Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/linh-thieng-ben-dong-mai-giang-443282/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/linh-thieng-ben-dong-mai-giang-443282/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Linh thiêng bên dòng Mai Giang - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 20/01/2014, 08:53 [GMT+7]

Linh thiêng bên dòng Mai Giang

(Congannghean.vn)-Nằm trên cung đường thiên lý Bắc - Nam, nay sát QL1A, tọa lạc tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai có một ngôi đền, chùa thờ tự đủ: Vua, Mẫu, Phật, Thánh từ thời hậu Lê của hàng trăm năm về trước. Nép mình bên dòng Mai Giang thơ mộng, những năm cuối thế kỷ XX, người dân trong vùng và các nhà hảo tâm xa gần đã chung tay cung tiến, phục dựng dựa theo kiến trúc cổ của hệ thống đền, chùa Bình An - Bảo Minh, trả lại nơi linh thiêng thờ tự xưa cũ của nhiều thế hệ cha ông.
 
Theo sử cũ ghi lại, đền Bình An và chùa Bảo Minh đã từng tồn tại hàng trăm năm bên dòng Mai Giang và con đường thiên lý Bắc - Nam nên đã từng chứng kiến những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc qua các thời kỳ. Đến nay, chưa có sử sách nào ghi chính xác niên đại của cụm di tích này, nhưng dấu ấn đậm nét nhất được ghi chép thành văn bằng việc tại khu vực đền, chùa đã từng là nơi trú quân của Lê Lợi khi dấy binh đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, quân của Quang Trung khi tiến ra Bắc dẹp loạn nhà Thanh nên nhiều công trình cũ vẫn còn như: giếng Kỵ, bến đò Cái (cầu Hoàng Mai sau này). Theo đó, đền Bình An và chùa Bảo Minh được xem là cụm di tích được nhân dân tôn thờ cả thiên thần, nhân thần, Phật và Mẫu.
 
Cũng theo truyền thuyết kể lại, sau khi dẹp xong giặc nhà Minh, sau khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, tức là vua Lê Thái Tổ (1428) đã cho tu sửa đền Bình An và chính Nguyễn Trãi đã viết bức đại tự “Thiên địa hợp đức” để tặng cho đền. Đền có kết cấu kiến trúc cổ nhưng còn khá nguyên vẹn, từ các vì kèo gỗ, các nét chạm khắc trang trí trên bờ mái hiên hay điêu khắc trên các bức tường giắc, cột nanh với những tượng hộ pháp, ngựa chiến, nghê chầu… đều mang vẻ đẹp của một thời. Cùng với tâm nguyện thờ cúng của nhân dân hàng trăm năm qua thì ý nghĩa lịch sử đó đã mang đậm giá trị văn hóa sâu sắc trong lòng dân tộc. Chính sự tồn tại của cụm di tích đền Bình An và chùa Bảo Minh đã minh chứng cho một vùng đất cổ đã tồn tại, con người dựng nghiệp tại đây.
 
Đền Bình An được phục dựng theo nguyên trạng kiến trúc cũ
Đền Bình An được phục dựng theo nguyên trạng kiến trúc cũ
Đến nay, tại cụm di tích đền Bình An và chùa Bảo Minh với quy mô không lớn nhưng vẫn còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ có giá trị như bia đá, sắc phong của các thời kỳ, câu đối, đại tự, chuông đồng, kiệu mai luyện cùng pho tượng Đức Thánh Huyền Thiên Trấn Bắc Chân Vũ đế quân và hệ thống tượng Phật, tượng Bồ tát. Đây chính là những hiện vật, linh hồn của di tích nhằm minh chứng cho tiêu chuẩn đánh giá giá trị lịch sử văn hóa. Mặt khác, với niên đại hàng trăm năm bên dòng Mai Giang đã vun đắp, tạo bề dày truyền thống văn hóa, văn vật cho cả một vùng Hoàng Mai ngày nay. Với nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tiềm thức của người dân trong vùng Mai Giang, đền còn là nơi giáo dục con người hướng thiện, biết tri ân những bậc tiền nhân đã có công với dân, với nước, những bậc đại thần từng học hành đỗ đạt giúp ích dân tộc. Với khát vọng bình yên, cuộc sống của người dân được no ấm, trải qua nhiều cung bậc của lịch sử phát triển, cụm di tích này còn là nơi để người dân cầu mong sự đoàn kết, yêu thương giống nòi và cuộc sống no đủ, thành đạt hơn.
 
Với việc chọn vị trí đặt ngôi đền, chùa hướng ra dòng Mai Giang còn thể hiện sự thông hiểu khoa học về mặt phong thủy, non nước hữu tình của cha ông ngày trước. Đó còn là sự cầu mong sự sinh sôi, nảy nở vừa mang ý nghĩa về sự phồn thịnh, hứa hẹn về sự phát triển của vạn vật, con người. Đền, chùa được chọn theo hướng này ngoài giá trị về kiến trúc nghệ thuật còn mang giá trị tâm linh, tạo nên sự linh thiêng nơi thờ tự các vị công thần đã có công dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi đất nước.
 
Sắc phong thời nhà Nguyễn cùng nhiều hiện vật có niên đại hàng trăm năm được lưu giữ tại chùa Bảo Minh
Sắc phong thời nhà Nguyễn cùng nhiều hiện vật có niên đại hàng trăm năm được lưu giữ tại chùa Bảo Minh
 
Qua tìm hiểu và nghe kể từ các cụ cao niên trong vùng, tại đền Bình An và chùa Bảo Minh xưa còn có những lễ hội lớn vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong dịp này, nhân dân các vùng lân cận cùng về dâng hương, thành tâm tưởng nhớ tới các vị đại nhân, Thánh, Phật đã bảo vệ cho người dân trong một năm qua. Tại đây, vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm còn có đại lễ rước kiệu và tượng Đức thánh Huyền Thiên Trấn Bắc Vũ Đế vi hành khắp vùng để tưởng nhớ và biết ơn. Riêng phần hội thì tương đối phong phú và được tập luyện, chuẩn bị khá công phu như: Bơi chải, đua thuyền mang ý nghĩa cầu mong phong hòa, vũ thuận, mùa màng no ấm. Lễ hội ở Thiện Kỵ và Dị Nậu (thị xã Hoàng Mai ngày nay), 2 làng nằm 2 bên bờ Mai Giang không chỉ có cúng tế, vui chơi, thi thố các tài năng mà còn là dịp tìm hiểu lễ nghi, khoán ước của làng. Đây cũng là dịp để trai gái gặp gỡ trao duyên, người đi xa về thăm quê hương, gia đình… Trải qua suốt chiều dài của lịch sử, lễ hội tại đền Bình An và chùa Bảo Minh đã trở thành nơi bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa làng xã dọc theo dòng Mai Giang.
 
Trải qua quá trình lịch sử, đến nay, phần lễ hội tại đền Bình An và chùa Bảo Minh dẫu đã mai một nhưng tập tục thờ cúng ở đây với tâm nguyện hướng thiện vẫn được người dân lưu giữ. Với thành tâm công đức và nhằm gìn giữ cụm di tích văn hóa lịch sử, vào tháng 3/1999, chính quyền địa phương đã vận động người dân quyên góp sức người, sức của để trùng tu, xây dựng lại cụm di tích đền Bình An và chùa Bảo Minh theo nguyên trạng ban đầu. Nhiều nhà hảo tâm xa gần, con em địa phương thành đạt ở xa đã cung tiến cho cụm di tích hàng trăm triệu đồng để xây dựng lại đền Bình An và chùa Bảo Minh. Đặc biệt, riêng cá nhân ông Dương Quang Định đã cung tiến 210 m2 đất liền kề cụm di tích cùng hàng trăm triệu đồng để mở rộng khuôn viên đền, chùa. Tiếp đó, vào năm 2006, UBND tỉnh đã công nhận cụm di tích đền Bình An và chùa Bảo Minh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đến năm 2010, 2011, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt, cho phép tu sửa đền Bình An, xây dựng lầu Quan âm, nhà tổ, chùa chính, nguồn vốn được huy động từ công tác xã hội hóa.
 
Với ý nghĩa giá trị của một cụm di tích lịch sử văn hóa, đền Bình An và chùa Bảo Minh thực sự là nơi ghi dấu về một địa chỉ từng chứng kiến các biến cố của thời gian. Mặt khác, đây cũng là nơi để người dân thể hiện lòng thành kính tâm linh biết ơn các vị vua, công thần, Thánh, Phật và Mẫu hay nói cách khác như một Huyền Thiên Trấn Bắc Vũ Đế với ước mong cuộc sống ấm no, bình an, con cháu thành đạt mỗi khi về đây vãn cảnh.
.

Ngọc Thái - Đức Thắng