Thứ Năm, 23/05/2019, 14:31 [GMT+7]

Đề xuất sửa đổi Luật giám định tư pháp

Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp số 13/2012/QH13.
 
Bộ Tư pháp cho biết, giám định tư pháp là nhiệm vụ quan trọng trong tố tụng, kết luận giám định chính xác, khách quan và kịp thời góp phần giải quyết nhanh chóng, đúng pháp luật các vụ án, đặc biệt là trong tình hình đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu cấp bách của công cuộc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới thì công tác giám định tư pháp đã bộc lộ một số bất cập.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cụ thể, về thể chế, một số quy định của Luật giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan còn hạn chế nhất định như: Luật giám định tư pháp và pháp luật về tố tụng quy định chưa đầy đủ về căn cứ, cách thức trưng cầu, đánh giá, sử dụng kết luận giám định, dẫn đến tình trạng một số trường hợp lạm dụng giám định tư pháp để gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố và xét xử; việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp nhiều vụ việc còn lúng túng, chưa thống nhất, chặt chẽ. Quy định về thời hạn giám định chưa đầy đủ. Ngoài một số loại việc có quy định thời hạn giám định trong pháp luật về tố tụng hình sự, còn lại hầu hết các loại việc khác (chủ yếu liên quan đến giám định phục vụ giải quyết án tham nhũng) hiện không có quy định nên thời gian thực hiện giám định trong các vụ án kinh tế, tham nhũng bị kéo dài, dẫn đến một số vụ án vi phạm thời hạn tố tụng, gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
 
Bên cạnh đó, quy định về trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, thiếu chế tài bảo đảm thực hiện... dẫn đến việc trong một số trường hợp cơ quan trưng cầu chưa cung cấp đầy đủ thông tin, hồ sơ vụ việc cho thực hiện giám định, nội dung yêu cầu không rõ ràng hoặc không phù hợp chức năng, thẩm quyền của ngành chuyên môn, cơ quan, tổ chức được trưng cầu thì từ chối, né tránh, đùn đẩy hoặc chậm trễ trong tổ chức thực hiện việc giám định; việc phối hợp giữa cơ quan trưng cầu với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc; chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế tài chính hiện hành về chi phí giám định tư pháp, nhất là quy trình, thủ tục thanh toán chưa phù hợp với đặc thù hoạt động giám định, còn vướng mắc, gây chậm trễ, ách tắc nhiều vụ việc giám định tư pháp.
 
Ngoài những hạn chế về mặt thể chế, công tác tổ chức thi hành pháp luật về giám định tư pháp cũng có nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề chủ yếu như: Nhận thức của một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan tiến hành tố tụng cấp Trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đặc biệt là của người đứng đầu chưa xác định đầy đủ về tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng cũng như trách nhiệm của cơ quan mình đối với công tác giám định tư pháp.
 
Công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao về giám định tư pháp ở một số Bộ, ngành còn nhiều tồn tại, chưa được quan tâm đầu tư về thời gian, nhân lực; việc chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý chưa được đề cao, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến nhiều nhiệm vụ được giao thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hoạt động giám định tư pháp ở những lĩnh vực không có tổ chức giám định và giám định viên chuyên trách chưa được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm đúng mức, tổ chức và người làm giám định kiêm nhiệm chưa được tạo điều kiện đầy đủ để làm công tác giám định bên cạnh nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị hoặc công việc chuyên môn ở cơ quan, tổ chức.
 
Trước tình hình nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật giám định tư pháp là yêu cầu cấp thiết khách quan, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tham nhũng trong tình hình mới.
 
Bộ Tư pháp đã dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp số 13/2012/QH13. Trong đó, Bộ Tư pháp đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: Bổ sung 3 điều luật (Điều 26a về thời hạn giám định; Điều 33a về đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp; Điều 34a về xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp); sửa đổi, bổ sung 5 điều luật (Điều 25 về trưng cầu, tiếp nhận giám định; Điều 36 về chi phí giám định tư pháp; Điều 41 về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan chuyên môn ở cấp trung ương quản lý chuyên môn về giám định tư pháp; Điều 43 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Điều 46 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành); sửa đổi, bổ sung 7 khoản và 13 điểm.
.

Nguồn: Chinhphu.vn

.