Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201707/nhin-nhan-dung-am-muu-cua-2-linh-muc-cuc-doan-tai-nghe-an-bai-1-746053/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201707/nhin-nhan-dung-am-muu-cua-2-linh-muc-cuc-doan-tai-nghe-an-bai-1-746053/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhìn nhận đúng âm mưu của 2 linh mục cực đoan tại Nghệ An (bài 1) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 05/07/2017, 16:37 [GMT+7]

Nhìn nhận đúng âm mưu của 2 linh mục cực đoan tại Nghệ An (bài 1)

Bài 1: Những con tàu 67 mạnh mẽ vươn khơi

(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung vào năm 2016, 2 linh mục cực đoan trên địa bàn Nghệ An, gồm: Linh mục Nguyễn Đình Thục, quản xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và linh mục Đặng Hữu Nam, quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu đã kích động bà con giáo dân tiến hành nhiều hoạt động cố ý gây phức tạp tình hình, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Vậy có thật sự “biển đã chết” hay “tôm, cá không còn” như 2 linh mục trên đã rao giảng? Không. Sự thật là việc ô nhiễm chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp và thời gian ngắn. Nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và của chính mỗi người dân đã giúp cho biển trong xanh trở lại. Những chuyến tàu đầy ắp cá bạc vẫn cần mẫn cập bờ. Những ngư dân “ăn sóng nói gió” vẫn bền bỉ ra khơi. Cuộc sống của người dân miền biển ngày càng đủ đầy, khấm khá… Và càng ngày, người dân càng nhận ra việc linh mục Nguyễn Đình Thục và linh mục Đặng Hữu Nam đẩy con chiên ra đường thưa kiện chỉ là cái cớ cho mục đích đê hèn, xấu xa.

Những chuyến tàu vừa trở về sau chuyến ra khơi
Những chuyến tàu vừa trở về sau chuyến ra khơi

Đón chúng tôi tại cảng cá Lạch Quèn quen thuộc, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thu, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu vui vẻ dẫn nhóm phóng viên đi tham quan chiếc tàu anh mới mua lại cách đây không lâu. Giọng nói hào sảng, mạnh mẽ của người đã từng gắn bó với biển hơn 20 năm qua như cuốn người nghe vào những chuyến ra khơi, những kỷ niệm giữa sóng gió trùng điệp.

Chiếc tàu mà anh coi như ngôi nhà thứ hai của mình, có công suất 800CV này là anh Thu mua lại từ ông Đặng Đức Tiến, xã Quỳnh Hải cách đây hơn 1 năm. Nó cũng giống nhiều chiếc tàu công suất lớn khác có mặt tại cảng Lạch Quèn - được thực hiện theo gói vay ưu đãi hỗ trợ ngư dân bám biển vươn khơi (gọi tắt là Nghị định 67). Với nhiều ngư dân, Nghị định trên đã tiếp sức cho họ mạnh mẽ vươn khơi, đánh bắt rộng hơn tại các ngư trường lớn, nâng cao giá trị đánh bắt hải sản, góp phần giữ chủ quyền quốc gia.

Thuyền trưởng Thu chia sẻ, anh gắn bó với biển từ nhỏ. Những chuyến ra khơi đã là điều rất đỗi bình thường và thân thuộc. Gia đình có 6 anh chị em thì 2 anh em trai nối nghiệp truyền thống cha ông, tiếp tục tham gia đánh bắt hải sản. Xác định rõ ưu thế mà những chuyến đánh bắt xa bờ mang lại, anh mạnh dạn quyết định mua chiếc tàu công suất 800CV, với số tiền 9,7 tỉ đồng. Hiện nay, số lao động phục vụ trên tàu dao động từ 18 - 20 người. Cũng nhờ được trang bị hiện đại, thuận lợi hơn nên những giá trị nhiều loại hải sản cũng được nâng lên. Những loại cá tươi ngon như cá thu, cái chai, cá đốm cùng nhiều hải sản tôm, cua, ghẹ trên thuyền vừa đến bến là được tiêu thụ nhanh chóng.

Vị thuyền trưởng 40 tuổi hào hứng cho biết: “Vào năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên sản lượng, giá trị khai thác có thấp hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý mọi người đôi chút. Tuy nhiên, với truyền thống bao nhiêu năm gắn bó, chúng tôi lại động viên nhau tích cực bám biển, khai thác ngư trường xa hơn. Năm nay, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên giá trị hải sản sau khi đánh bắt tại đây cũng nâng lên rõ rệt”.

Theo đó, trung bình trong 1 tháng, anh ra khơi 2 chuyến, mỗi chuyến về bờ có giá trị từ 200 - 300 triệu đồng. Những lao động trên thuyền, trong đó có em trai anh Thu cũng có mức thu nhập ổn định từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Hiện, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thu đang cùng các thuyền viên sửa chữa, nâng cấp tàu để chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới…

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thu cùng các thuyền viên đang nâng cấp tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thu cùng các thuyền viên đang nâng cấp tàu, chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới

Cùng với các địa phương khác trong huyện, người dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cũng có truyền thống lâu đời trong đánh bắt, khai thác thủy, hải sản. Theo ông Bùi Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy: Hiện nay, trên địa bàn có 15 chiếc tàu được thực hiện theo Nghị định 67 đi vào hoạt động, trong đó có 4 tàu vỏ thép, với công suất từ 700CV trở lên. Như tại Giáo xứ Mành Sơn, bà con giáo dân cũng đã rất tích cực đóng tàu thuyền, chủ động khai thác ngư trường lớn và mới hơn. Với 16 chiếc tàu, việc đánh bắt hải sản cũng đã giải quyết việc làm cho hơn 300 giáo dân, tạo điều kiện để người dân có cuộc sống ổn định và bền vững hơn.

Có mặt trên chiếc tàu công suất 800CV của chủ tàu Hồ Bang Hóa (xóm Hòa Bình, xã Quỳnh Nghĩa), thuyền viên Hồ Văn Thường (xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy) không giấu được niềm vui khi thuyền vừa trở về với đủ loại hải sản đầy ắp, tươi ngon. Chuyến khai thác tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ lần này, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi nên mọi người có điều kiện đánh bắt nhiều hải sản có giá trị kinh tế cao.

Gắn bó với nghề biển đã 6 năm nay, anh Thường cùng hơn 1.000 lao động của xã Tiến Thủy luôn xem biển như ân nhân, người bạn thủy chung. Nhờ biển, nhiều người dân đã thoát nghèo và giờ đây, nhờ những chuyến tàu 67 đã giúp anh cùng nhiều gia đình có cuộc sống ổn định và khấm khá hơn. Trong nhà, là chiếc tivi màn hình phẳng chất lượng HD, là chiếc điều hòa chăm giấc ngủ trưa của bà cháu, là những cột sóng wifi mà nhiều nhà có để dùng điện thoại thông minh... Tất cả, nhờ biển.

Nói về hiệu quả từ nghề vây, ngư dân Hồ Văn Thường cho biết, nghề vây có ưu điểm vượt trội hơn các nghề khác bởi khả năng đánh bắt đạt sản lượng cao, bất kỳ ngư trường nào cũng có thể khai thác được, độ an toàn cũng cao. Hơn nữa nghề vây khi đánh bắt đảm bảo được nguồn lợi thủy sản, không mang tính tận diệt.

Với kinh nghiệm đi biển lâu năm, sử dụng phương tiện nghề vây hiện đại với nhiều máy móc tân tiến, nhiều năm qua, tàu của anh Thường đánh bắt thắng lợi. Nếu như đánh bắt bằng nghề chụp 2 sào như trước đây, mỗi chuyến vươn khơi từ 7 - 10 ngày, tàu của anh đánh bắt thu về từ 100 - 150 triệu đồng/chuyến, nhưng từ khi chuyển đổi sang nghề vây, mỗi chuyến đều mang về nguồn thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.

Theo ông Đậu Đức Năm, Trưởng phòng Nông nghiệp, UBND huyện Quỳnh Lưu: Huyện Quỳnh Lưu có nhiều xã có nghề khai thác đánh bắt hải sản trên biển như Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Tiến Thủy, Quỳnh Long, Sơn Hải, với trên 11.000 lao động. Những năm gần đây, ngư dân Quỳnh Lưu đã đầu tư vốn đóng tàu to, máy lớn vươn khơi xa bờ nên sản lượng khai thác đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã giàu lên từ nghề đánh bắt hải sản. Tính đến nay, trên địa bàn huyện đã có 34 tàu thực hiện theo Nghị định 67 đưa vào sử dụng trong tổng số 1.275 tàu, thuyền các loại. Riêng 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khai thác hải sản của huyện Quỳnh Lưu đạt 34.000 tấn, với giá trị kinh tế ước đạt khoảng 600 tỉ đồng.

Có thể thấy, trong thời gian qua, thành công lớn nhất mà các ngư dân Quỳnh Lưu nói riêng và Nghệ An nói chung đạt được là tập trung các nguồn lực cho việc đóng tàu có công suất lớn, trang thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, phù hợp đánh bắt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ và nhất là ngư trường biển xa ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trong đó, thực hiện chương trình đóng tàu theo Nghị định 67/CP, Nghị định 89/CP, Nghị định 172/CP, nhiều ngư dân đã đóng, sửa nhiều tàu công suất lớn hơn. Tính đến ngày 30/6/2017, thực hiện đóng tàu theo Nghị định 67, toàn tỉnh Nghệ An đã có 71 tàu đưa vào sản xuất. Tổng sản lượng khai thác thủy sản từ đầu năm đến nay ước đạt khoảng 67.000 tấn. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản đạt khoảng 64.600 tấn (ước đạt 1.694,415 tỉ đồng), tăng 11,69% so với cùng kỳ năm trước. Những con số ấn tượng trên cho thấy những lời rao giảng về “biển đã chết”, về “tôm, cá không còn” của 2 linh mục Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam là hoàn toàn bịa đặt…

**Bài 2: Những bãi biển tấp nập du khách

***Bài 3: Hậu phương an toàn, vững chắc

.

Trần Lâm (còn nữa)

.