Thứ Hai, 17/06/2019, 08:23 [GMT+7]

Cần sớm điều tra, xử lý nghiêm vụ đốt rẫy, phá rừng tại Khe Đá

(Congannghean.vn)-Kết luận của UBND huyện Tân Kỳ và UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ rõ, khu vực rừng sản xuất tại Khe Đá là của công dân xã Phú Sơn song người dân xã Nghĩa Hành (Tân Kỳ) vẫn ồ ạt cho người vào phát sẻ, đốt dọn thực bì khiến tình hình ANTT tại khu vực này tiềm ẩn nhiều phức tạp.
 
Khu vực rừng sản xuất Khe Đá nằm giáp ranh địa giới hành chính 2 xã Phú Sơn và Nghĩa Hành (Tân Kỳ), từ năm 2016 khi người dân xóm Trung Sơn (Phú Sơn) tiến hành phát sẻ thực bì để trồng keo thì công dân xóm 1 xã Nghĩa Hành ồ ạt kéo đến ngăn cản, thậm chí còn phát sẻ, trồng keo trên phần đất của người dân xã Phú Sơn.
 
Sau khi sự việc xảy ra, Ngày 4/5/2017, Ban chỉ đạo 513 của UBND huyện Tân Kỳ đã có Thông báo số 55/TB-UBND.BCĐ về việc xác định tuyến địa giới hành chính xã Nghĩa Hành với xã Phú Sơn, huyện Tân Kỳ. Báo cáo chỉ rõ, phần đất tranh chấp nói trên thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn, đã được nhà nước cấp đất cho công dân Phú Sơn quản lý. 
 
Khi một số công dân trú tại xóm 1, xã Nghĩa Hành không đồng tình mà tiếp tục có đơn đòi quyền sử dụng, ngày 27/12/2018, UBND huyện Tân Kỳ có Kết luận số 21/KL-UBND về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết việc xâm lấn đất lâm nghiệp của công dân xã Nghĩa Hành với công dân xã Phú Sơn. Kết luận nêu rõ: khu vực công dân xóm 1, xã Nghĩa Hành tiến hành phát sẻ rừng trái phép tại các thửa đất số 248, 254, 273, 277, 284, 288, 292 tờ bản đồ số 2 thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn đã được Nhà nước giao đất cho xóm Trung Sơn, xã Phú Sơn năm 1997 và đến năm 2002 đã giao cho các hộ gia đình thuộc xóm Trung Sơn sử dụng khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng.
 
Kết luận số 21, UBND huyện Tân Kỳ cũng đã giao Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành tăng cường công tác quản lý đất đai, tuyên truyền cho người dân không được lấn chiếm, phát sẻ và trồng rừng trên diện tích đã được giao cho các hộ dân xã Phú Sơn. Nếu để xảy ra việc công dân xã Nghĩa Hành khu vực trên lấn chiếm đất đai tại khu vực trên thì Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hành phải chịu trách nhiệm.
 
Không đồng tình với thông báo này, công dân xóm 1 xã Nghĩa Hành tiếp tục khiếu nại lên kỳ tiếp công dân định kỳ tháng 4/2019 của UBND tỉnh. Sự việc sau đó được Chủ tịch UBND tỉnh giao trách nhiệm cho sở Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với Sở Nội vụ và các ban ngành, lập tổ công tác liên ngành để tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Trên cơ sở kết quả xác minh, ngày 22/5, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3423/UBND-BTD yêu cầu UBND huyện Tân Kỳ giải quyết dứt điểm tình trạng xâm lấn đất lâm nghiệp của công dân xã Nghĩa Hành với công dân xã Phú Sơn.
 
Tại Văn bản số 2623/BC.STNMT-TTr ngày 15/5/2019, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh không công nhận việc một số công dân trú tại xóm 1, xã Nghĩa Hành đòi quyền sử dụng diện tích 21 ha khu vực Khe Đá gồm các thửa đất số 248, 254, 273, 277, 284, 288, 292 tờ bản đồ số 2 thuộc địa giới hành chính xã Phú Sơn. Đồng thời đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho UBND huyện Tân Kỳ tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời các nội dung được nêu tại Kết luận số 21/KL-UBND ngày 27/12/2018 về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết việc xâm lấn đất lâm nghiệp của công dân xã Nghĩa Hành với công dân xã Phú Sơn. Tại Công văn số 3423/UBND-BTD ngày 22/5/2019, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã đồng ý với kiến nghị này.
 
Mặc dù vậy, trong những ngày vừa qua, theo phản ánh của người dân nơi đây mỗi ngày có từ 30 – 50 công dân xóm 1 xã Nghĩa Hành tiếp tục đến phần đất này ồ ạt phát sẻ, với diện tích lên đến gần 10ha. Liên tiếp trong các ngày 14, 15 và ngày 16/6 vừa qua, bất luận nắng nóng với nhiệt độ trên 380C, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương không được đốt rừng, nhóm người này vẫn đốt rừng, dọn thực bì trên phần đất lấn chiếm. Theo ghi nhận của phóng viên, diện tích rừng mà công dân xóm 1 xã Nghĩa Hành đã phát sẻ, đốt dọn rất lớn, có dấu hiệu của hành vi phá rừng nhưng không hiểu sao các ban ngành chức năng của huyện Tân Kỳ vẫn chưa vào cuộc xử lý?
 
Bà Nguyễn Thị Hà, chủ rừng đã được Nhà nước giáo quản lý, cũng là người có diện tích rừng bị xâm lấn nhiều nhất, bức xúc cho biết: Ngay từ đầu, khi sự việc xảy ra bà đã trình báo chính quyền các cấp nhưng không nhận được sự can thiệp kịp thời. Trước đó, vào năm 2018, cũng đã xảy ra tình trạng như hiện tại, và hàng nghìn gốc keo người dân xã Nghĩa Hành trồng trên đất xâm lấn đã tươi tốt trước sự bất lực của chủ rừng là công dân xã Phú Sơn. 
 
Dưới đây là một số hình ảnh phóng viên ghi lại từ hiện trường vụ phá rừng, đốt rẫy trên phần đất xâm lấn tại khu vực Khe Đá, xã Phú Sơn (Tân Kỳ):
Nhiều cây to bị đốn hạ, đốt cháy nham nhở
Nhiều cây to bị đốn hạ, đốt cháy nham nhở

Không chỉ xâm lấn mà vụ việc có dấu hiệu của hành vi phá rừng.
Không chỉ xâm lấn mà vụ việc có dấu hiệu của hành vi phá rừng.

Vị trí khu vực bị phát sẻ nằm sát khu vực rừng keo đã trồng trước đó.
Vị trí khu vực bị phát sẻ nằm sát khu vực rừng keo đã trồng trước đó.
Quá trình đốt rừng trong những ngày nắng nóng đã ảnh hưởng đến rừng keo bên cạnh.
Quá trình đốt rừng trong những ngày nắng nóng đã ảnh hưởng đến rừng keo bên cạnh.

 

Diện tích rừng bị chặt phá rất lớn, tất cả đều diễn ra trên phần đất của xã Phú Sơn.
Diện tích rừng bị chặt phá rất lớn, tất cả đều diễn ra trên phần đất của xã Phú Sơn.

 

Khu vực bị chặt phá có nhiều cây gỗ lâu năm, xen lẫn thực bì.
Khu vực bị chặt phá có nhiều cây gỗ lâu năm, xen lẫn thực bì.

 

Tại khu vực Khe Đá, việc xâm lấn rừng sản xuất diễn ra từ hơn 2 năm nay.
Tại khu vực Khe Đá, việc xâm lấn rừng sản xuất diễn ra từ hơn 2 năm nay.

 

Theo người dân, khu vực rừng giáp ranh liên quan đến một số cán bộ đang công tác tại UBND xã Nghĩa Hành nên sự việc mới diễn ra phức tạp, kéo dài.
Theo người dân, khu vực rừng giáp ranh liên quan đến một số cán bộ đang công tác tại UBND xã Nghĩa Hành nên sự việc mới diễn ra phức tạp, kéo dài.

 

Chính quyền địa phương thờ ơ trong việc giải quyết, lực lượng Kiểm lâm địa bàn cũng không quyết liệt xử lý.
Chính quyền địa phương thờ ơ trong việc giải quyết, lực lượng Kiểm lâm địa bàn cũng không quyết liệt xử lý.

Bất luận chính quyền 2 xã đã tổ chức cắm mốc, phân chia ranh giới.
Bất luận chính quyền 2 xã đã tổ chức cắm mốc, phân chia ranh giới.

 

Nhưng công dân Nghĩa Hành Vẫn ồ ạt phát sẻ xâm lấn và trồng keo trên phần đất không phải của mình.
Nhưng công dân Nghĩa Hành Vẫn ồ ạt phát sẻ xâm lấn và trồng keo trên phần đất không phải của mình.
Hệ lụy là đến nay, diện tích keo trồng trên đất người khác đã xanh tốt. Người dân xã Nghĩa Hành, tiếp tục lấn đất để trồng keo với toan tính “sự đã rồi”. Đề nghị UBND huyện Tân Kỳ cần sớm chỉ đạo các ban ngành chức năng sớm vào cuộc, xử lý dứt điểm tình trạng này, tránh hình thành “điểm nóng” về ANTT, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về an ninh, trật tự tại cơ sở.
.

THIÊN THẢO

.