Thứ Năm, 25/07/2019, 08:03 [GMT+7]

Xung quanh vụ tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam

(Congannghean.vn)-Trong những ngày qua, tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Trước tình hình đó, Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp nhằm thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Hoạt động của tàu Trung Quốc tại bãi Tư Chính là vi phạm thềm lục địa, đặc quyền khai thác kinh tế Việt Nam
Hoạt động của tàu Trung Quốc tại bãi Tư Chính là vi phạm thềm lục địa, đặc quyền khai thác kinh tế Việt Nam

Những căn cứ pháp lý

Theo lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng thì những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông. Người phát ngôn khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Qua tìm hiểu những quy định của UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 cũng như các tiền lệ luật pháp, đặc biệt phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, chúng ta có thể khẳng định phát ngôn trên có căn cứ pháp lý rõ ràng. Theo đó, khu vực phía nam Biển Đông được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đề cập là khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu vực ở cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện xấp xỉ trên dưới 200 hải lý. Vì vậy, Việt Nam có đặc quyền tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Trước những căn cứ pháp lý rõ ràng của Việt Nam và được quốc tế công nhận nhưng Trung Quốc  vẫn cố tình xem bãi Tư Chính là một phần của "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của họ. Nhưng lập luận ngụy biện này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt đã bị phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982) bác bỏ.

Chiếu theo Công ước Luật biển, bãi Tư Chính hay bãi ngầm Tư Chính, một cụm san hô ở phía nam Biển Đông, nằm trong thềm lục địa Việt Nam. Và Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa trong đó có bãi Tư Chính thành đảo nổi và không gán ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Nhưng sau 3 năm từ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016, Trung Quốc đang âm mưu biến khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam  thành khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa và đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Bãi Tư Chính trên bản đồ Việt Nam
Bãi Tư Chính trên bản đồ Việt Nam

Lập trường của Việt Nam và bạn bè quốc tế

Trước vụ việc trên, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

Và theo phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam thì: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 trước bất cứ hành vi xâm phạm chủ quyền nào, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Huốc về Luật Biển 1982”.

Liên quan đến vụ việc, trong một thông cáo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cũng nêu rõ: Việc Trung Quốc tiến hành cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cùng với các hành động khác nhằm khẳng định những đòi hỏi bất hợp pháp của Bắc Kinh ở vùng biển này, bao gồm cả việc sử dụng quân sự trên biển để hăm dọa, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, là hành động làm xói mòn hòa bình và an ninh khu vực. Và theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những hành động này đang can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các nước đã tiến hành từ lâu, đặc biệt là của Việt Nam.

Cảnh giác với những thông tin xuyên tạc

Trong khi Đảng, Nhà nước đang tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp nhằm thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam với sự lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế thì một số tài khoản mạng xã hội hùa theo thông tin từ các hội nhóm, tổ chức phản động, chống đối xuyên tạc sự thật về vụ việc và dựng lên các thông tin như:  “Va chạm” của tàu khảo sát Trung Quốc với tàu tuần tra của Việt Nam tại bãi Tư Chính và với kiểu thông tin giận gân như: “Trung Quốc đánh chiếm bãi Tư Chính”, “Trung Quốc định đánh nhà giàn DK1”, “Hàng chục tàu hải quân Trung Quốc và Việt Nam đụng độ căng thẳng trên biển Đông”, “Biển Đông đang dậy sóng dữ dội”  để chỉ trích chính quyền, xuyên tạc tình hình, kích động người dân xuống đường biểu tình…

Hình ảnh trang facebook cá nhân xuyên tạc vụ việc và kêu gọi biểu tình
Hình ảnh trang facebook cá nhân xuyên tạc vụ việc và kêu gọi biểu tình

Trước sự việc xảy ra, là công dân nước CHXHCN Việt Nam, ai trong chúng ta cũng đều quan tâm và lo ngại. Nhưng chúng ta tin tưởng vào chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và cảnh giác trước những nguồn tin “độc” của những kẻ chống phá và những người thiếu thông tin hoặc cố tình xuyên tạc để lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân, kích động tâm lý, kêu gọi biểu tình, bạo loạn dưới danh nghĩa phản đối, bảo vệ biển đảo, gây mất ANTT trong nước và tạo hình ảnh xấu trong mắt bạn bè quốc tế.

.

Thuỳ Anh

.