Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201904/nan-mua-ban-nguoi-van-nhuc-nhoi-o-vung-bien-849355/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201904/nan-mua-ban-nguoi-van-nhuc-nhoi-o-vung-bien-849355/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nạn mua bán người vẫn nhức nhối ở vùng biên - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 15/04/2019, 09:44 [GMT+7]

Nạn mua bán người vẫn nhức nhối ở vùng biên

(Congannghean.vn)-Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Tương Dương, tình trạng mua bán người qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến tình hình ANTT tại địa phương. Điều đặc biệt, tội phạm mua bán người có sự góp mặt của chính một số nạn nhân đã từng bị lừa bán.

2 đối tượng mua bán người Lương Văn Khăm và Vi Thị Lý
2 đối tượng mua bán người Lương Văn Khăm và Vi Thị Lý

Thủ đoạn lừa gạt tinh vi

Các đối tượng mua bán người trên địa bàn huyện Tương Dương đều đang làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc, sau đó cấu kết với một số đối tượng trên địa bàn và huyện Kỳ Sơn để thiết lập các đường dây mua bán người. Bọn chúng tổ chức đường dây rất tinh vi và nhắm vào các đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái, đưa qua Trung Quốc bán để lấy chồng hoặc bán vào các động mại dâm. Để dụ dỗ được các nạn nhân, bọn chúng vẽ ra viễn cảnh về cuộc sống sung sướng ở bên kia biên giới, làm việc với lương cao để lừa gạt người dân.

Các nạn nhân phần lớn là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, có đời sống kinh tế khó khăn, đặc biệt là không có công ăn việc làm. Nhu cầu đòi hỏi về đời sống vật chất đã đưa đẩy họ đến chỗ bị rủ rê, lừa phỉnh đem bán. Những phụ nữ đã “quá lứa lỡ thì”, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn; đua đòi ăn chơi; số em gái có tư tưởng thoát ly… cũng là những đối tượng mà bọn mua bán người hay nhắm tới.

Như trường hợp của chị Lữ Thị Q. (SN 1967) trú tại bản Huồi Xén, xã Yên Na, huyện Tương Dương, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Nắm bắt tâm lý “tìm việc làm” của chị Q., đối tượng Lương Văn Khăm (SN 1987) trú tại bản Hồng Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn đã cấu kết với đối tượng Vi Thị Lý (SN 1973) trú tại bản Na Khốm, xã Yên Na, huyện Tương Dương để tiếp cận và dụ dỗ chị Q. có công ty ở Trung Quốc đang tuyển công nhân với mức lương cao. Tin tưởng người phụ nữ cùng xã, chị Q. đồng ý sang Trung Quốc làm việc.

Tuy nhiên, khi sang bên xứ người, chị Q. bị các đối tượng này bán cho 1 người đàn ông Trung Quốc để lấy làm vợ. Do bất đồng ngôn ngữ và phải làm vợ một người đàn ông xa lạ, cuộc sống nơi xứ người của chị Q. là những ngày tháng sống trong bức bối, khó khăn đủ bề. Sau một thời gian học được tiếng Trung Quốc, chị mới được người chồng kể lại là được mẹ của Lương Văn Khăm (hiện đang sinh sống và lấy chồng ở Trung Quốc) bán với số tiền 2,5 vạn nhân dân tệ (tương đương 70 triệu đồng Việt Nam). Sau một thời gian sinh sống với người chồng, chị sinh được 2 người con, dần dần được chồng và gia đình chồng tin tưởng cho đi ra ngoài, được sử dụng điện thoại… Tuy nhiên, vì nhớ nhà, nhớ con ở quê nên vào khoảng tháng 1/2018, lợi dụng sơ hở từ phía nhà chồng, chị Q. đã bỏ trốn trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình.

Tương tự, em Bùi Thị D. (17 tuổi) trú tại xã Nga My, huyện Tương Dương bị người quen lừa bán vào một động mại dâm tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) vào tháng 1/2018. Do còn nhỏ và bị chủ ép tiếp khách nhiều nên D. tìm cách gọi điện về nhà cầu cứu. Nhận được thông tin, Công an huyện Tương Dương đã phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An và Cảnh sát Trung Quốc giải cứu D. đưa về nhà.

Nguy cơ tiềm ẩn cao

Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2018, trên địa bàn huyện Tương Dương đã xảy ra 13 vụ mua bán người. Cơ quan điều tra đã phát hiện, khởi tố điều tra 8 vụ, 13 đối tượng phạm tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép; phát hiện, triệt xóa 6 đường dây, giải cứu 16 nạn nhân bị mua bán và tập trung xác minh 8 đường dây nghi hoạt động mua bán phụ nữ, trẻ em.

Thượng tá Trần Phúc Tú, Trưởng Công an huyện Tương Dương cho biết: Tình hình mua bán người của tỉnh Nghệ An nói chung, khu vực biên giới huyện Tương Dương nói riêng có nhiều diễn biến khá phức tạp. Qua một số vụ mua bán người được các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An cũng như huyện Tương Dương khám phá trong thời gian gần đây cho thấy, các đối tượng mua bán người liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu không hề xuất đầu lộ diện mà chỉ liên lạc với nạn nhân qua điện thoại. Ngoài thủ đoạn tinh vi trên, thời gian gần đây, đơn vị đã đấu tranh, phát hiện ra nhiều “chiêu trò” mới của các đối tượng. Chúng lên mạng xã hội “chát” làm quen, tự giới thiệu là những nhân vật “có địa vị xã hội” với các cô gái nhẹ dạ, cả tin ở vùng sâu, vùng xa. Sau đó, dùng vật chất, “tình cảm” dụ dỗ lừa nạn nhân sang Trung Quốc để bán. Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện, điều tra, bắt giữ 3 vụ, 4 đối tượng, giải cứu 3 nạn nhân.

Qua công tác xác minh, Công an huyện nắm được trên địa bàn huyện có khoảng gần 300 phụ nữ và trẻ em hiện không có mặt tại địa phương. Riêng xã Nga My có hơn 150 trường hợp vắng mặt không rõ lý do. Đa số những gia đình có người thân bị mua bán hoặc trở thành tội phạm mua bán người đều có hoàn cảnh khó khăn... Một số nạn nhân từng bị dụ dỗ, lừa bán sang Trung Quốc, may mắn bỏ trốn được về Việt Nam, song do nhận thức pháp luật hạn chế (không nhận thức được là do các đối tượng dụ dỗ bán sang Trung Quốc), một phần các nạn nhân lo sợ bị các đối tượng trả thù, mặt khác một số nạn nhân khi trở về vì mặc cảm, không đến trình báo hoặc tố giác tội phạm để những tên tội phạm mua bán người tiếp tục phạm tội.

Lấy phòng ngừa là chính

Để ngăn chặn hoạt động mua bán người trên tuyến biên giới huyện Tương Dương, thời gian qua, Công an huyện đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con hiểu phương thức, thủ đoạn của các đối tượng mua bán người; đề cao cảnh giác, không bị mua chuộc, lôi kéo vào đường dây của bọn chúng. Cùng với đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các địa bàn trọng điểm phức tạp về ANTT để phát hiện tội phạm mua bán người; phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng ngăn chặn kịp thời, hiệu quả với tội phạm mua bán người.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng, chống tội phạm mua bán người. Các đối tượng mua bán người thường đi đến các bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn về kinh tế để tìm những phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; hạn chế về hiểu biết xã hội, không có việc làm ổn định. Với thủ đoạn tạo lòng tin, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao hoặc lấy làm vợ, có cuộc sống sung sướng..., sau đó, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép qua biên giới bằng các hình thức khác nhau. Hậu quả rủi ro đến với người bị lừa bán qua biên giới là rất lớn. Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp bị bắt giữ; ngược đãi, bán vào các động mại dâm... Rất nhiều trường hợp không có cơ hội quay về nhà.

Các cấp chính quyền trên địa bàn huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác cho đồng bào các dân tộc; nắm bắt và quản lý thường xuyên số lượng người đi và đến tại địa bàn để kịp thời ngăn chặn tình trạng mua bán người, mang lại bình yên cho mọi người dân.

.

Cao Loan

.