Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201606/om-tien-ti-de-chay-thuong-binh-gia-684531/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201606/om-tien-ti-de-chay-thuong-binh-gia-684531/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Ôm tiền tỉ để 'chạy' thương binh giả? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 25/06/2016, 16:27 [GMT+7]

Ôm tiền tỉ để 'chạy' thương binh giả?

(Congannghean.vn)-Cho rằng, có nhiều mối quan hệ quen biết có thể làm hồ sơ thương binh, vợ một sỹ quan quân đội đã nhận tiền của nhiều người, sau đó không làm được hồ sơ thương binh nhưng cũng không trả lại tiền. Sự việc vỡ lở, người này đã sang nhượng nhà cửa, tuyên bố ly hôn rồi trốn biệt tích khiến hàng chục người dân nghèo lao đao.

Lừa “chạy” thương binh...

Ông Nguyễn Như Thân (SN 1954) trú tại xã Thanh Khai, ông Phạm Ngọc Bích (SN 1960) trú tại xã Thanh Mai, cùng huyện Thanh Chương và ông Lê Chư Sơn (SN 1954) trú tại xã Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ có đơn tố cáo về việc, các ông là nạn nhân của trò lừa đảo “chạy” thương binh giả, bị chiếm đoạt hàng chục triệu đồng nhưng đến nay không đòi lại được.

 Đơn thư và giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền làm chế độ thương binh của bà Vân.
Đơn thư và giấy tờ liên quan đến việc nhận tiền làm chế độ thương binh của bà Vân.

Theo trình bày, vào tháng 6/2012, ông Nguyễn Phúc Hồng (SN 1954) trú tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn tìm gặp những người này và cho biết, ông có người quen làm chính sách ở Bộ chỉ huy (BCH) quân sự tỉnh Nghệ An, có thể làm chế độ thương binh.

Sau đó, ông Hồng rủ rê ông Thân, ông Bích và ông Sơn, “gom” số anh em bộ đội tham gia chiến tranh biên giới, hải đảo, phía Bắc, biên giới Tây Nam và cả làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia, phục viên xuất ngũ trở về nhưng chưa được nhận chế độ để làm hồ sơ, chế độ hàng tháng hưởng chính sách như thương binh. Chi phí cho mỗi bộ hồ sơ là 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi nộp tiền và hồ sơ, chờ đợi suốt 3 năm nhưng không được hưởng chế độ như đã hứa, những người này “bắt đền” ông Nguyễn Phúc Hồng thì mới vỡ lẽ, ông Hồng cũng bị người khác lừa.

Theo đó, ông Hồng nghe theo lời rủ rê của ông Hồ Thanh Tùng trú tại xã Hưng Phú, huyện Hưng Nguyên cũng với nội dung như trên nên đã gom tiền đưa cho ông Tùng. Thời điểm này, vì có quá nhiều người đến đòi nợ nên ông Tùng vắng mặt tại địa phương.

Trước sức ép của các nạn nhân, ông Hồng tiếp tục đưa họ đến gặp bà Tạ Thị Vân (SN 1962) trú tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Hưng Bình, TP Vinh, là vợ của một sỹ quan quân đội, cũng là một trong những “mắt xích” của đường dây mà ông Hồng tham gia. Tại đây, bà Vân thừa nhận mình là người nhận hồ sơ làm thương binh, nhưng chỉ nhận 17 triệu mỗi hồ sơ chứ không phải 30 triệu, và hứa đến tháng 5/2016 sẽ hoàn thiện. Ông Thân, ông Bích và ông Sơn đã đề nghị bà Vân viết giấy vay nợ với số tiền 1 tỉ 390 triệu đồng, thế chấp bằng ngôi nhà đang ở.

Theo trình bày của ông Nguyễn Phúc Hồng thì ông cũng là một nạn nhân trong vụ việc này. Theo đó, vào năm 2013, ông được người quen giới thiệu về việc bà Tạ Thị Vân có thể làm chế độ thương binh cho những người đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường, có hồ sơ gốc nhưng chưa được hưởng chế độ.

Tin tưởng bà Vân là vợ của một sỹ quan quân đội, trong thời gian từ tháng 7/2013 đến đầu năm 2014, ông Hồng cùng với các ông Phạm Văn Minh, trú tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn; ông Lê Quang Khả, trú tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương; ông Nguyễn Văn Ninh, trú tại phường Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh và ông Trần Văn Phượng, trú tại xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, cùng tỉnh Hà Tĩnh, đã thu nhận hồ sơ của nhiều người tại các địa phương nói trên để làm chế độ thương binh.

Theo số liệu các nạn nhân cung cấp, trong thời gian nói trên, ông Trần Văn Phượng đã đưa hồ sơ của 62 đối tượng thương binh và 12 đối tượng chất độc da cam với số tiền 1 tỉ 642 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Ninh đưa hồ sơ của 38 trường hợp với số tiền 988 triệu đồng và ông Phạm Văn Minh đã đưa hàng chục hồ sơ với số tiền 1 tỉ 470 triệu đồng. Tổng số tiền mà bà Vân nhận của 64 người này là 4,1 tỉ đồng. Tất cả số tiền và hồ sơ đều do bà Tạ Thị Vân ký nhận.

... để chiếm đoạt tiền

Sau hơn một năm, bà Vân đã không giải quyết được bất kỳ trường hợp nào trong số hàng trăm hồ sơ này như đã hứa hẹn từ trước. Do đó, những người này đã liên tục đến nhà thúc giục và yêu cầu được nhận lại tiền lẫn hồ sơ.

Ngày 27/7/2015, bà Tạ Thị Vân đã viết giấy cam kết với nội dung: “Đến ngày 25/10/2015, sẽ có danh sách trích ngang cho các đối tượng được hưởng chế độ. Nếu đến ngày đó không có danh sách trích ngang và thẻ thì tôi sẽ hoàn lại số tiền một lần đầy đủ. Nếu sai tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật hoặc thế chấp tài sản gia đình mình”.  

Tuy nhiên, quá thời hạn trên vẫn không có hồ sơ nào được duyệt. Sau nhiều lần tìm đến tận nhà “đòi nợ” nhưng bất thành, những người này tìm gặp chồng bà Vân vì cho rằng, những lần giao dịch, hứa hẹn trước đó cũng có mặt của ông này. Tuy nhiên, cho rằng mình không liên quan, hơn nữa hai vợ chồng đã ly hôn nên người này đã chối bỏ trách nhiệm.

“Ngoài ra, theo chúng tôi được biết, không chỉ chúng tôi cùng 63 người khác là nạn nhân trong sự việc lừa đảo của bà Vân mà họ còn lợi dụng, lừa đảo hàng trăm người khác để trục lợi hàng chục tỉ đồng. Hiện tại, chúng tôi hoàn toàn không liên lạc được với bà Vân và căn nhà tại phường Hưng Bình đã được sang nhượng cho chủ mới”, đơn của các hộ dân này phản ánh.

Trở lại “phi vụ” viết giấy vay nợ thế chấp bằng nhà ở, ngay sau khi sự việc làm hồ sơ thương binh vỡ lở, do các nạn nhân có đơn gửi UBND phường Hưng Bình về việc không giải quyết việc mua bán, chuyển nhượng liên quan đến ngôi nhà tại đường Nguyễn Đức Cảnh thuộc sở hữu của bà Vân, ngày 18/12/2015, để sang nhượng được tài sản này, chồng của bà Vân đã đứng ra nhận trả nợ thay vợ.

Thông qua Văn phòng Luật sư Trọng Hải và Cộng sự, để những người này rút đơn ngăn chặn, ông đã trả 400 triệu đồng. Được biết, sau khi nhận được đơn thư của công dân, Thanh tra Quốc phòng (Quân khu 4) và Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) cũng đã chuyển đơn đến Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và BCH quân sự tỉnh Nghệ An để kiểm tra, xác minh, làm rõ và giải quyết theo đúng thẩm quyền.

Sáng 2/6, Thượng tá Đặng Đức Mậu, Phó Tham mưu trưởng BCH quân sự Nghệ An cho biết: Đơn vị đã tổ chức đối thoại, làm việc giữa những người có đơn thư và  chồng của bà Tạ Thị Vân. Cuộc đối thoại đã đi đến kết quả cuối cùng là chồng bà Vân hoàn toàn không liên quan đến việc nhận tiền, chạy chế độ mà những người này đã đưa. Tất cả mọi giao dịch đều do bà Tạ Thị Vân thực hiện. Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi nắm được, sau khi trao đổi qua điện thoại với phóng viên như vậy, chiều cùng ngày, BCH quân sự tỉnh tiếp tục liên hệ với những người có đơn để đối chất, làm rõ những nội dung liên quan.

.

Thiện Thành

.