Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201704/can-lam-ro-hanh-vi-gia-mao-ho-so-bi-nhiem-chat-doc-hoa-hoc-733727/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201704/can-lam-ro-hanh-vi-gia-mao-ho-so-bi-nhiem-chat-doc-hoa-hoc-733727/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Cần làm rõ hành vi giả mạo hồ sơ bị nhiễm chất độc hóa học - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Sáu, 21/04/2017, 10:32 [GMT+7]

Cần làm rõ hành vi giả mạo hồ sơ bị nhiễm chất độc hóa học

(Congannghean.vn)-Chế độ trợ cấp dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học đioxin (chất độc màu da cam - PV) là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, góp phần cải thiện cuộc sống, làm vơi đi nỗi đau của những cựu chiến binh không may trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, lợi dụng kẽ hở của chính sách này, đã có không ít kẻ cố tình giả mạo hồ sơ để trục lợi bất chính ngân sách Nhà nước. Hành vi này cần được xử lý nghiêm khắc trước pháp luật.

Thời gian qua, phóng viên Báo Công an Nghệ An nhận được thông tin tại địa bàn xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu có một số trường hợp giả mạo hồ sơ bị nhiễm chất độc đioxin trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước trong thời gian dài, khiến dư luận hết sức bức xúc. Nguồn tin cho biết, có trường hợp ở xã Châu Bình đã tự giác làm đơn xin ngừng chi trả tiền hỗ trợ hàng tháng sau khi dư luận phát giác hành vi giả mạo hồ sơ bị nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều trường hợp nhận thức được việc làm sai trái và thấy xấu hổ về hành vi của mình rồi làm đơn xin cắt nguồn trợ cấp.

Ngoài ra, nguồn tin cho rằng, hiện trên địa bàn xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu đang có ít nhất 2 trường hợp cố tình làm giả hồ sơ để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước cho người bị nhiễm chất độc hóa học đioxin trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khiến dư luận hết sức bất bình.

Qua thu thập tài liệu, xác minh thông tin, chúng tôi nhận thấy 2 trường hợp bị phản ánh nói trên có nhiều dấu hiệu làm giả hồ sơ bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh chống Mỹ, đó là ông Bùi Duy Môn (SN 1952), quê quán xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, hiện thường trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu và ông Lang Văn Hòe (SN 1957) trú tại xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu.

Cụ thể hồ sơ, tại “Bản khai cá nhân” ngày 12/3/2009 của ông Bùi Duy Môn thể hiện, tháng 5/1970, ông Môn nhập ngũ vào Sư đoàn 324. Từ tháng 10/1970 - 5/1975, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Đường 9, tỉnh Quảng Trị. Tại mục Bệnh tật do nhiễm chất độc hóa học, ông Môn khai “viêm phế quản, đau thần kinh tọa, rối loạn đầu, mắt mờ, viêm tai, viêm da” và “giảm khả năng lao động”; đồng thời, con đẻ của ông Môn là Bùi Duy Thắng (SN 1989) cũng bị “viêm đa khớp, suy giảm trí nhớ, gai cột sống, viêm gan”.

Tại Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa Nghệ An ngày 14/5/2009 do bác sĩ Nguyễn Quang Trung làm Phó Chủ tịch hội đồng, ông Bùi Duy Môn có kết quả: Tỉ lệ suy giảm khả năng lao động do bệnh tật là 65%. Ngày 23/6/2009, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An có Quyết định số 3577/TBLS-NCC, về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cho ông Bùi Duy Môn.

Tuy nhiên, theo thông tin phản ánh, mặc dù ông Môn đi bộ đội nhưng không vào chiến trường Quảng Trị mà chỉ ở địa bàn Nghệ An, sau đó ra quân. Mặt khác, thời gian đi bộ đội của ông Môn là từ tháng 5/1975 - 5/1981, nghĩa là sau khi đã giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Theo Giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Quỳnh Lưu do Thượng tá Hồ Nghĩa Chính, Chỉ huy trưởng ký vào ngày 25/9/2003 thì ông Bùi Duy Môn nhập ngũ tháng 5/1970 và xuất ngũ ngày 31/5/1989, thời gian công tác trong quân đội là 19 năm. Thế nhưng, cũng tại Giấy xác nhận của Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu vào ngày 13/7/2010, do Trung tá Hồ Xuân Tú ký thì ông Bùi Duy Môn nhập ngũ tháng 5/1975 và xuất ngũ tháng 5/1981, thời gian công tác trong quân đội là 6 năm 1 tháng?! Đây là dấu hiệu đáng ngờ về sự giả mạo hồ sơ của ông Bùi Duy Môn cần được các cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ.

Về trường hợp của ông Lang Văn Hòe, theo Bản khai cá nhân, ông Hòe nhập ngũ vào tháng 2/1975, xuất ngũ vào tháng 8/1980, địa bàn hoạt động là tỉnh Tây Ninh, trực thuộc Quân khu 7. Về bệnh tật, ông Hòe khai, bị viêm đa khớp, viêm gan, đau các khớp. Ngoài ra, 2 con đẻ là Lang Văn Ba (SN 1984) bị thiểu năng và Lang Thị Lê (SN 1986) bị liệt 1/2 thân thể. Từ ngày 20/12/2009, ông Hòe được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An ký Quyết định về việc trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Tuy nhiên, tại Giấy chứng nhận số 278/CN-BCH ngày 14/4/2015 của Ban CHQS huyện Quỳ Châu do Trung tá Trần Vũ Hải ký xác nhận thì ông Lang Văn Hòe nhập ngũ ngày 15/11/1975, xuất ngũ ngày 12/6/1980; cấp bậc: Thượng sỹ; chức vụ: Y tá. Đơn vị trước khi xuất ngũ là Tiểu khu 78, Quân khu 7.

Như vậy, theo các Giấy xác nhận mới thì thời gian ông Bùi Duy Môn và ông Lang Văn Hòe nhập ngũ đều sau thời điểm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra, tại “Danh sách quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ đã phục viên xuất ngũ trở về địa phương được hưởng chế độc trợ cấp một lần theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ” của Ban CHQS huyện Quỳ Châu không có tên 2 ông Bùi Duy Môn và Lang Văn Hòe.

Từ những cứ liệu trên, chúng tôi nhận thấy thông tin phản ánh của công dân về việc 2 ông Bùi Duy Môn và Lang Văn Hòe có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hưởng trợ cấp đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là có cơ sở. Ngoài ra, thông tin của người dân còn cho biết, hiện 2 con đẻ của ông Lang Văn Hòe cũng đang hưởng chế độ trợ cấp gián tiếp từ người bị nhiễm chất độc hóa học. Đề nghị các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra, làm rõ hồ sơ của các trường hợp nói trên. Nếu đúng là hồ sơ giả mạo, cần có biện pháp xử lý nghiêm những người liên quan và các đối tượng đã “tiếp tay” làm giả những hồ sơ này.

.

Đức Thắng

.