Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201811/tai-2-huyen-anh-son-va-tan-ky-hai-xa-hon-10-nam-tranh-chap-dat-823530/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/201811/tai-2-huyen-anh-son-va-tan-ky-hai-xa-hon-10-nam-tranh-chap-dat-823530/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hai xã hơn 10 năm tranh chấp đất - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 13/11/2018, 08:40 [GMT+7]
Tại 2 huyện Anh Sơn và Tân Kỳ

Hai xã hơn 10 năm tranh chấp đất

(Congannghean.vn)-Sự việc xảy ra và đã được UBND tỉnh phân định, giải quyết từ hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có hồi kết khi phần đất đã được giao cho huyện Tân Kỳ quản lý, phía huyện Anh Sơn vẫn không đồng ý cho người dân Tân Kỳ canh tác, sản xuất. 
 
Đất của mình nhưng không được sử dụng
 
Bà Nguyễn Thị Hà và ông Trần Văn Hóa trú tại xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ cho biết: Tháng 3/2017, vợ chồng bà làm thủ tục nhận chuyển nhượng  217.928 m2 quyền sử dụng đất rừng, sản xuất tại thửa số 318, tờ bản đồ số 2, từ gia đình ông Lê Viết Cương, nguyên cán bộ địa chính xã Phú Sơn với thời hạn 50 năm. Quá trình chuyển nhượng này đã được UBND xã Phú Sơn xác nhận (nguồn gốc sử dụng đất là vào năm 2003, ông Cương được giao khoanh nuôi, quản lý đất nông nghiệp, nay không có nhu cầu sử dụng nên được phép chuyển nhượng cho người khác theo đúng quy định của Luật Đất đai). Cùng thời điểm này, vợ chồng bà Hà tiếp tục nhận chuyển nhượng một số lô đất liền kề của 13 hộ dân đều ở xã Phú Sơn để trồng rừng. 
Vùng đất tranh chấp giữa 2 huyện Tân Kỳ và Anh Sơn kéo dài hơn 10 năm nay
Vùng đất tranh chấp giữa 2 huyện Tân Kỳ và Anh Sơn kéo dài hơn 10 năm nay
Sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng, 2 vợ chồng đã làm đơn xin mở đường vào khu vực này để tiến hành phát sẻ thực bì, trồng rừng sản xuất và được UBND xã Phú Sơn chấp thuận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện,  phần đất này nằm tiếp giáp với địa giới hành chính của xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn nên việc làm của gia đình bà Hà, ông Hóa đã bị phía chính quyền Đức Sơn ngăn cản quyết liệt. Cho rằng, phần đất này có lịch sử trước đây thuộc huyện Anh Sơn, ngoài ra, vị trí đất rừng mà vợ chồng bà Hà, ông Hóa nhận chuyển nhượng để trồng rừng nằm ở phía thượng nguồn đập khe Chung - là con đập chứa nước lớn nhất của huyện Anh Sơn, phục vụ tưới tiêu toàn bộ xã Đức Sơn, nên lo sợ nếu khai thác rừng đầu nguồn sẽ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập, do đó, phía chính quyền xã Đức Sơn đã ngăn cản, không cho người dân huyện Tân Kỳ sản xuất trên chính phần đất của mình.
 
Theo tài liệu mà chúng tôi có được, phần đất giáp ranh giữa 2 huyện Anh Sơn và Tân Kỳ tại vùng khe Đen đã xảy ra tranh chấp từ năm 2006. Thời điểm nói trên, do mâu thuẫn gay gắt giữa 2 bên nên ngày 12/1/2007, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 125/QĐ-UBND-TCĐĐ để giải quyết. Theo kết quả của Đoàn kiểm tra tại báo cáo ngày 30/8/2007 thì xã Đức Sơn (Anh Sơn) và xã Phú Sơn (Tân Kỳ) có chung đường địa giới hành chính và được xác định theo Chỉ thị 364/CT ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Tuy nhiên, quá trình quản lý, xã Đức Sơn cho rằng, có 383,9 ha đất rừng tự nhiên tại vùng khe Đen và khe Táy trước đây thuộc địa giới hành chính của xã Đức Sơn, nhưng khi thực hiện Chỉ thị 364 lại hoạch định cho xã Phú Sơn quản lý, làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ lưu vực đập nước 3/2 của xã Đức Sơn nên đã kiến nghị lên huyện Anh Sơn và huyện này cũng đã nhiều lần kiến nghị đến UBND tỉnh cũng như các ngành chức năng cấp tỉnh giải quyết. 
 
Hơn 10 năm giải quyết không dứt điểm
 
Kết quả kiểm tra cho thấy, đường địa giới hành chính 364 được 2 xã hiệp thương ký kết vào ngày 8/3/1993 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, thì vùng khe Đen và khe Táy là thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn. Tuy nhiên, xã này cũng thừa nhận trong số đó có khoảng 150 ha trước đây là do xã Đức Sơn quản lý. Quá trình giao đất lâm nghiệp theo Nghị định 163/CP, 2 xã ý thức được điều đó nên chưa giao cho các hộ dân sử dụng. Đến thời điểm năm 2007 chưa xảy ra tranh chấp. Nguyên nhân là do quá trình thực hiện Chỉ thị 364 không thực địa, nên khi khoanh vẽ lên bản đồ không phù hợp với thực tế. Chính quyền 2 xã thống nhất giao một phần cho xã Đức Sơn quản lý, nhưng khi tiến hành khảo sát thực địa lại không thống nhất diện tích, ranh giới cụ thể. Trong khi xã Phú Sơn chỉ đồng ý cắt 143,7 ha cho xã Đức Sơn quản lý thì phía xã Đức Sơn lại muốn điều chỉnh toàn bộ 383,9 ha nằm trong lãnh thổ xã Phú Sơn về huyện Anh Sơn.
 
Liên quan đến vấn đề này, ngày 21/6/2007, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Báo cáo số 1039/NNLN, cho biết vùng đất rừng khe Đen và khe Táy thuộc các khoảnh 14 và 15, Tiểu khu 870 nằm trên địa giới hành chính xã Phú Sơn. Trước đây, khu vực này thuộc đối tượng quy hoạch rừng phòng hộ, nay đã chuyển đổi, quy hoạch thành rừng sản xuất. Theo đại diện của Đoàn điều tra quy hoạch lâm nghiệp, số diện tích rừng ở khu vực này nằm xa đập 3/2, thuộc giải đất khác, do đó ảnh hưởng không lớn đến đập nước của xã Đức Sơn. Trên cơ sở này, ngày 12/9/2007, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3511/QĐ-UBND, nội dung: Tôn trọng và giữ nguyên đường địa giới hành chính giữa 2 xã theo Chỉ thị 364/CP; đối với vùng đất tranh chấp, giao xã Đức Sơn quản lý 143,7 ha tại vùng khe Đen, theo ranh giới thể hiện tại bản đồ số 2 - 163/CP của xã Phú Sơn.  
 
Sự việc sau đó lắng xuống cho đến năm 2017, sau khi gia đình bà Nguyễn Thị Hà nhận chuyển nhượng, tiến hành mở đường để trồng rừng sản xuất thì chính quyền xã Đức Sơn lại tiếp tục ngăn cản. Ngày 11/8/2017, tại huyện Anh Sơn, chính quyền 2 huyện tiếp tục có buổi làm việc liên quan đến địa giới hành chính này, có sự chỉ đạo từ Sở Nội vụ. Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đức Sơn, chính quyền xã này đề nghị giải quyết 194 ha về cho xã, đồng thời quy hoạch khu vực này về rừng phòng hộ để bảo vệ đập nước 3/2 cho nhân dân xã Đức Sơn, vì “nếu để diện tích đất rừng sản xuất sẽ gây ra mâu thuẫn giữa nhân dân 2 xã”.
 
Ông Phạm Đình Đức, Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cũng thống nhất quan điểm cần rà soát, đưa vào khu vực đất rừng phòng hộ đầu nguồn. Tuy vậy, theo ông Đức thì việc đưa khu vực này thành rừng phòng hộ cũng có những cái khó, bởi liên quan đến việc quản lý, bảo vệ (Nhà nước phải bỏ kinh phí ra để giao cho 1 đơn vị quản lý). Theo ông Đức, sự việc phức tạp kéo dài, chỉ có UBND tỉnh mới đứng ra giải quyết dứt điểm được, trong khi huyện Anh Sơn chỉ muốn giao rừng để quản lý thì huyện Tân Kỳ lại muốn giao đất để người dân sản xuất.
 
Ông Đoàn Tử Nghĩa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ cho rằng, địa giới hành chính giữa xã Đức Sơn (Anh Sơn) và xã Phú Sơn (Tân Kỳ) phải được thống nhất theo Quyết định 3511 của UBND tỉnh Nghệ An.
.

THIỆN THÀNH

.