Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201602/sap-bay-co-chay-che-do-thuong-binh-660986/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201602/sap-bay-co-chay-che-do-thuong-binh-660986/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sập bẫy cò 'chạy' chế độ thương binh? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 05/02/2016, 10:09 [GMT+7]

Sập bẫy cò 'chạy' chế độ thương binh?

(Congannghean.vn)-Với những lời hứa có cánh của đám “cò mồi”, không ít người dân ở xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, đã “dính bẫy” chạy chế độ thương binh. Đến nay, sau nhiều năm nộp tiền cho “cò”, sự việc không thành nhưng nhiều người chưa thể lấy lại đủ số tiền như ban đầu…

Thời gian gần đây, Báo Công an Nghệ An nhận được phản ánh của một số người dân hiện đang sinh sống tại xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về việc một số đối tượng nhận tiền “chạy” chế độ chính sách nhưng không thành và cũng không hoàn trả lại đủ số tiền ban đầu.

Một ngày cận Tết, chúng tôi tìm đến địa chỉ theo thông tin phản ánh. Tại đây, ông Lê Đình Chánh (SN 1948) trú tại xóm 5, xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cho biết: Năm 1970, tôi đang làm cán bộ xã nhưng khi có lệnh điều động, tôi lên đường nhập ngũ. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tôi phục viên, chuyển ngành về làm việc tại Ban tổ chức cán bộ huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Ông Lê Công Hán và ông Lê Văn Trường phản ánh sự việc với phóng viên
Ông Lê Công Hán và ông Lê Văn Trường phản ánh sự việc với phóng viên

Do hoàn cảnh gia đình, năm 1983, tôi xin thôi việc, trở về quê lao động sản xuất. “Khi Nhà nước có chủ trương kê khai hồ sơ để làm chế độ chính sách cho các đối tượng, tôi cũng tiến hành làm nhưng hồ sơ lại bị trả về. Tôi nghe người ta nói, có hồ sơ đầy đủ cũng không dễ làm mà phải nhờ người khác chạy chọt mới được.

Khoảng năm 2011 - 2012, tôi đã nhờ ông Phạm Văn Minh ở xã Nam Kim giúp đỡ để “chạy” chế độ thương binh. Tổng số tiền tôi đưa cho ông Minh là 33 triệu đồng, đồng thời nộp lý lịch Đảng và hồ sơ các loại nhưng từ đó đến nay sự việc không thành, tôi chỉ được trả lại 27 triệu đồng, số tiền còn lại và hồ sơ thì họ khất mãi vẫn chưa trả hết…”, ông Chánh cho biết thêm.

Cùng cảnh ngộ với ông Chánh là ông Lê Công Hán và ông Lê Văn Trường cùng trú tại xóm 1, xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông Hán cho biết: “Thông qua mối quan hệ quen biết, ngày 26/4/2012, tôi đã đưa cho ông Trần Văn Phượng (quê gốc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; hiện trú quán tại xã Sơn Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) tổng cộng 49 triệu đồng và các hồ sơ liên quan để làm chế độ thương binh. Sau đó, họ đưa chúng tôi xuống Bệnh viện Quân y IV để giám định nhưng chờ mãi vẫn không có kết quả.

Thấy sự việc có khả năng không thành, chúng tôi đã yêu cầu ông Phượng trả lại tiền nhưng ông này chỉ khất lần, chỉ đến khi chúng tôi “làm căng” thì ngày 19/11/2014, ông Phượng mới trả lại cho tôi 20 triệu đồng, số còn lại đến nay vẫn chưa trả hết”. Còn ông Lê Văn Trường có mối quan hệ anh em với ông Phượng nên khi nghe ông Phượng nói rằng có thể “lo” được chế độ chính sách, ông đã thông tin cho ông Hán biết để nhờ “chạy” chế độ thương binh. Cũng như ông Hán, sau đó ông Trường đã đưa cho ông Phượng 35 triệu đồng nhưng vẫn không có kết quả. Nhiều lần cả hai ông phải đánh đường lên nhà ông Phượng tại huyện Hương Sơn để đòi tiền, nhưng đến nay mỗi người chỉ mới được trả lại 20 triệu đồng.

Theo lời ông Hán và ông Trường, sau khi nhận tiền, ông Phượng đã hứa hẹn rất nhiều lần về việc 2 ông này sẽ được hưởng chế độ thương binh. Cụ thể, đầu năm 2012 thì hứa cuối năm sẽ xong, cuối năm 2012 lại hứa quý I/2013, đến tháng 8/2015 lại hứa đến hết năm…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các trường hợp trên đều có thời gian đi bộ đội, hiện đang có lý lịch Đảng hoặc lý lịch quân nhân xuất ngũ và họ cũng đã từng làm hồ sơ để hưởng các chế độ chính sách nhưng đều bị trả về. Do đó, khi có người khẳng định có thể “lo lót” được, nhiều người đã “nhắm mắt làm liều”, vay mượn tiền để chạy bằng được chế độ chính sách…

Để làm sáng tỏ các sự việc trên, phóng viên đã liên hệ, trao đổi qua điện thoại với ông Phạm Văn Minh. Ông Minh cho biết: “Ông Chánh có quan hệ họ hàng với tôi, còn việc làm chế độ chính sách là ông Chánh thông qua tôi nhờ ông Phượng làm chứ không phải tôi?! Ông Chánh mang tiền đến nhà tôi nộp cho ông Phượng, nhưng đến nay nghe bảo ông Phượng đã trả lại hết tiền cho ông Chánh rồi. Hiện tại, ông Chánh đang còn bộ hồ sơ chúng tôi chưa lấy được nên chưa trả nhưng tôi khẳng định là hồ sơ không thể mất được”.

Về trường hợp của ông Hán và ông Trường, ông Minh cho biết: Các trường hợp này đều nhờ ông Phượng làm, tuy nhiên hiện ông Phượng đang gặp vướng mắc. Ông Phượng hứa sẽ trả dần cho các đối tượng chứ không có ý định bỏ trốn hay chây ì như phản ánh.

Theo lời ông Minh, sau khi ông Phượng nhận hồ sơ và tiền chi phí của các đối tượng đã nộp lại cho vợ chồng ông C. - bà V. ở thành phố để làm chế độ. Hiện, vợ chồng ông bà này đang giữ của ông Phượng số tiền hơn 1,6 tỉ đồng nhưng bà V. đã bỏ trốn nên chưa thể lấy lại được.

Qua tìm hiểu được biết, trước đây nhiều năm, do các văn bản hướng dẫn, thực hiện việc kê khai chế độ chính sách cho người có công với cách mạng có nhiều “kẽ hở”, do đó nhiều đối tượng không phải là thương binh, bệnh binh hoặc các trường hợp khác đã làm giả, khai man hồ sơ để được hưởng các chế độ chính sách như thương binh, bệnh binh.

Đến nay, sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, các văn bản hướng dẫn thực hiện kê khai hồ sơ làm các chế độ chính sách cho người có công ngày càng chặt chẽ hơn. Do đó, các đối tượng nếu không có hồ sơ đầy đủ hoặc có ý định làm giả hồ sơ để hưởng chế độ chính sách thì sẽ không có cơ hội để đạt được mục đích.

.

Đức Thắng

.