Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201905/thuc-hien-luat-tre-em-2016-tang-cuong-cac-bien-phap-cham-soc-bao-ve-tre-em-852989/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phap-luat/dien-dan-phap-luat/201905/thuc-hien-luat-tre-em-2016-tang-cuong-cac-bien-phap-cham-soc-bao-ve-tre-em-852989/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 08/05/2019, 10:16 [GMT+7]
Thực hiện Luật Trẻ em 2016

Tăng cường các biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em

(Congannghean.vn)-Luật Trẻ em 2016 chính thức có hiệu lực từ năm 2017 đã đánh dấu bước chuyển trong thực hiện quyền trẻ em. Sau 2 năm triển khai thực hiện Luật, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (BVTE) trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, trẻ em được tạo mọi điều kiện thực hiện các quyền cơ bản. Song, thực tế cũng đặt ra nhiều vấn đề như nạn bạo hành, xâm hại trẻ em, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả xã hội.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các ban, ngành, tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực của các ban, ngành, tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm

Nghệ An có tổng dân số trên 3,1 triệu người, trong đó trẻ em có gần 800.000 em, chiếm 26,5% dân số. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là gần 14.000 em, chiếm 1,8%; 74.599 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Nhận thức rõ vai trò của trẻ em đối với sự phát triển của xã hội, công tác trẻ em ngày càng được tỉnh quan tâm; các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác trẻ em được lồng ghép trong các kế hoạch, đề án phát triển KT-XH của tỉnh như chỉ tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em… Đặc biệt, qua 2 năm thực hiện Luật Trẻ em 2016, công tác chăm sóc, BVTE trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.

Để Luật phát huy hiệu lực, hiệu quả trong đời sống, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trẻ em đã được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong đó, có nhiều hoạt động nổi bật như: Diễn đàn trẻ em cấp xã, huyện, tỉnh; các cuộc thi với thông điệp “Hãy lên tiếng để BVTE khỏi xâm hại tình dục”, tuyên truyền và giới thiệu Tổng đài BVTE đến tận cơ sở và cộng tác viên làm công tác BVTE ở khối, xóm, bản. Cùng với đó, nhiều phong trào đã được triển khai và duy trì tốt như: Kế hoạch nhỏ, vòng tay bè bạn, quỹ Vì bạn nghèo, nuôi heo đất giúp bạn tới trường… Những chương trình hiệu quả, ý nghĩa như: Vì đàn em thân yêu, Học kỳ trong quân đội, Em nuôi của Đoàn, Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Việt Nam… cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng.

Trong 2 năm qua, hàng nghìn suất quà trị giá hàng chục tỉ đồng đã được trao tặng cho các em thiếu nhi người dân tộc thiểu số, học sinh nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thực hiện công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo 100% Hội đồng Đội các huyện, thành, thị chủ động tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em; chỉ đạo và phát động đồng loạt 950 Liên đội trường học và 481 xã, phường, thị trấn tổ chức chương trình “Hãy lên tiếng” phòng, chống xâm hại tình dục, phòng tránh tai nạn thương tích ở trẻ em…

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật về trẻ em, việc nâng cao năng lực thực hiện quyền trẻ em cho cán bộ làm công tác trẻ em của các cấp, ngành, địa phương và cộng tác viên trẻ em, các bậc cha mẹ của trẻ cũng được chú trọng. Trong đó, Công an tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn, 4 hội nghị chuyên đề cho 645 lượt cán bộ, lãnh đạo chủ chốt, cán bộ hội phụ nữ, cán bộ làm công tác trẻ em Công an các đơn vị, địa phương; phối hợp tổ chức hơn 300 buổi tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống xâm hại trẻ em gắn với Luật Trẻ em trên địa bàn.

Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, địa phương, việc thực hiện Luật Trẻ em trên địa bàn tỉnh trong 2 năm qua đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng. Tỉ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc năm 2017 đạt 90%, năm 2018 tăng lên 92%; 100% số trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại nguy hiểm được tư vấn và trợ giúp. Số trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện và trợ giúp kịp thời, tái hòa nhập cộng đồng ngày càng tăng. Nhiều mô hình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được xây dựng như mô hình “Xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ BVTE và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng” tại 10 huyện; mô hình “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong trường học” tại 8 huyện. Nhờ thực hiện có hiệu quả các mô hình trên, các quyền trẻ em được đảm bảo, góp phần ngăn ngừa trẻ bị bạo lực, ngược đãi, rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Trẻ em ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng
Trẻ em ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng

Thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 108 hội thi, 175 diễn đàn trẻ em các cấp, 24 lượt cắm trại, 887 hoạt động khác như lớp năng khiếu vẽ, múa hát, thu hút 180.471 trẻ em tham gia. Liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý cho trẻ em, trong 2 năm qua, Sở Tư pháp đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 163 đối tượng (gồm cả trẻ em và người chưa thành niên); trong đó, thực hiện bằng hình thức tư vấn 47 trường hợp, tham gia tố tụng 134 trường hợp. Về công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em, trẻ em ngày càng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và công bằng. Đặc biệt, công tác y tế trường học được quan tâm đẩy mạnh, với việc kiểm tra sức khỏe trẻ hàng tháng, triển khai chương trình bữa ăn trường học, phòng, chống dịch bệnh…

Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa giáo dục, hiện đại hóa cơ sở vật chất trường học cũng được thực hiện hiệu quả. Các loại hình trường lớp giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật được chú trọng; số học sinh khuyết tật tại các địa phương đến trường tăng hàng năm. Cùng với đó, chất lượng phổ cập, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh được khẳng định bền vững. Công tác huy động nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng nhận được sự quan tâm, vào cuộc của các ban, ngành, tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm… Trong 2 năm qua, toàn tỉnh đã huy động được gần 49,6 tỉ đồng; trong đó phần lớn dùng để trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với nhiều hoạt động như phẫu thuật, hỗ trợ học bổng, thiết bị vui chơi, dạy nghề, bảo hiểm…

Đối với đối tượng trẻ em vi phạm pháp luật, công tác quản lý đối với nhóm đối tượng này đã được Công an tỉnh phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ban, ngành đẩy mạnh thực hiện. Công an tỉnh cũng đã tập trung làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nhất là những đối tượng có tiền án, tiền sự về các hành vi xâm hại trẻ em; đồng thời tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Theo đó, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2018, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 39 vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em; phát hiện, điều tra, xử lý 103 trẻ em vi phạm pháp luật; 23 trẻ nghiện ma túy. Đồng thời, phối hợp xác minh, giải cứu 6 vụ mua bán trẻ em, trao trả 7 cháu về với gia đình. 100% vụ việc liên quan đến trẻ em được phát hiện đều xử lý kịp thời, đảm bảo đúng người, đúng tội, không để xảy ra sai phạm, khiếu nại, tố cáo.

Một kết quả đáng ghi nhận khác trong 2 năm thực hiện Luật Trẻ em trên địa bàn tỉnh là tiếng nói của trẻ em ngày càng được quan tâm. Theo đó, định kỳ hàng quý đều tổ chức các hoạt động lấy ý kiến tham gia của trẻ em đối với các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, địa phương, đơn vị; các chương trình, kế hoạch công tác lớn của Đoàn, Đội các cấp có liên quan đến các em. Định kỳ 6 tháng một lần tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của trẻ để đề nghị các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết…

Có thể khẳng định, với sự vào cuộc tích cực, tỉnh Nghệ An đang từng bước đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống. Để Luật phát huy vai trò, hiệu quả thực tiễn hơn nữa, thời gian tới, song song với công tác tuyên truyền, cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, tạo sự đồng bộ, thống nhất để thực hiện có hiệu quả công tác trẻ em. Cùng với đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp, nhất là ở cơ sở đảm bảo trình độ để trở thành những “cánh tay nối dài” tuyên truyền, giám sát việc thực hiện những nội dung của Luật Trẻ em tại cộng đồng dân cư…

.

Thùy Dương

.