Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201610/ho-bien-nha-o-thanh-nha-nghi-khach-san-703027/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201610/ho-bien-nha-o-thanh-nha-nghi-khach-san-703027/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
'Hô biến' nhà ở thành nhà nghỉ, khách sạn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 09/10/2016, 10:36 [GMT+7]

'Hô biến' nhà ở thành nhà nghỉ, khách sạn

(Congannghean.vn)-Hàng trăm công trình xây dựng, quá trình xin giấy phép là làm nhà ở tư nhân, nhưng khi hoàn thành lại biến thành nhà nghỉ, khách sạn với quy mô từ 4 đến 7 tầng. Mục đích là để “lách luật” trong việc thẩm định các tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đăng ký kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trong khi đó, cơ quan chức năng liên quan lại “đá bóng” trách nhiệm trong vấn đề xử lý.

Nhà ở “hô biến” thành nhà nghỉ, khách sạn

Từ mùa du lịch 2016, nhiều du khách đến nghỉ dưỡng tại TX Cửa Lò (Nghệ An) đã quyết định chọn khách sạn Bảo Nam, tọa lạc ở vị trí giao nhau giữa đường Mai Thúc Loan và Nguyễn Năng Tĩnh, thuộc phường Thu Thủy để nghỉ ngơi vì đây không chỉ có vị trí đẹp, mà công trình cao 7 tầng này mới xây dựng xong, rất khang trang, sạch sẽ. Thế nhưng, ít ai biết rằng, Giám đốc khách sạn là ông Nguyễn Văn Phong, trước đó một năm xin giấy phép xây dựng chỉ với mục đích là làm nhà ở tư nhân (Giấy phép số 120).

Tương tự, trên đường Nguyễn Sư Hồi cũng thuộc địa bàn phường Thu Thủy, gần đây mọc lên 2 khách sạn Gió Biển (4 tầng) và Hùng Duyên (5 tầng), nhưng quá trình xây dựng, chủ khách sạn là các ông Võ Thủy Phương và Nguyễn Xuân Hùng chỉ xin giấy phép xây dựng nhà ở. Hoạt động của các khách sạn này diễn ra công khai, có gắn biển, thậm chí lập cả page (trang) quảng bá hình ảnh, thương hiệu rộng rãi trên mạng Internet, có cả con dấu riêng để hoạt động.

Ông Phan Công Đối, Trưởng phòng Quản lý Đô thị TX Cửa Lò cho biết, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn có 4 công trình khách sạn hoạt động sai với giấy phép xây dựng. Về nguyên tắc khi chuyển sang kinh doanh khách sạn thì phải được thẩm định PCCC, thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường và có giấy chứng nhận kinh doanh có điều kiện về ANTT. Việc các khách sạn này hoạt động “chui” luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biết là cháy, nổ.

Cùng chung tình trạng như ở TX Cửa Lò, trên địa bàn TP Vinh hiện nay cũng có hàng trăm công trình kinh doanh lưu trú nhưng giấy phép xây dựng chỉ xin làm nhà ở.

Điển hình như tại xã Nghi Phú có 13 trường hợp nhà nghỉ, khách sạn hiện đang hoạt động khi xin xây dựng nhà ở xong, đưa vào kinh doanh nhưng không làm thủ tục chuyển đổi công năng sử dụng.

Trong đó, đáng kể như khách sạn Anphaan (7 tầng) ở xóm 7, mặt tiền giáp Đại lộ Lê Nin; nhà nghỉ Phương Lương (5 tầng) ở xóm 9; nhà nghỉ Hoàng Anh (4 tầng) ở xóm 15; nhà nghỉ Anh Tài; khách sạn Gia Hưng…. chỉ được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc chưa được cấp phép xây dựng nhưng khi hoàn thành đã biến thành khách sạn, nhà nghỉ.

Khách sạn Anphaan gắn biển tiêu chuẩn 3 sao nhưng giấy phép xây dựng chỉ là nhà ở tư nhân
Khách sạn Anphaan gắn biển tiêu chuẩn 3 sao nhưng giấy phép xây dựng chỉ là nhà ở tư nhân

Tương tự, tại địa bàn phường Lê Lợi, có đến 19 trường hợp đã được cấp giấy phép xây dựng nhà ở hoặc chưa có giấy phép xây dựng nhưng sau khi hoàn thành cũng đem vào kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ. Các công trình này chủ yếu bám mặt tiền đường Lý Thường Kiệt và đường Trường Chinh. Riêng trên địa bàn phường Hà Huy Tập, trong số 6 công trình đã kinh doanh nhà nghỉ thì chỉ có nhà nghỉ Giao Long ở khối 1 là được cấp phép từ năm 2004, còn lại 5 trường hợp không xuất trình được giấy phép xây dựng.

Ngoài ra, một số nhà nghỉ trên địa bàn TP Vinh có thể kể đến như nhà nghỉ Dũng Hằng ở khối Trung Hòa, phường Lê Mao; nhà nghỉ 24h ở đường Tân Yên, khối Tân Yên, phường Hưng Bình; nhà nghỉ Nhật Minh ở xóm 18B và nhà nghỉ Phố Mới ở xóm 18A, xã Nghi Liên… đã hoạt động trong suốt thời gian dài nhưng không có giấy phép xây dựng.

Theo báo cáo của UBND TP Vinh, hiện trên địa bàn có 62 công trình đã được cấp giấy phép nhà ở cho hộ gia đình cá nhân nhưng sử dụng làm khách sạn, nhà nghỉ, trong đó 22 công trình sử dụng làm khách sạn, 40 công trình sử dụng làm nhà nghỉ và 4 nhà nghỉ chưa được cấp giấy phép xây dựng.

Ẩn họa nhiều nguy cơ

Ông Hoàng Trọng Kim, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho biết: Quá trình xin giấy phép xây dựng nhà ở, sau khi thẩm định thấy đầy đủ hồ sơ thì Sở Xây dựng sẽ cấp phép. Còn quá trình sử dụng, chuyển đổi chức năng, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và ngành Công thương chứ không phải của đơn vị cấp phép.

Mặc dù vậy, theo ông Kim, sau khi có dư luận về vấn đề này, Sở Xây dựng đã tiến hành kiểm tra 10 công trình được cấp giấy phép xây dựng nhà ở trên địa bàn TP Vinh. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, ngày 11/8, Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh. Theo đó, có 6 công trình sử dụng nhà ở làm khách sạn, nhà nghỉ; 2 công trình do gia đình sử dụng một phần diện tích để làm địa điểm kinh doanh.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng, mới đây, Sở Xây dựng đã có công văn gửi UBND các huyện, thành, thị trong tỉnh rà soát các công trình được cấp giấy phép xây dựng là nhà ở nhưng chuyển đổi kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn.

Qua báo cáo của các địa phương, trên địa bàn tỉnh có hơn 210 công trình đã được cấp giấy phép xây dựng làm nhà ở nhưng lại kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ. Trong đó, TP Vinh có nhiều công trình nhất, ngoài ra còn có các huyện Diễn Châu, Yên Thành, TX Cửa Lò… nhưng ít hơn.

Nguyên nhân để xảy ra thực trạng trên là do chính quyền địa phương không thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn. Vì vậy, Sở Xây dựng đã tiếp tục đề nghị UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các đơn vị chức năng lập biên bản đình chỉ việc kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Sau khi chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nếu có nhu cầu được tiếp tục sử dụng công trình để kinh doanh thì phải thực hiện các trình tự, thủ tục nhằm đảm bảo các điều kiện để được kinh doanh. Nếu không đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh thì đề nghị các địa phương kiên quyết không cho phép tiếp tục sử dụng công trình để kinh doanh và tổ chức tháp dỡ biển hiệu.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Nghi Phú thừa nhận, trên địa bàn có nhiều công trình kinh doanh lưu trú nhưng chưa được thẩm định, cấp phép và do chỉ được cấp phép là nhà ở nên hầu hết các công trình này đều không đảm bảo về công tác PCCC và môi trường.

Tuy nhiên, theo ông Tùng thì khi bắt đầu xây dựng, có giấy phép và xây đúng quy hoạch. Chỉ khi họ gắn biển khách sạn thì chính quyền địa phương mới biết. Song, để xử lý tình trạng này không chỉ chính quyền mà phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan.

Về biện pháp xử lý, theo ông Dương Trường Giang, cán bộ địa chính UBND phường Thu Thủy, TX Cửa Lò: “Phường có kiểm tra thì cũng chỉ đề nghị cất bảng khách sạn rồi xin ý kiến chỉ đạo của thị xã. Còn để cấm họ không được kinh doanh thì Chủ tịch phường cũng không làm được”.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công thương Nghệ An lại cho rằng, Sở Công thương chẳng liên quan gì đến việc kinh doanh của các khách sạn, nhà nghỉ thuộc diện này. Trách nhiệm thuộc về ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các ban, ngành liên quan.

.

Thiện Thành

.