Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201312/de-phat-sinh-tieu-cuc-that-thoat-423020/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201312/de-phat-sinh-tieu-cuc-that-thoat-423020/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 02/12/2013, 14:50 [GMT+7]

Dễ phát sinh tiêu cực, thất thoát

(Congannghean.vn)-Nhằm phục vụ cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ Trung ương và hệ thống đường bộ địa phương theo phân cấp quản lý; đồng thời tạo điều kiện cho công tác quản lý Nhà nước, đầu tư có hiệu quả đối với hoạt động quản lý, bảo trì đường bộ; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông trên địa bàn, ngày 13/3/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 18/NĐ-CP về Quỹ Bảo trì đường bộ.

Tuy nhiên đến nay, tiến độ thực hiện ở Nghệ An còn diễn ra hết sức chậm và hiện hữu nguy cơ không đạt theo dự toán đề ra.

Triển khai quyết liệt, mỗi nơi một phách


Quán triệt Nghị định 18 của Chính phủ và Thông tư 197 ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, trên cơ sở Nghị quyết 93/2013 ngày 17/7 của HĐND tỉnh về việc thông qua đối tượng, mức thu và tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh, ngày 15/8/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 42/QĐ.UBND.TM quy định đối tượng, mức thu, tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


 Sau khi Quỹ Bảo trì đường bộ Nghệ An thành lập, cùng với triển khai hướng dẫn về thu, nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô trên địa bàn tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã có Công văn 6807/UBND.TM gửi Sở GTVT, Quỹ Bảo trì đường bộ và UBND các huyện, thành, thị về việc đôn đốc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô. Trong đó, yêu cầu các huyện, thành, thị chỉ đạo UBND cấp xã giao tổ dân phố hoặc thôn, xóm hướng dẫn kê khai phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô của chủ phương tiện the

o mẫu của thông tư Bộ Tài chính ban hành và tổ chức ngay việc thu phí theo quy định.
Căn cứ Quyết định 42/2013 của UBND tỉnh về việc quy định đối tượng, mức thu, phương thức thu, tỷ lệ trích nộp phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô. Quy định nêu rõ, xe môtô 2 bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy (gọi chung là xe môtô) của tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý loại xe môtô (trừ xe môtô của chủ phương tiện thuộc hộ nghèo theo quy định, xe của lực lượng Công an, Quốc phòng) phải nộp phí sử dụng đường bộ. Mức thu cụ thể: Loại xe có dung tích xi lanh đến 100 cm3 nộp 80.000 đồng/năm ở khu vực thành, thị và 60.000 đồng/năm ở các huyện; loại xe trên 100 cm3 ở thành, thị nộp 130.000 đồng/năm và 110.000 đồng/năm ở các huyện; loại xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ 1 xi lanh nộp 2.160.000 đồng/năm ở tất cả các khu vực.


Quyết định cũng nêu rõ, UBND xã, phường, thị trấn là cơ quan hướng dẫn kê khai, thu phí đối với các chủ phương tiện trên địa bàn. Các phường, thị trấn được trích lại 8% và 15% đối với các xã trong tổng số phí thu để trang trải chi phí tổ chức thu theo quy định; số còn lại (92% phường, thị trấn; 85% xã), cơ quan thu phí có trách nhiệm hàng tuần nộp vào tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở khảo sát chủ phương tiện, đối với xe môtô phát sinh trước 1/1/2013 thì chủ phương tiện phải nộp phí cả năm; từ 1/1 đến 30/6/2013 hàng năm thì mức phí phải nộp là 1/2 năm (hạn cuối đến 31/7), còn từ 1/7 đến 31/12 hàng năm thì chỉ kê khai, nộp phí vào 1 tháng năm sau (chậm nhất 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.


Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Nghệ An, mặc dù được triển khai, chỉ đạo quyết liệt cả về tuyên truyền chủ trương để tạo sự đồng thuận cũng như tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nhưng đến nay, tiến độ thu phí sử dụng đường bộ trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức chậm. Căn cứ Quyết định 5421 về việc giao dự toán thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô trên địa bàn, UBND tỉnh đã có tổng dự toán thu năm 2013 là 66.816.914.500 đồng, sau khi trích lại cho UBND các xã, thị (theo Quyết định 42) 8.932.846.755 đồng thì số tiền thực nộp vào tài khoản của Quỹ Bảo trì đường bộ là 57.884.067.745 đồng.

Thế nhưng đến ngày 15/11, toàn tỉnh mới có 3 địa phương triển khai thu với số tiền: Đô Lương 1.020.000.000 đồng/3.696.779.625 đồng (chỉ tiêu tạm thu), TP Vinh 604.000.000  đồng/12.173.493.360 đồng và Hưng Nguyên 92.000.000 đồng/2.537.448.900 đồng; còn lại gần 20 huyện, thị chưa triển khai nộp về tài khoản Quỹ. Đáng chú ý, tại huyện Nghi Lộc, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các xã có tỷ lệ giáo dân cao, vì giáo dân không hợp tác trong kê khai, nộp phí theo quy định nên dù chỉ đạo quyết liệt nhưng đến ngày 19/11, vẫn chưa hoàn thành việc kê khai, tổng hợp số lượng xe và thu nộp phí theo quy định.


Nảy sinh thất thoát, bất cập


 Trong quá trình rà soát thu, nộp, quản lý sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đã bộc lộ những hạn chế bất cập. Theo ý kiến chung của đại đa số, Thông tư 197/BTC quy định các trường hợp miễn phí sử dụng đường bộ gồm có: Xe cứu thương; xe cứu hỏa; xe chuyên dùng phục vụ tang lễ; xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng; xe chuyên dùng phục vụ an ninh (xe ôtô) của các lực lượng Công an; xe môtô của lực lượng Công an, Quốc phòng và xe môtô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo.

Nếu theo văn bản này, khi tham gia giao thông, việc nhận biết đâu là phương tiện miễn phí sử dụng đường bộ, đâu là phương tiện phải chịu phí gặp rất nhiều khó khăn. Khi tham gia giao thông bằng xe môtô, để khỏi bị phạt, người nghèo chỉ còn cách mang theo sổ hộ nghèo trình với CSGT để chứng minh cho lực lượng CSGT là thuộc đối tượng được miễn đóng phí sử dụng phí đường bộ (theo quy định).

Bất cập còn thể hiện ở chỗ, việc thu phí sẽ nảy sinh quan hệ giữa cá nhân đến cá nhân, liên quan đến vấn đề xin - cho, do đó, số tiền thu được chắc sẽ không theo số đầu xe. Đơn cử như trong 1 gia đình sử dụng 3 xe, nhưng vì là chỗ quen biết, khi cán bộ khối, xóm đến kê khai phương tiện chỉ báo 1 đến 2 xe; trên thực chất, xe có dung tích xi lanh trên 100 cm3 nhưng lại khai dưới 100 cm3, từ đó sẽ dẫn đến những tiêu cực và gây thất thoát nguồn thu. Rồi việc giao cho cán bộ xã, phường thu phí bảo trì đối với xe môtô (được hưởng trích %) chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng bớt xén tiền phí thực thu. Đó là khi cán bộ đi thu tiền vẫn thu theo quy định, đủ đầu xe, đúng phân khối, nhưng khi về quyết toán cho Quỹ thì sẽ làm bớt đi bằng cách "điều chỉnh" phân khối xe sẽ giảm được số tiền phải nộp.


Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh - Chánh Văn phòng Quỹ, ngoài việc người dân chưa thực sự tự nguyện chấp hành chủ trương theo quy định thì chế tài để ràng buộc các chủ phương tiện còn khó khăn. Nghị định 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định: Những người không mua hoặc nộp phí cho phương tiện khi tham gia giao thông theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Như vậy, người tham gia giao thông bằng xe môtô phải luôn mang theo biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ để trình với lực lượng CSGT khi tuần tra, kiểm tra.

Tuy nhiên, trên thực tế, tờ biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ chỉ là một tờ giấy bình thường nên rất khó bảo quản trong một năm, tờ giấy sẽ nhanh hỏng khi thường xuyên bỏ trong ví, đó là chưa nói đến sự bất tiện, dễ hư hỏng vì được làm theo mẫu không giống như giấy phép lái xe hay đăng ký xe máy. Vì khi bị CSGT "thổi", những người đã đóng phí sử dụng đường bộ khó chứng minh mình đã nộp, vì khi không may biên lai bị nhàu, nát, khi đó chắc chắn phải nộp phạt theo quy định.


Thu phí sử dụng đường bộ đối với xe môtô là một chủ trương lớn, đúng đắn nhằm phục vụ công tác bảo trì, quản lý hệ thống đường giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống giao thông. Cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp cần có biện pháp đôn đốc, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến người dân, đồng thời có các giải pháp phù hợp để tháo gỡ những bất cập cho người dân trong quá trình thực hiện.

.

Xuân Thống