Thứ Ba, 12/11/2019, 08:47 [GMT+7]

Người cung cấp thông tin về chống tham nhũng sẽ được trả cao nhất là 10 triệu đồng

(Congannghean.vn)-Người cung cấp thông tin về phòng, chống tham nhũng sẽ được nhận một khoản tiền tương ứng với chất lượng thông tin, với mức từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án xảy ra tại BQL rừng phòng hộ huyện Yên Thành
Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án xảy ra tại BQL rừng phòng hộ huyện Yên Thành
Đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Quy định số 02-QĐ/BNCTU về việc mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng của Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An, được ban hành vào ngày 31/10/2019. Quy định này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền; trình tự, thủ tục tiếp nhận, xử lý thông tin để chi trả, hỗ trợ (mua tin) cho cá nhân thực hiện thu thập, cung cấp thông tin tố giác hành vi tham nhũng với Ban Nội chính Tỉnh ủy. Theo đó, Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tiếp nhận thông tin và chi tiền mua tin; Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy là người có thẩm quyền duyệt chi tiền mua tin và lãnh đạo, tổ chức thực hiện mua tin theo quy định này.
 
Người cung cấp tin được đảm bảo giữ bí mật tuyệt đối thông tin liên quan, khi có yêu cầu sẽ được Ban Nội chính Tỉnh ủy giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích. Cùng với đó, được nhận khoản tiền cung cấp tin tương ứng với chất lượng của tin, tài liệu (Mức chi trả thấp nhất là 500.000đồng/tin/vụ việc; mức chi trả cao nhất là 10.000.000 đồng/tin/vụ việc); được hướng dẫn để xét khen thưởng và tiếp cận các lợi ích khác theo quy định của Đảng, Nhà nước về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Đồng thời được đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ theo quy định pháp luật đối với người tố cáo tham nhũng khi có biểu hiện bị đe dọa, trả thù, trù dập.
 
Tùy theo mức độ, người cấp tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những thông tin, tài liệu không đúng sự thật, do tư thù cá nhân, nhằm mục đích vu khống, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức hoặc gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Người cấp tin có thể cung cấp thông tin đến Ban Nội chính Tỉnh ủy bằng văn bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp phản ánh, báo cáo với người có trách nhiệm tại trụ sở làm việc của Ban Nội chính Tỉnh ủy. Trong một diễn biến khác, sáng 31/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 31/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
 
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Luật gồm 10 chương, 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và những hành vi vi phạm pháp luật khác về phòng, chống tham nhũng. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có một số điểm cơ bản như về phạm vi điều chỉnh của Luật, quy định về phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu khi cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn khác; việc tặng quà, nhận quà tặng; việc thanh toán qua tài khoản…
 
Những nội dung cơ bản, điểm mới sửa đổi, bổ sung của Luật Tố cáo năm 2018 như: Bổ sung quy định về tố cáo nặc danh, rút gọn trình tự, thời gian giải quyết tố cáo từ 5 bước xuống 4 bước; cho phép rút tố cáo; quy định rõ về bảo vệ người tố cáo; tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Ngoài ra, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 cũng bổ sung trách nhiệm phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Cùng đó, không chỉ người có hành vi tham nhũng mà cả cơ quan, tổ chức có hành vi tham nhũng đều bị xử lý. 
.

THIÊN THẢO

.