Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201705/dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-cuoc-chien-dai-lau-phuc-tap-739011/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201705/dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-cuoc-chien-dai-lau-phuc-tap-739011/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Cuộc chiến dài lâu, phức tạp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 23/05/2017, 07:39 [GMT+7]

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Cuộc chiến dài lâu, phức tạp

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế - xã hội, đối ngoại, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự, an toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không có vùng cấm, ngoại lệ - Tranh minh họa
Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ không có vùng cấm, ngoại lệ - Tranh minh họa

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh xem tham ô, tham nhũng, lãng phí là căn bệnh “tứ chứng nan y” của các nhà nước. Người nhấn mạnh: “Tham ô là trộm cắp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”. Sự hoành hành của tệ nạn tham nhũng, lãng phí không chỉ làm suy giảm uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống mọi mặt của nhân dân lao động, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng cầm quyền. Những vụ việc tham nhũng mà cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trong thời gian qua cho thấy tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh này.

Một trong những vụ án tham nhũng gây chấn động dư luận trong thời gian qua là vụ tham ô của Lã Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Tiếp thị đầu tư Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, Oanh được sự giúp đỡ của một số quan chức, cán bộ trong Công ty đã cố ý làm trái, tham ô gây thiệt hại cho Nhà nước trên 100 tỉ đồng. Kết thúc vụ việc, Lã Thị Kim Oanh bị tuyên án tử hình, 2 nguyên Thứ trưởng và 2 nguyên Vụ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải nhận án tù giam.

Hay như vụ tiêu cực tại Công ty Tamexco, Giám đốc Phạm Huy Phước và các đối tượng liên quan đã đưa và nhận hối lộ, gây thất thoát gần 100 tỉ đồng của Nhà nước. Phạm Huy Phước và 1 đối tượng khác đã bị tử hình. Rồi hàng loạt sai phạm tại Tổng Công ty TNHH MTV vận tải viễn dương Vinashin, Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).

Trong suốt thời gian qua, cơ quan chức năng các cấp và các tổ chức, đoàn thể đã kịp thời phát hiện nhiều vụ việc tham nhũng, tham ô phức tạp. Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố 3.337 vụ án/7.789 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân truy tố 2.770 vụ án/6.480 bị can; Tòa án nhân dân xét xử 2.536 vụ án/5.749 bị cáo về các tội danh tham nhũng.

Trong buổi tiếp xúc cử tri vào ngày 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Gần đây, Trịnh Xuân Thanh và một loạt đồng phạm đang được làm rõ, như thế để thấy chúng ta cố gắng làm từng bước. Nhưng nghiêm túc mà nói, còn nhiều việc phải làm, nhiều cái chưa hài lòng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh gian khổ, kiên trì, kiên quyết, tham nhũng tiêu cực ở nước nào, thời kỳ nào cũng có. Chúng ta xử lý nghiêm nhưng phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; đồng thời, luật pháp của chúng ta rất nhân văn, mở đường cho người ta tiến, “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”.

Cũng trong vòng 10 năm qua, thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra được phát hiện là 59.750 tỉ đồng và trên 400 ha đất, số tiền đã thu hồi cho Nhà nước là 4.676,6 tỉ đồng và trên 219 ha đất. Sự quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta thể hiện rõ trong thời gian qua.

Theo đó, trong nhiệm kỳ Đại hội X, các cấp ủy Đảng đã kiểm tra hơn 1 triệu đảng viên, phát hiện gần 12.000 đảng viên vi phạm, thi hành kỷ luật hơn 3.000 trường hợp; kiểm tra trên 180.000 đảng viên, phát hiện hơn 6.000 tổ chức Đảng có vi phạm, xử lý kỷ luật 163 tổ chức. Trong 10 năm, cả nước đã có 918 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp quản lý, phụ trách.

Vấn đề sử dụng lãng phí tài sản, xe công cũng gây chú ý dư luận trong thời gian qua. Từ năm 2015, thực hiện các quy định mới về tiêu chuẩn, định mức, chế độ trang bị, sử dụng xe ôtô công, xe ôtô dùng chung tại mỗi cơ quan, đơn vị chỉ còn từ 1 - 2 chiếc. Dự kiến số lượng xe ôtô phục vụ công tác chung sau khi sắp xếp lại theo quy định sẽ dôi ra khoảng 7.000 chiếc, sẽ được điều chuyển cho các cơ quan, đơn vị còn thiếu so với tiêu chuẩn, định mức hoặc bán, thu tiền nộp ngân sách Nhà nước.

Quy định này được đánh giá là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài sản công (trong đó có xe ôtô công), tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê/khoán. Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả, tiết kiệm mà nhiều nước đang áp dụng. Người dân cũng mong muốn, các cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay hơn, không chỉ đối với cá nhân khi mua sắm, sử dụng xe công không đúng tiêu chuẩn, định mức, chủng loại mà còn phải xử lý trách nhiệm đối với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm đó.

Đảng ta xác định, trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực phản động trong và ngoài nước đang ra sức đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cùng với đó là “tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu… chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” thì việc động viên nhân dân phát huy vai trò tích cực trên mặt trận phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã và đang trở thành yêu cầu mang tính cấp thiết; đồng thời, cần xác định một cách thống nhất: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách.

Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa bao giờ thôi phức tạp. Tham nhũng là vấn đề không của riêng đất nước, quốc gia nào. Những kết quả trong đấu tranh chống tham nhũng được phát hiện đã cho thấy quyết tâm của Đảng ta. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các đối tượng xấu, thế lực thù địch núp danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền” lợi dụng triệt để vấn đề tham nhũng ở nước ta để xuyên tạc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Thông qua đó, phủ nhận những nỗ lực, sự quyết liệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã và đang chỉ đạo. Vì thế, trong cuộc đấu tranh này, ngoài việc phát huy vai trò giám sát của các tổ chức, đoàn thể, người dân cũng đóng vai trò rất quan trọng. Có như vậy, mới tạo sự đồng thuận trong xã hội, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch.

.

Tuệ Trang

.