Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201608/tai-xa-nam-thanh-huyen-nam-dan-tinh-nghe-an-co-hay-khong-viec-gia-mao-ho-so-liet-sy-695256/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201608/tai-xa-nam-thanh-huyen-nam-dan-tinh-nghe-an-co-hay-khong-viec-gia-mao-ho-so-liet-sy-695256/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Có hay không việc giả mạo hồ sơ liệt sỹ? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 23/08/2016, 10:46 [GMT+7]
Tại xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Có hay không việc giả mạo hồ sơ liệt sỹ?

(Congannghean.vn)-Hồ sơ mang tên một liệt sỹ, trong khi người hy sinh thật lại mang tên khác. Điều đáng nói, hồ sơ này không qua Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), có dấu hiệu giả mạo, chắp vá theo kiểu “râu ông nọ chắp cằm bà kia” nhưng Sở LĐ,TB&XH vẫn ký quyết định trợ cấp một lần cho thân nhân liệt sỹ, dẫn đến hai gia đình từ nhiều năm nay kiện tụng dai dẳng trong việc tranh chấp thờ cúng một liệt sỹ.

Dấu hiệu giả mạo hồ sơ liệt sỹ

Tên của liệt sỹ Hà Văn Tam được khắc trên bia tưởng niệm liệt sỹ của xã Nam Thanh
Tên của liệt sỹ Hà Văn Tam được khắc trên bia tưởng niệm liệt sỹ của xã Nam Thanh

Ông Hà Văn Liêm (85 tuổi) trú tại xóm 7A, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn có đơn gửi cơ quan chức năng phản ánh về việc: Quá trình làm hồ sơ xin cấp bằng Tổ quốc ghi công cho anh trai mình là liệt sỹ Hà Văn Tam, ông phát hiện có một gia đình khác trong xã đã “dựng” lên một bộ hồ sơ khác để hưởng chế độ một lần và hàng tháng trong suốt nhiều năm qua.

Cụ thể, theo trình bày của ông Liêm, liệt sỹ Hà Văn Tam (có bố là Hà Văn Phú và mẹ là Trần Thị Em), sinh năm 1925, nhập ngũ năm 1948 và hy sinh năm 1951. Hiện nay, hồ sơ của liệt sỹ không còn lưu giữ được bất cứ loại giấy tờ nào, ngoài việc tên tuổi được khắc ghi trên bia tưởng niệm liệt sỹ cũng như trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Nam Thanh.

Tháng 8/2013, ông Liêm làm hồ sơ xin cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Hà Văn Tam, lúc này ngành LĐ,TB&XH tra cứu hồ sơ thì mới biết rằng, ông Tam chưa có hồ sơ công nhận liệt sỹ, chưa được cấp bằng liệt sỹ và cũng chưa có danh sách lưu tại Cục Người có công, dù hy sinh đã 63 năm. Tuy nhiên, Sở LĐ,TB&XH lại cung cấp cho ông Liêm một tờ khai lý lịch mà đơn vị này đang quản lý, ghi tên liệt sỹ Hà Viết Tam trú tại xóm 7A, xã Nam Thanh, được lập ngày 10/12/1976, ngoài ra không có gì khác.

Theo đó, một gia đình khác là bà Lê Thị Thỉu trú tại xóm 1A, xã Nam Thanh là người đã đứng ra lập hồ sơ này để hưởng chế độ thờ cúng liệt sỹ. Năm 2003, bà Thỉu qua đời, người con dâu là bà Nguyễn Thị Tứ tiếp tục hương hỏa cho người có tên là liệt sỹ Hà Viết Tam.

Qua nghiên cứu hồ sơ, chúng tôi phát hiện có quá nhiều điều bất thường, có dấu hiệu giả mạo. Bản khai lý lịch ghi rất sơ sài, không ghi tên cha, chỉ ghi mẹ là Trần Thị Cường (SN 1875). Sơ yếu lý lịch mang tên Hà Viết Tam, nhưng tất cả giấy tờ bên trong lại ghi là Hà Văn Tam.

Ngoài ra, trong biên bản họp gia tộc, được lập vào ngày 17/5/1983 nhưng lại căn cứ vào Điều 22, Nghị định 28/CP của Chính phủ, trong khi Nghị định này mãi đến ngày 29/4/1995 mới ban hành và có hiệu lực. Giấy tờ trong hồ sơ này đều có chữ ký của ông Đinh Xuân Tư, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, nhưng theo lịch sử Đảng bộ xã thì ông này đến năm 1999 mới làm Chủ tịch.

Bi hài hơn, ngày 10/7/2001, dựa vào bằng Tổ quốc ghi công số 8Y427b của liệt sỹ Hà Viết Tám, là em con chú ruột của liệt sỹ Hà Văn Tam, đồng thời là em trai của ông Hà Văn Liêm, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sở LĐ,TB&XH tỉnh Nghệ An đã có Quyết định 1359 trợ cấp một lần với số tiền 600.000 đồng với người có công cho bà Lê Thị Thỉu vì đã có công thờ cúng liệt sỹ Hà Văn Tam.

Cần làm rõ trách nhiệm

Bà Nguyễn Thị Tứ, người thừa kế việc hương hỏa từ mẹ mình cho rằng, bà Lê Thị Thỉu và ông Hà Văn Tam là chị em cùng mẹ khác cha, nên có quyền thờ cúng. Còn sai sót hồ sơ là do chính quyền địa phương chứ gia đình không hề biết.

Ông Hà Văn Liêm với những tập hồ sơ đi tìm sự thật cho anh trai mình
Ông Hà Văn Liêm với những tập hồ sơ đi tìm sự thật cho anh trai mình

Về sự việc này, đại diện chính quyền xã Nam Thanh cho biết: Sau khi ông Liêm có ý kiến và tranh chấp việc thờ cúng liệt sỹ, UBND xã đã tổ chức giải quyết, đối thoại rất nhiều lần giữa hai bên và lần cuối là vào năm 2007, đã đi đến thống nhất là bà Tứ và ông Liêm sẽ hoàn thành việc chuyển giao thờ cúng liệt sỹ Hà Viết Tam về gia tộc họ Hà, mọi chế độ chính sách ông Liêm thụ hưởng. Tuy nhiên, đến ngày 20/9/2013, bà Tứ bất ngờ có đơn khiếu nại, không đồng ý việc chuyển giao nữa khiến sự việc dai dẳng từ đó đến nay.

Ông Phạm Mẫu Tùng, Trưởng phòng LĐ,TB&XH huyện Nam Đàn cũng khẳng định, hồ sơ mang tên liệt sỹ Hà Viết Tam bất thường, trong đó đơn giải quyết chế độ thờ cúng liệt sỹ do bà Thỉu khai không có xác nhận của Phòng LĐ,TB&XH huyện nhưng Sở LĐ,TB&XH tỉnh vẫn phê duyệt để hưởng trợ cấp một lần với số tiền 600.000 đồng (thời điểm năm 2001) là sai quy định.

“Mặc dù hồ sơ đề nghị cấp tiền trợ cấp cho bà Thỉu, Phòng LĐ,TB&XH không xác nhận nhưng qua sự việc trên, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu, quản lý danh sách liệt sỹ nhưng đã để bà Thỉu dùng giấy chứng nhận của gia đình liệt sỹ Hà Viết Tám để làm hồ sơ hưởng trợ cấp mà không phát hiện và báo cáo về Sở LĐ,TB&XH để dừng quyết định ban hành trợ cấp, Phòng cũng chưa làm tròn trách nhiệm”, ông Tùng cho biết.

Cũng theo ông Trưởng phòng, hiện hồ sơ xin cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Hà Văn Tam đã hướng dẫn gia đình và chính quyền hoàn tất, gửi về Sở LĐ,TB&XH tỉnh từ tháng 3/2016.

Trong một diễn biến khác, mọi chế độ chính sách liên quan đến “liệt sỹ” Hà Viết Tam đã dừng chi trả từ tháng 9/2013, từ sau khi Nghị định 31 về hướng dẫn thi hành một số điều đối với người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành được áp dụng vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh cho biết: Việc ông Hà Văn Liêm đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Hà Văn Tam là nguyện vọng chính đáng. Đến nay, Sở LĐ,TB&XH đã nhận được hồ sơ, tuy nhiên vướng mắc hiện nay là do thực hiện theo Thông tư số 28/2013 ngày 22/10/2013 (Thông tư liên tịch giữa Bộ LĐ,TB&XH và Bộ Quốc phòng), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh vẫn chưa cấp giấy báo tử cho liệt sỹ Hà Văn Tam nên chưa đủ cơ sở để làm hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công.

Về những điều bất thường, có dấu hiệu giả mạo hồ sơ khi “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia” trong hồ sơ của Hà Viết Tam, ông Lê Văn Long, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở LĐ,TB&XH cho rằng, người trực tiếp làm hồ sơ này hiện nay đã nghỉ hưu và đã mất nên không muốn khơi lại nữa, hiện đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Hà Văn Tam theo quy định.

.

Thiện Thành

.