách sẽ phải nộp 630 x 2% = 12,6 triệu đồng. Nhưng nếu tính theo phương án mới, bằng 60% so với xe con (12% trước bạ tại Hà Nội), khách phải nộp là 630 x 12% x 60% = 45,36 triệu đồng (phiên bản thấp nhất giá 630 triệu đồng). Có nghĩa mức tăng giữa trước và sau khi thay đổi lệ phí trước bạ là 31,76 triệu đồng./.

.

Nguồn: Huy Phương - Tuấn Linh/VOV.VN

.