Thứ Sáu, 11/10/2019, 08:25 [GMT+7]
Giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh

Chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh mặc dù đã được quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả tác động chưa cao. Nhận thức của học sinh về những quy định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) vẫn còn hạn chế, chưa hình thành thái độ tích cực và thói quen chấp hành đúng luật. Trước thực tế đó, để đảm bảo ATGT một cách bền vững, một yêu cầu đặt ra đó là cần phải nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng và có hệ thống trong trường học.

Phối hợp với lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho học sinh là hình thức được nhiều trường học tăng cường thực hiện trong thời gian qua
Phối hợp với lực lượng CSGT tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho học sinh là hình thức được nhiều trường học tăng cường thực hiện trong thời gian qua

Thực tế cho thấy, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu đóng gần các trục quốc lộ, tỉnh lộ và các trục đường chính của phường, xã - nơi có nhiều phương tiện qua lại. Vì thế, vấn đề giao thông luôn phức tạp, đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn và gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường.

Hiện nay, ý thức chấp hành các quy định về ATGT của học sinh tuy có chuyển biến tích cực nhưng tính tự giác chưa cao và chưa bền vững. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành. Hình thức tuyên truyền còn rập khuôn, máy móc, chủ yếu là theo phương pháp truyền thống như: Tuyên truyền qua hệ thống văn bản, bảng tin, loa phát thanh; học tập Luật GTĐB lồng ghép vào chương trình giảng dạy môn Giáo dục công dân; ký cam kết không vi phạm TTATGT... Đặc điểm của các phương pháp này là có thể triển khai trên diện rộng và truyền tải được nhiều nội dung. Tuy nhiên, qua khảo sát các đối tượng học sinh cho thấy, hầu hết các em không mấy hứng thú với phương pháp này.

Trước tình hình đó, để công tác giáo dục pháp luật về TTATGT mang lại hiệu quả cao, một số trường học đã đổi mới phương pháp tuyên truyền thông qua hoạt động ngoại khóa và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, điển hình là hình thức sân khấu hóa biểu diễn trong các giờ chào cờ đầu tuần. Nhà trường sẽ phân công lớp trực tuần hoặc lớp có khả năng về chủ đề giáo dục Luật GTĐB bằng hình thức sân khấu hóa. Lớp sẽ đưa ra tình huống, xây dựng kịch bản và duyệt với Ban ATGT của nhà trường. Vấn đề xử lý tình huống có thể do diễn viên trực tiếp xử lý hoặc do học sinh tham dự đưa ra ý kiến. Với mỗi buổi trình diễn, chỉ chú trọng vào một hoặc hai tình huống, chủ đề để học sinh nhớ và có dấu ấn thực sự.

Bên cạnh đó, nhiều trường còn tổ chức các game show với nội dung về ATGT, thu hút đông đảo học sinh tích cực tham gia. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật GTĐB bằng hình thức viết, trắc nghiệm trực tuyến, tiêu biểu là chương trình ATGT với nụ cười ngày mai.

Ngoài các phương pháp nói trên, việc đổi mới giảng dạy pháp luật tại các giờ học Giáo dục công dân cũng được chú trọng thực hiện. Trong đó, yêu cầu giáo viên thay đổi phương án cho học sinh tiếp cận kiến thức về Luật GTĐB thông qua các tình huống cụ thể do giáo viên hướng dẫn và học sinh thể hiện thông qua hình thức phân vai, hỏi đáp, phỏng vấn, thuyết trình... Phương pháp đưa xử lý tình huống vào giáo dục ATGT giúp học sinh đưa ra cách ứng xử phù hợp với quy định của pháp luật về ATGT. Qua đó, giúp học sinh củng cố kiến thức đã học và làm quen với kỹ năng vận dụng liên hệ vào thực tiễn đời sống; đồng thời, quen với yêu cầu thể hiện quan điểm của bản thân trước các tình huống ATGT, rèn luyện ý thức, kiến thức đúng đắn cho các em.

Một phương pháp nữa không thể không nhắc đến đó là sử dụng fanpage của trường; tuyên truyền qua hệ thống tranh ảnh có nội dung liên quan đến các vi phạm TTATGT, tai nạn giao thông... Kết hợp với đội tuyên truyền của Công an các huyện, thành, thị hoặc Phòng CSGT tổ chức triển lãm bộ ảnh tuyên truyền ATGT trong nhà trường để có những hình ảnh trực quan nhằm nâng cao ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông.

Với sự cố gắng, nỗ lực thông qua các giải pháp thiết thực, ý nghĩa, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục ATGT trong trường học đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình trạng học sinh vi phạm, ùn ứ trước cổng trường giảm hẳn; các em có ý thức hơn trong việc chấp hành Luật GTĐB như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, không chở quá số người quy định...

.

Ngọc Anh

.