Thứ Tư, 10/07/2019, 09:24 [GMT+7]
Đề xuất đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng

Cần có lộ trình thực hiện

(Congannghean.vn)-Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý phương tiện giao thông đường bộ, vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, đang nghiên cứu sửa đổi 4 điểm khi đăng ký xe. Trong đó, đề xuất việc mỗi chủ xe khi mua xe, đăng ký xe phải cung cấp số tài khoản ngân hàng và có số tiền nhất định để áp dụng việc xử phạt vi phạm giao thông đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Xung quanh vấn đề này, nhiều người dân cho rằng, cần có lộ trình và phải nghiên cứu kỹ lưỡng để áp dụng đạt hiệu quả cao.

Cán bộ CSGT hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký phương tiện
Cán bộ CSGT hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký phương tiện

Cần phải khẳng định rằng, nếu đề xuất đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng được áp dụng vào thực tiễn sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, việc xử phạt đảm bảo công bằng, đúng quy định của pháp luật. Do đó, khi chủ xe có tài khoản ngân hàng mà vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nếu chủ xe không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế là khấu trừ tiền tài khoản. Chủ xe có tài khoản ngân hàng khi vi phạm, tâm lý biết trước nếu không chấp hành việc nộp phạt thì sẽ bị khấu trừ tài khoản ngân hàng, vì thế, việc tự nguyện chấp hành nộp phạt và hiệu quả trong công tác xử phạt sẽ cao hơn. Qua đó, ngày càng nâng cao được ý thức tự giác của quần chúng nhân dân khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, nếu đề xuất này được áp dụng thì sẽ hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng thi hành công vụ và người vi phạm, từ đó tăng tính minh bạch, hạn chế tiêu cực; đồng thời, giảm bớt các vụ việc chống người thi hành công vụ như đã từng xảy ra trong thời gian qua.

Thực tế cho thấy, hiện nay, việc đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng đã được các nước phát triển trên thế giới áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý xã hội của Chính phủ các nước. Do đó, chủ trương này là phù hợp với xu thế và quy định quốc tế. Đây được xem là xu thế phát triển trong tương lai của xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, để đề xuất nói trên đi vào thực tiễn và đạt hiệu quả cao thì vẫn còn rất nhiều khó khăn mà lực lượng chức năng cần quan tâm giải quyết. Theo đó, từ trước đến nay, sự thuận tiện và thói quen dùng tiền mặt của một bộ phận người dân là rất lớn. Thêm vào đó là tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán, đặc biệt là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, người lao động phổ thông, người gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe cùng với tâm lý e ngại vấn đề đảm bảo, an ninh an toàn khi thanh toán tài khoản qua ngân hàng. Hơn nữa, nhìn chung ở Việt Nam, tỉ lệ thanh toán điện tử, giao dịch qua tài khoản ngân hàng vẫn còn khá thấp. Đó là chưa nói đến việc đối với những tài khoản ngân hàng không hoạt động trong thời gian vài tháng, ngân hàng sẽ đóng tài khoản lại. Và tất nhiên, cho dù tài khoản có tiền trong ngân hàng thì cũng rất khó để ràng buộc số tiền đó bị phong toả không được rút ra khỏi ngân hàng. Còn trường hợp nếu người dân không có số tài khoản mà bị cấm không được đăng ký xe là trái với Hiến pháp.

Ngoài ra, khung pháp lý đối với vấn đề này cần phải có sự nghiên cứu và hoàn thiện hơn để đảm bảo sự hợp lý và minh bạch. Điển hình như việc tài khoản phải có tối thiểu bao nhiêu tiền, số tiền để trong tài khoản có được tính lãi suất % theo lãi suất tiền gửi của ngân hàng hay không, hay mỗi lần người vi phạm bị trừ tiền thì có bị trừ phí dịch vụ của ngân hàng như các giao dịch khác?

Theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính; cá nhân, tổ chức bị phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Thực tế cho thấy, trong những trường hợp chủ xe cho người khác mượn xe, người mượn xe lại vi phạm Luật Giao thông đường bộ thì rõ ràng, việc xác minh để xác định người điều khiển phương tiện, người vi phạm gặp nhiều khó khăn. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, trong trường hợp này, nếu phạt chủ xe bằng việc khấu trừ vào tài khoản của họ thì lại không đúng quy định và chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng có rất nhiều phương tiện đang được lưu hành nhưng không phải do chính chủ. Bởi vậy khi những người này vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng họ lại không đóng phạt thì chắc chắn giữa các trường hợp sẽ không có được sự công bằng cần thiết.

Ngoài ra, nếu đề xuất đăng ký phương tiện phải có tài khoản ngân hàng được áp dụng vào thực tiễn thì chắc chắn rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan như: Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính... Trước những vấn đề đặt ra như thế, đã có rất nhiều ý kiến đề xuất việc có thể nghiên cứu áp dụng thí điểm đối với phương tiện ôtô trước, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá và triển khai đối với tất cả các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe máy, xe máy điện...

Có thể nói, bất kỳ một quy định hay đề xuất nào cũng đều hướng đến mục đích thuận tiện, hiệu quả trong quá trình thực thi pháp luật và nhằm mang lại sự công bằng, ổn định trong xã hội. Tuy nhiên, để áp dụng nó vào thực tiễn thì chắc hẳn sẽ còn nhiều vấn đề cần phải bàn và việc đề xuất đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng cũng như thế. Để triển khai hiệu quả quy định nêu trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho rằng, lộ trình sắp tới cần tạo ra hành lang pháp lý, trong đó điển hình là việc thay đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. Cùng với đó, cần mở rộng chế tài liên quan đến áp dụng việc tịch thu tang vật vi phạm để đảm bảo cho cơ chế thi hành các quy định vi phạm hành chính mà người vi phạm không thực hiện về sau.

Liên quan đến vấn đề này, theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT cho biết, việc bắt buộc chủ xe khi đăng ký phải có tài khoản sẽ rất thuận lợi cho việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, tuy nhiên Việt Nam chưa thể làm ngay mà cần được cơ quan có thẩm quyền quyết định, có khung pháp lý hoàn chỉnh và phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Đây mới là định hướng cho tương lai, Cục xin đề xuất để xin ý kiến. Nếu nhận được nhiều sự đồng tình và có khung pháp lý rõ ràng mới bắt tay xây dựng chứ chưa bổ sung ngay để áp dụng.

.

Ngọc Anh

.