Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201611/giam-60-toi-pham-ma-tuy-co-vu-trang-tu-mot-phuong-an-708724/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201611/giam-60-toi-pham-ma-tuy-co-vu-trang-tu-mot-phuong-an-708724/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Giảm 60% tội phạm ma túy có vũ trang từ một phương án - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 13/11/2016, 08:50 [GMT+7]

Giảm 60% tội phạm ma túy có vũ trang từ một phương án

Biên giới Việt Nam-Lào là địa bàn trọng điểm về tội phạm vận chuyển ma túy. Việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm có vũ trang vận chuyển ma tuý ở khu vực này được xác định là tuyến đầu, nhiệm vụ rất quan trọng nhưng vô cùng khó khăn, nguy hiểm, thậm chí là đổ máu, hy sinh.

Trước tình hình trên, Bộ đội biên phòng (BĐBP), Công an và chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều phương án, kế hoạch để đấu tranh ngăn chặn, song hoạt động vận chuyển ma tuý có vũ trang qua biên giới cũng chỉ tạm lắng xuống sau đó lại tiếp tục tái diễn. Việc sử dụng biện pháp trấn áp vũ trang chưa đủ mạnh để giải quyết được tận gốc vấn đề, nếu không có phương án cụ thể có thể gây đối đầu với một bộ phận quần chúng lạc hậu gây hậu quả chính trị xấu. Chính vì lý do trên cần thiết phải có phương án tổng thể để kịp thời ngăn chặn, không để hoạt động mua bán vận chuyển ma tuý có vũ trang gây ảnh hưởng đến sự ổn định về an ninh chính trị ở khu vực 2 bên biên giới, đặc biệt là khu vực trọng điểm Tây Bắc.

Phương án tổng hợp

Tháng 11/2014, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng Phương án số 3597 về việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt thực hiện. Phương án tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp: giải pháp về chính trị, kinh tế-xã hội; về hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng; về nghiệp vụ; về vũ trang. Trong đó, lấy giải pháp chính trị là cơ bản xuyên suốt, giải pháp nghiệp vụ là mũi nhọn kết hợp biện pháp vũ trang khi cần thiết. Các giải pháp đó được triển khai đồng bộ nhằm giải quyết căn bản tình hình phức tạp về ma túy ở cả nội và ngoại biên tỉnh Sơn La, các tỉnh Bắc miền Trung.

Bộ đội Biên phòng dẫn giải các đối tượng buôn bán ma túy. Ảnh minh họa
Bộ đội Biên phòng dẫn giải các đối tượng buôn bán ma túy. Ảnh minh họa

Trong 2 năm, các đơn vị BĐBP đã tổ chức lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hai bên biên giới chấp hành các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; củng cố và phát triển phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ Quốc, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; tham mưu xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở đủ mạnh để lãnh đạo địa phương trong phối hợp, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, thực hiện các chương trình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới góp phần xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả thiết thực, phát triển bền vững để từng bước loại trừ nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm về ma tuý.

Trong công tác tuyền truyền vận động quần chúng nhân dân, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng, in ấn 2.100 tờ rơi “Hãy nói không với ma túy” và 1.000 cuốn tài liệu về tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tổ chức tuyên truyền 119 buổi với 4.989 lượt người tham gia; vận động đưa 64 đối tượng đi cai nghiện; lập 15 hòm thư tố giác tội phạm, gọi hỏi răn đe 10 đối tượng có liên quan đến ma túy; vận động nhân dân giao nộp và thu giữ 382 khẩu súng tự chế các loại.

Lực lượng BĐBP và Công an cũng đã phối hợp chặt chẽ trong tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cũng như biện pháp vũ trang, kịp thời giải quyết xử lý tình huống không để sơ hở, đối tượng lợi dụng lôi kéo, kích động tạo điểm nóng trên biên giới. Bên cạnh đó, BĐBP còn tích cực phối hợp với Hải quan Cửa khẩu Lóng Sập tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu nhằm chủ động phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tội phạm ma tuý; phối hợp với Công an, quân sự địa phương tham gia thu hồi vũ khí, vật liệu nổ.

Chỉ riêng trong 2 năm thực hiện Phương án, BĐBP đã trực tiếp và phối hợp với lực lượng chức năng hai bên biên giới của tỉnh Sơn La đấu tranh thắng lợi 33 chuyên án, 148 vụ án, bắt 277  đối tượng, tiêu diệt 1 đối tượng; thu giữ 480 bánh heroin, 18,9 kg MTTH dạng đá, 110.640 viên MTTH, gần 60 kg thuốc phiện, 14 kg hạt thuốc phiện, 7 ô tô, 24 súng, 250 viên đạn, 20 lựu đạn và nhiều tang vật khác có liên quan, đảm bảo an toàn về người, vũ khí trang bị.

Ngoài ra, để thực hiện hiệu quả Phương án 3597, BĐBP các tỉnh trọng điểm tuyến Việt-Lào như Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đã phối hợp với lực lượng chức năng của bạn Lào đấu tranh thắng lợi 20 chuyên án, bắt 57 đối tượng, thu giữ 385 bánh heroin; 258.143 viên MTTH, 2,5 kg MTTH dạng đá, 1.998 kg cần sa khô; 3,5 tấn tiền chất, 6 súng, 8 viên đạn cùng nhiều tang vật có liên quan.

Giảm tới 60% tội phạm ma túy có vũ trang

Trung tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng đánh giá, qua 2 năm thực hiện, với tinh thần khắc phục mọi khó khăn, tích cực tấn công tội phạm, các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra đã cơ bản hoàn thành. Nổi bật là đã huy động được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng, cấp uỷ, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân đồng sức, đồng lòng, tích cực tấn công tội phạm ma túy. Đây là vấn đề cơ bản quyết định sự thành công của phương án.

Đại bộ phận quần chúng nhân dân các xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, xã Chiềng Xuân thuộc huyện Vân Hồ của tỉnh Sơn La và 12 bản thuộc cụm bản Pa Háng-Huổi Hiềng của Lào đã từng bước nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy đối với cộng đồng, từ đó tích cực tham gia phòng, chống tội phạm.

Các đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy bị tấn công mạnh mẽ trên nhiều hướng, nhiều địa bàn từ các tỉnh Bắc Lào đến các tỉnh Tây Bắc và Bắc miền Trung của Việt Nam. Nhiều tụ điểm phức tạp, hàng chục đường dây ma túy lớn bị triệt phá; hoạt động của các toán, nhóm tội phạm ma túy có vũ trang từng bước được vô hiệu hóa, đối tượng không còn hoạt động ngang nhiên, trắng trợn như trước; có thời điểm, có tuyến, tần suất hoạt động giảm (từ 50-60% so với thời gian trước khi thực hiện Phương án).

Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng chức năng nước bạn Lào càng tô thắm thêm truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt-Lào, khẳng định tính đúng đắn của phương châm “giúp bạn là giúp mình”, “đánh ma túy từ xa, đánh ngay từ sào huyệt của chúng” đã triển khai thực hiện trong những năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong thực hiện Phương án 3597 vẫn còn bộc lộ một số vấn đề hạn chế như một bộ phận quần chúng lạc hậu, trong đó có cả một số cán bộ thoái hóa, biến chất ở thôn bản tiếp tay cho đối tượng; chưa phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; sự quan tâm chỉ đạo của một số địa phương, đơn vị có lúc chưa quyết liệt, kịp thời, nhất là một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa ở khu vực biên giới...

4 bài học kinh nghiệm

Theo Trung tướng Lê Chiêm, qua việc thực hiện Phương án này, 4 bài học cần rút ra đó là bài học về quyết tâm phòng, chống và kiểm soát ma túy; về công tác dân vận; về chỉ đạo tập trung thống nhất, toàn diện, kiên trì, và bền bỉ; về phối hợp lực lượng.

Với quyết tâm không để tồn tại điểm nóng kéo dài, không để TPMT lợi dụng lôi kéo nhân dân tạo thành “lãnh địa riêng” để hoạt động phạm tội, bằng các biện pháp nghiệp vụ chặt đứt sự liên hệ, móc nối giữa các nhóm đối tượng ở hai bên biên giới và địa bàn nội địa tiếp giáp để cô lập hoạt động của các toán nhóm vũ trang vận chuyển ma túy xâm nhập từ ngoài biên giới vào.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, giác ngộ cho quần chúng nhân dân, cần gần gũi, giúp đỡ gắn bó và bảo vệ dân không để tội phạm ma túy lợi dụng lôi kéo. Đồng thời, phát huy vai trò nhân cốt tích cực trong nhân dân để tạo sức mạnh cô lập, phân hóa đối tượng tạo cơ sở cho các lực lượng chức năng phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy ở địa bàn.

Trung tướng Lê Chiêm cho rằng, phòng chống ma túy, nhất là tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang phải được thực hiện đồng bộ cả 3 mục tiêu là: giảm cung, giảm cầu và giảm thiểu tác hại. Do đó, trong chỉ đạo phải tập trung, thống nhất toàn diện, phải kiên trì bền bỉ không nóng vội, tạo sự chuyển biến từ bên trong, kiên trì điều tra nghiên cứu, kiên trì giáo dục cảm hóa, kiên trì đấu tranh với nhiều hình thức, kết hợp các biện pháp công khai với các biện pháp nghiệp vụ bí mật thì mới mang lại hiệu quả bền vững.

Hơn nữa, tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang được tổ chức chặt chẽ, hoạt động xuyên quốc gia, mang tính quốc tế. Do đó, cần tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài nước và các biện pháp phòng ngừa xã hội và nghiệp vụ để hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau tạo sức mạnh tổng hợp, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp điều tra xác minh, đấu tranh chuyên án để đánh trúng, đánh đúng đối tượng, nhất là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

.

Nguồn: Chinhphu.vn

.