Thứ Năm, 17/10/2019, 14:46 [GMT+7]

Chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

(Congannghean.vn)-Bạo lực gia đình (BLGĐ) không phải là vấn đề mới nhưng chưa bao giờ hết nóng trong xã hội ngày nay. Nó không chỉ phá vỡ hạnh phúc, sự bền vững của gia đình mà còn làm xói mòn các giá trị đạo đức tốt đẹp. Khi BLGĐ xảy ra, không chỉ người chồng, người vợ phải gánh chịu hậu quả mà ngay cả những đứa con cũng phải chịu sự tổn thương nặng nề về tâm hồn. Thậm chí, những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến cảnh bạo hành hoặc trực tiếp bị bạo hành sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật. Vì vậy, phòng, chống BLGĐ đã không còn là trách nhiệm của 1 cá nhân, tổ chức riêng biệt nào mà rất cần sự chung tay của toàn xã hội.
Các đơn vị ký cam kết hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
Các đơn vị ký cam kết hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình
Những con số đáng báo động
 
Ngày 27/8 vừa qua, trên mạng xã hội facebook đăng tải 1 video gây phẫn nộ, bức xúc cho người xem. Theo đó, 1 phụ nữ đang bế con nhỏ bị chồng bạo hành, đấm đá túi bụi và liên tục chỉ tay chửi bới nhưng chỉ biết chịu trận, ôm chặt đứa con vào lòng. Lúc này, trong nhà còn có 1 phụ nữ khác và cậu con trai lớn (6 tuổi) chứng kiến. Người phụ nữ nói trên là chị V.T.T.L. (SN 1992). Chị L. kết hôn và sinh sống cùng chồng tại chung cư CT1B, Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội và mới sinh con được 2 tháng. Theo chia sẻ của anh trai chị L., trong quá trình chung sống, chị nhiều lần bị chồng bạo hành, tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên, chị giấu không cho ai biết. Nguyên nhân dẫn đến việc chị L. bị chồng đánh là do chị muốn mang tivi từ phòng khách vào phòng cậu con trai lớn nhưng không hỏi ý kiến chồng. Được biết, gia đình đã đưa nạn nhân đi giám định thương tích, làm các thủ tục pháp lý, yêu cầu luật sư bảo vệ quyền lợi, đồng thời làm đơn tố cáo vụ việc ra cơ quan chức năng.
 
Vụ việc nói trên chỉ là một trong rất nhiều vụ BLGĐ xảy ra trong thời gian qua. Một số liệu đáng báo động được đưa ra làm minh chứng cho thực tế này đó là 35% phụ nữ trên thế giới là nạn nhân của BLGĐ. Theo thống kê của các tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng hơn 30.000 vụ bạo hành gia đình xảy ra, riêng số trường hợp vợ bị chồng bạo hành chiếm 3/4, tức khoảng 60 vụ/ngày. Riêng tại Nghệ An, trong vòng 10 năm (từ 2008 - 2018) xảy ra 7.990 vụ BLGĐ, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi trên thực tế vẫn còn rất nhiều vụ BLGĐ mà vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chính những người trong cuộc lại không dám lên tiếng tố cáo hành vi đáng lên án này.
 
BLGĐ có 4 hình thức gồm: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Luật phòng, chống BLGĐ số 02/2007/QH12 của Quốc hội đã quy định, ngay khi sự việc xảy ra, người bị bạo hành lên tiếng, Chủ tịch phường hoặc xã ngay lập tức có quyền yêu cầu cấm tiếp xúc 3 ngày để đảm bảo an toàn cho người bị bạo hành. Người chồng sẽ bị khởi tố hình sự nếu tỉ lệ thương tật trên 11%, dưới 11% sẽ bị xử lý hình sự tội hành hạ người khác. Quy định là vậy, tuy nhiên số liệu thống kê cho thấy, chỉ khoảng một nửa số nạn nhân bị bạo hành chịu chia sẻ về hoàn cảnh của mình, còn lại là giấu kín.
 
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người trong cuộc ngại tâm sự, chia sẻ. Đó là do họ cảm thấy xấu hổ khi người khác phát hiện mình bị đánh đập; lo sợ nếu ly hôn, gia đình sẽ mất đi trụ cột về kinh tế, con cái sẽ không được chăm sóc, dạy dỗ, ăn học tử tế; hoặc nếu ly hôn người phụ nữ sẽ không giành được quyền nuôi con… Tuy nhiên, họ không nhận thức được rằng, chính sự nhẫn nhục, im lặng của mình càng làm cho tình trạng BLGĐ thêm phần nhức nhối và để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng về sau.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ là một trong những hình thức phòng, chống bạo lực gia đình mang lại hiệu quả
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ là một trong những hình thức phòng, chống bạo lực gia đình mang lại hiệu quả
 
Nỗ lực chung tay phòng, chống BLGĐ
 
Trong những năm qua, công tác phòng, chống BLGĐ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nghệ An, các tổ chức chính trị - xã hội và sự hưởng ứng nhiệt tình, hiệu quả của nhân dân trên địa bàn. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương sáng, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. UBND tỉnh cũng đã giao Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Hàng năm và từng giai đoạn, các đơn vị đã tập trung xây dựng và thực hiện tốt chiến lược, chương trình quốc gia về phòng, chống BLGĐ; trong đó nổi bật có các ngành: Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Hội liên hiệp Phụ nữ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Mặt trận Tổ quốc, Tỉnh đoàn và các địa phương: TP Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Yên Thành, Nghĩa Đàn, Quế Phong…
 
Xác định công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục là giải pháp hàng đầu trong triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền đã được đẩy mạnh cả trên các kênh truyền thông đại chúng và các buổi nói chuyện chuyên đề trực tiếp thông qua các hoạt động của các ngành, tổ chức đoàn thể trong toàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới; chiến lược, chương trình quốc gia và các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong những dịp truyền thông cao điểm như ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Quốc tế xóa bạo lực đối với phụ nữ và em gái (25/11), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ (tháng 6 hàng năm); xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về gia đình, phòng, chống BLGĐ. Qua đó, nhiều tấm gương người tốt, việc tốt về phòng, chống BLGĐ và những vấn đề tâm lý, xã hội liên quan được bàn luận tại các chuyên mục được nhân dân theo dõi sát sao và đồng tình ủng hộ.
 
Hướng dẫn cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền cổ động trực quan bằng pano, khẩu hiệu, tổ chức thi thể thao trò chơi giữa các gia đình, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng, kiến thức nuôi dưỡng, giáo dục con cái… Trong 10 năm (từ 2008 -2018), Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 4 cuộc thi từ cơ sở đến tỉnh gồm: Hội thi kịch ngắn, kịch vui cấp tỉnh với chủ đề phòng, chống BLGĐ (2009); Hội thi “Gia đình văn hóa và thể thao” (2011); tìm hiểu Luật Phòng, chống BLGĐ (2014); năm 2016 tổ chức hội thi Gia đình hạnh phúc, thu hút 300.000 lượt người tham gia.
 
Bên cạnh đó, tổ chức 60 cuộc tập huấn cấp tỉnh, biên soạn và phát hành 60 cuốn sổ tay về công tác gia đình; 5.000 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ; cấp phát 1.500 cuốn Luật Phòng, chống BLGĐ, 3.000 cuốn Luật Hôn nhân gia đình; in 6.025 tờ poster, 25.725 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống BLGĐ. Mỗi năm có hơn 480 chuyên mục, 2.200 tin, bài được phản ánh về phòng, chống BLGĐ thông qua đài truyền thanh cấp xã, huyện; đăng tải khoảng 500 tin, 350 bài, hơn 190 chuyên mục, 800 ảnh về đề tài gia đình, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, quyền trẻ em… nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, tháng 4/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn Nghệ An đến năm 2020, trong đó chọn UBND TX Cửa Lò và huyện Quỳ Hợp để thực hiện. Mục đích là nhằm nâng cao nhận thức về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc nhằm góp phần phát triển kinh tế, phòng, chống tệ nạn xã hội, xây dựng tỉnh nhà có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
 
Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ tại địa phương. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở để đảm bảo tốt vai trò tham mưu và thực hiện có hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp ngành, toàn thể cộng đồng về thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ.
 
Tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán các hủ tục lạc hậu, những việc làm tiêu cực, thiếu lành mạnh trong công tác phòng, chống BLGĐ. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp giữa các ngành, tổ chức, đoàn thể; thực hiện các hình thức ký cam kết, giao ước thi đua từng gia đình, bản làng, khối xóm, cơ quan, đơn vị… không có BLGĐ. Nhân rộng các mô hình, điển hình, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống BLGĐ.
.

Ngọc Anh

.