Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201506/tan-pha-rung-phong-ho-tren-vanh-dai-bien-gioi-615430/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201506/tan-pha-rung-phong-ho-tren-vanh-dai-bien-gioi-615430/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tàn phá rừng phòng hộ trên vành đai biên giới - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 14/06/2015, 08:03 [GMT+7]

Tàn phá rừng phòng hộ trên vành đai biên giới

(Congannghean.vn)-Đêm khuya khoắt. Gió rít liên hồi. Ở trên cánh rừng biên giới cao hơn 700 m so với mực nước biển này, khí hậu mát lạnh, đối lập hoàn toàn với cái nóng hừng hực của những ngày đầu tháng 6 ở miền xuôi. Muỗi rừng, ruồi vàng ngửi thấy hơi bay từng đám bám chặt vào thân thể từng người. Không gian tĩnh mịch của đêm tối vùng biên sao mà u tịch đến thế.
 
Không dám cựa quậy, từng con mắt vẫn căng xoáy vào bóng đêm. 23 giờ, cách “trận địa” chừng 30 m, một tốp “lâm tặc” lúi húi buộc từng khúc gỗ lớn đã được xẻ vuông vức vào ách trâu; một số đối tượng khác cố đẩy từng khúc gỗ lớn xuôi theo con đường mòn trơn trượt từ trên cao lao xuống mé đường tuần tra biên giới, nơi có những chiếc xe chuyên dụng đang chờ sẵn. Cuộc “tàn sát” rừng biên giới dường như đang diễn ra rất khẩn trương... 
 
Rừng phòng hộ biên giới kêu cứu
 
Thanh Chương có diện tích rừng 64.000 ha, trong đó rừng tự nhiên hơn 41.000 ha, tập trung ở các xã dọc biên giới Việt - Lào gồm Thanh Sơn, Ngọc Lâm, Thanh Thuỷ, Thanh Hà. Đây là các khu rừng có lượng gỗ quý hiếm còn nhiều và có giá trị phòng hộ đầu nguồn rất lớn, với địa hình hiểm trở… Đặc biệt, các khu rừng phòng hộ trên tuyến đường tuần tra biên giới thuộc xã Thanh Thủy hiện còn một trữ lượng gỗ nguyên sinh rất lớn, được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hai đối tượng bị tạm giữ tại hiện trường cùng số gỗ khai thác trái phép
Hai đối tượng bị tạm giữ tại hiện trường cùng số gỗ khai thác trái phép
 
Trước đây, khi tuyến đường tuần tra biên giới chưa được triển khai, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn này thực sự rất ấn tượng, với các loại gỗ quý đã tồn tại hàng trăm năm, đặc biệt là cánh rừng táu nằm sát đường tuần tra biên giới thuộc xã Thanh Thủy hiện nay. Mặc dù đám “lâm tặc” địa phương luôn dòm ngó với vẻ thèm thuồng nhưng không có đối tượng nào dám vào khai thác bởi rừng sâu, địa hình hiểm trở, đường vận chuyển không có. Nếu khai thác được một cây gỗ rồi đem được ra đường lớn thì chi phí chắc cũng không còn, đó là chưa nói đến việc trên địa bàn còn có sự quản lý chặt chẽ của các lực lượng chức năng liên quan. 
 
Sau khi tuyến đường tuần tra biên giới được triển khai thi công những tưởng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuần tra, bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh này, tuy nhiên, mọi chuyện lại diễn biến theo chiều ngược lại. Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, trong vài năm trở lại đây, Thanh Chương đã trở thành “điểm nóng” trong việc khai thác rừng trái phép. Lợi dụng con đường tuần tra biên giới nằm sát các cánh rừng phòng hộ nguyên sinh trên địa bàn xã Thanh Thủy, “lâm tặc” đã ồ ạt khai thác một diện tích rừng rất lớn trên địa bàn. Nhiều vụ phá rừng trái phép đã xảy ra nhưng điều đáng ngạc nhiên là, chuyện “lâm tặc” ngang nhiên phá rừng phòng hộ lại không được các cơ quan chức năng liên quan quan tâm giải quyết hoặc không biết sự việc xảy ra, mặc dù địa điểm bị khai thác nằm rất gần các trạm kiểm lâm, các điểm chốt chặn trên tuyến đường độc đạo này.
 
Xâm nhập đại “công trường” khai thác gỗ lậu trên tuyến đường biên giới
 
Tuyến đường tuần tra biên giới từ cửa khẩu Thanh Thủy đến xã Thanh Hương có tổng chiều dài 38,1 km. Sau khi được triển khai thi công và đưa vào sử dụng, tuyến đường này trở thành con đường độc đạo trên tuyến biên giới và được bảo vệ rất nghiêm ngặt, khi hai đầu được chốt chặn bởi các trạm kiểm soát của lực lượng bộ đội biên phòng. Bất kể ai ra vào con đường này đều phải chịu sự kiểm soát gắt gao của các lực lượng chức năng. Một con người muốn vào đây đã khó, huống hồ việc đem cả phương tiện chuyên dụng phục vụ cho việc khai thác gỗ như các loại xe tải, xe Reo vào ngang nhiên khai thác trái phép lại càng không thể, đó là chưa nói đến việc Trạm kiểm lâm cửa khẩu Thanh Thủy cũng chỉ nằm cách tuyến đường chỉ vài km, một cành củi muốn ra khỏi tuyến đường này cũng không phải là chuyện đơn giản.
 
Vậy nên khi nghe thông tin về một vụ phá rừng trái phép nghiêm trọng đang xảy ra tại khu rừng phòng hộ thuộc xã Thanh Thủy, chúng tôi hoàn toàn không tin. Chỉ đến khi được tận mắt chứng kiến và ghi lại hình ảnh về cuộc “tàn sát” rừng phòng hộ này trong đêm xâm nhập bí mật cùng lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường Công an tỉnh, chúng tôi mới biết phần nào về những “mảng tối” trong công cuộc bảo vệ rừng hiện nay của các lực lượng chức năng.
 
Hơn 10 ngày trước, qua thông tin từ cơ sở báo về, Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an tỉnh biết được thông tin, tại khu vực rừng phòng hộ thuộc xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, cách cửa khẩu Thanh Thủy 3 km về phía Tây Nam đang có một nhóm “lâm tặc” khai thác rừng trái phép với số lượng lớn. Theo tìm hiểu, địa điểm nơi diễn ra việc khai thác là một cánh rừng táu nguyên sinh, chỉ cách đường tuần tra biên giới ngót nghét 30 m.
 
Đây là khu vực được “lâm tặc” bảo vệ rất nghiêm ngặt, muốn xâm nhập vào địa điểm trên không hề dễ chút nào, bởi chỉ ngay tại cửa khẩu Thanh Thủy, nếu xuất hiện người lạ mặt là ngay lập tức, đám người làm nhiệm vụ cảnh giới lảng vảng tại đây đã lập tức thông báo cho các đối tượng liên quan. Làm sao để vào được hiện trường nơi xảy ra vụ phá rừng là “bài toán” hóc búa đặt ra cho lực lượng PCTP về Môi trường.
 
Tuy nhiên, qua quá trình thu thập thông tin, lực lượng trinh sát có đủ cơ sở để khẳng định việc “lâm tặc” tàn phá rừng phòng hộ trên tuyến đường vành đai tuần tra biên giới là có thật. Địa điểm nơi có một khoảnh rừng lớn bị phá với nhiều cây gỗ quý hiếm thuộc Tiểu thu 999 rừng phòng hộ xã Thanh Thủy. Vụ việc nhanh chóng được báo cáo lên lãnh đạo Công an tỉnh. Ngày 3/6/2015, Chuyên án đấu tranh mang bí số 365G được xác lập. 
 
Để mục sở thị “công trường” phá và xẻ gỗ của “lâm tặc”, một tổ trinh sát gồm 7 đồng chí trong đêm 6/6 tức tốc mang theo lương khô, nước uống, vũ khí, các dụng cụ cần thiết bí mật lên đường, chờ trời tối để xâm nhập vào cánh rừng này thông qua các đường đi bí mật và được lệnh ém sẵn trong rừng, gần sát với nơi “lâm tặc” đang tiến hành chặt phá. Sáng 7/6, tại khu vực đường tuần tra biên giới cách Đồn Biên phòng Thanh Thủy chừng 3 km, xuất hiện 2 chiếc xe ôtô, 1 xe tải và 1 xe Reo lù lù tiến vào Tiểu khu 999, nơi “công trường” xẻ gỗ của “lâm tặc”. Nhận thấy rất có thể bọn “lâm tặc” sẽ tiến hành bốc gỗ vừa khai thác lên xe ôtô để vận chuyển về xuôi, các trinh sát nhanh chóng liên lạc với Ban chuyên án xin chi viện lực lượng để đánh úp khi thời cơ chín muồi.
 
Đúng 17 giờ ngày 7/6/2015, theo chỉ đạo của Ban chuyên án, chúng tôi theo chân các trinh sát của Phòng Cảnh sát PCTP về Môi trường Công an Nghệ An lên đường trực chỉ cửa khẩu Thanh Thủy. Do đường đi hiểm trở, hơn nữa để đảm bảo an toàn cho chuyến công tác đặc biệt, kịp thời có mặt tại hiện trường, đấu tranh với các đối tượng “lâm tặc” phá rừng bị bắt giữ nên Thiếu tá Trần Minh Sơn, Phó trưởng phòng, Phó trưởng Ban chuyên án kiêm tài xế điều khiển xe bán tải để đưa tổ công tác ngược lên miền Tây Nghệ An càng sớm càng tốt. Sau một hành trình vượt núi rừng quanh co, hiểm trở, đúng 22 giờ đêm 7/6, tổ công tác trong Ban chuyên án đã có mặt tại đường vành đai tuần tra biên giới thuộc cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương. 
 
Trong đêm tối của núi rừng biên giới, trước mặt chúng tôi là 1 chiếc xe Reo và một xe tải Zinkhơ của Liên Xô sản xuất trước đây đỗ giữa đường vành đai tuần tra biên giới, cách Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy khoảng 3 km. Trong màn đêm đen kịt, qua ánh đèn pin, chúng tôi phát hiện ra các hộp gỗ do “lâm tặc” đốn hạ được cắt xẻ vuông thành sắc cạnh đã được cẩu lên xe và nằm ngổn ngang bên chân núi. Qua quan sát bằng mắt thường, có thể thấy rõ một tốp “lâm tặc” gồm 5 đối tượng đang điều khiển trâu, kéo số gỗ đã được xẻ vuông vức thành phiến lớn theo con đường mòn để đi xuống đường tuần tra biên giới.
 
Trong đại công trường lúc này ngổn ngang những phiến gỗ lớn đã được xẻ, bên cạnh đó còn có cả những cây gỗ lớn vừa được đốn hạ cỡ chừng 2 - 3 người ôm, cao khoảng 20 - 30 m. Cả một khoảng rừng nguyên sinh lớn đã bị “lâm tặc” xóa sạch. Vỏ thuốc lá, vỏ bia lon, cưa máy nằm lăn lóc ngay dưới các phiến gỗ. Ngay sau khi nhận được mệnh lệnh, tổ trinh sát ém sẵn tại hiện trường đồng loạt xuất hiện, bao vây “công trường” của bọn “lâm tặc”. 3 đối tượng nhanh chóng vứt bỏ phương tiện, lẩn nhanh vào rừng sâu trong đêm tối.
 
Hai đối tượng bị khống chế tại trận cùng với toàn bộ tang vật. Tại hiện trường, qua kiểm tra, Ban chuyên án phát hiện có 19 cây gỗ táu lâu năm có đường kính từ 0,5 - 1 m đã bị đốn hạ; 62 khúc gỗ tương đương 35,4 m3 đã được xẻ thành hộp. Thu giữ tại chỗ 2 xe ôtô, 3 xe máy, 1 con trâu, 1 cưa máy là công cụ và phương tiện dùng để chặt phá và vận chuyển gỗ của “lâm tặc”.
 
Từ lời khai ban đầu của các đối tượng, sáng 8/6, Ban chuyên án đã bắt giữ 3 đối tượng “lâm tặc” trong vụ việc, gồm: Trần Văn Tam (SN 1983), Hoàng Văn Mười (SN 1989) và Trần Hùng Vương (SN 1992) trú tại thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương. Qua đấu tranh khai thác các đối tượng này, những “mảng tối” xung quanh vụ việc này đã dần lộ rõ.
 
Trên thực tế, khu vực xảy ra vụ “tàn sát” rừng nguyên sinh cách địa điểm chốt chặn của các lực lượng chức năng trên địa bàn chỉ mấy km, khoảng rừng bị tàn phá chỉ cách đường tuần tra biên giới 30 m, hai đầu đường luôn bị chốt chặn nghiêm ngặt; hàng ngày trên con đường này còn có lực lượng tuần tra thường xuyên. Trong khi đó, vụ phá rừng nghiêm trọng này không phải diễn ra trong ngày một ngày hai mà gần cả tháng trời.
 
Tại sao “lâm tặc” lại có thể đưa được cả xe tải, xe Reo, dụng cụ, phương tiện vào cánh rừng nguyên sinh này để khai thác gỗ trái phép một cách dễ dàng đến thế. Tất cả những câu hỏi này rất cần lời giải đáp từ phía các cơ quan chức năng liên quan và chắc chắn sẽ được Ban chuyên án 565G làm rõ trong thời gian tới.
.

Việt Dũng - Hữu Trọng

.