Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/su-trung-lap-hay-dinh-menh-noi-tu-tien-kiep-445631/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/su-trung-lap-hay-dinh-menh-noi-tu-tien-kiep-445631/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sự trùng lặp hay định mệnh nối từ tiền kiếp? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 25/01/2014, 09:31 [GMT+7]

Sự trùng lặp hay định mệnh nối từ tiền kiếp?

Nghe tin anh lấy vợ, thằng em buồn ủ rũ. Bỏ ăn bỏ uống, thất thểu tối ngày. Thấy em buồn, người anh thành khẩn bảo ba mẹ rằng: "Có lấy vợ thì cho thằng em lấy nữa, nếu không hai anh em sẽ sống vậy đến già". Em nghe thấy bèn thêm vào: "Nếu ba mẹ chọn dâu phải chọn hai cô gái giống nhau và phải cưới cùng ngày…". Vậy là một đám cưới kép diễn ra, hai cô dâu như bản sao và bản chính, hai chú rể như hóa phép phân thân.

"Hai giọt nước" trong một "bọc trứng"

Người đời vẫn cứ thêu dệt rằng, anh chị em sinh đôi tức là kiếp trước đã nặng nợ với nhau lắm, nên kiếp này nguyện như hai là một. Tôi không bình luận về vấn đề tâm linh ở đây, nhưng câu chuyện cưới vợ cho cặp con song sinh của vợ chồng ông Trần Văn Gấu (55 tuổi) bà Đặng Thị Tư (60 tuổi, khóm Tây Hồ 1, P. Mỹ Hòa, Tp Long Xuyên, An Giang) trở thành một hiện tượng lạ, một sự trùng lặp ngỡ như sắp đặt của tiền kiếp.

Tình anh em Trần Văn Tiền - Trần Văn Vô từ nhỏ đã gắn kết như chân với tay, điều này thì ai cũng cảm nhận được. Từ tính cách, sở thích đến khuôn mặt hai anh em giống nhau như một. Nếu Tiền thích cái gì, thì Vô ưa cái đó, mà Vô ghét cái gì, Tiền cũng chẳng mặn mà. Có lần bà Tư đi mua áo quần cho hai anh em, bà mua mỗi đứa một bộ khác nhau. Mang về nhà, chỉ cần nhìn thấy màu sắc khác nhau, ngay lập tức cả hai đứa con đều lắc đầu nhất quyết không mặc. Bà Tư phải tất tả đi đổi lại, lấy hai bộ giống nhau y đúc. Hai đứa con xí soạn thử đồ, dắt nhau đi khoe khắp xóm. Từ đó, bất kể mua thứ gì bà Tư cũng phải lấy một cặp giống nhau. Từ đôi dép, cái nón đến các món ăn.

Không những giống nhau về sở thích, ngay cả sức đề kháng Tiền - Vô có sự trùng hợp rất hy hữu. Năm lên 8, Tiền bị sốt nằm vật vã, ly bì mất mấy ngày. Vô đang khỏe mạnh thì ngày hôm sau cũng lăn ra sốt. Bệnh của Tiền hồi phục, tự nhiên Vô  khỏe ra. Sự trùng hợp không thể lý giải, khiến ông bà Tư nhiều lúc cười ra nước mắt. Niềm vui và hạnh phúc vì có cặp song sinh ngoan hiền, yêu thương nhau, nhưng lắm khi ông bà Tư đau đầu vì chúng bện nhau quá, cứ quấn rịt lấy nhau không chịu quen ai.

Bản thân bà Tư đã có kinh nghiệm vượt cạn đến 7 lần rồi chứ ít gì. Nếp tẻ đủ cả, nhưng lần "vỡ kế hoạch" cuối cùng này, cứ thầm mong là con gái để sau này bớt đi gánh nặng "của hồi môn". Thật trớ trêu, ngày bà Tư hạ sinh, không những một mà là hai cậu con trai. Niềm vui mẹ tròn con vuông thoáng chốc bị nỗi lo phủ ngập. Ông Gấu lẩm bẩm suy tính: "Những hai thằng, hai suất đất, hai căn nhà, hai lần cưới hỏi…". Mà nhìn vào cái gia cảnh khốn cùng của mình, ông Gấu như già thêm mấy tuổi.

Hai cuộc hôn nhân này đến nay vẫn trở thành tâm điểm lạ thu hút sự hiếu kỳ của người dân.
Hai cuộc hôn nhân này đến nay vẫn trở thành tâm điểm lạ thu hút sự hiếu kỳ của người dân.


Lòng bao dung và sự rộng lượng của người mẹ lại chèn ép khó khăn, túng quẫn. Vốn bản tính Nam Bộ chất phác, hào sảng, bà Tư vẫn hơ hớ: "Trời sinh voi ắt sinh cỏ, lo cái gì". Mong muốn cuộc sống sung túc, đủ đầy. Ước vọng tiền vô đầy nhà, gạo đổ đầy chum, ông Gấu bàn với vợ đặt tên hai cậu con trai theo khát vọng sẽ có nhiều tiền. Bà nghe thế gật đầu ưng ngay. Tiền - Vô hồn nhiên sống chẳng màng tới ý nghĩa thực dụng của ông Gấu, bà Tư.

Vạch lá tìm… dâu

Trần Văn Tiền và Trần Văn Vô sinh năm 1990. Ở vùng sông nước hiu quạnh mù u tán dừa thế này, tuổi con đã đến độ cặp kê, ông bà Tư lo sốt vó chuyện dựng vợ cho "hai giọt nước".

Một ngày cuối năm 2012, bà Tư hồ hởi khoe với chồng vừa tìm được cô gái ở khóm bên đồng ý về làm dâu. Bà nhìn mặt và ưng bụng liền. Hai ông bà bàn bạc một hồi lâu rồi gọi Tiền vào thông báo chuẩn bị tinh thần đi xem mặt cô gái. Tiền bằng lòng để cho ba mẹ sắp đặt chuyện hôn nhân, vì từ nhỏ đến giờ, anh chưa dám quen biết người con gái nào. Biết tin anh trai sắp lấy vợ, Vô buồn ra mặt. Vô ngồi ủ rũ trong nhà, không nói cười, không ăn uống. Mặt Vô phờ phạc thất thần. Thấy em buồn, Tiền cũng chẳng yên. Tiền xin ba mẹ không đi xem mặt, không cưới xin gì nữa. Tiền muốn ở vậy, anh em sống với nhau đến cuối đời.

Vợ chồng bà Tư lo lắng, bứt rứt không yên, lỡ hẹn với người ta dẫn con đi coi mặt rồi. Vô thủ thỉ với mẹ rằng, Vô cũng muốn lấy vợ sao ba mẹ không cưới cho Vô mà chỉ cưới cho anh Tiền. Bà Tư ngạc nhiên quá, từ nhỏ đến giờ hai anh em nó giống nhau như hai trái trứng, ai ngờ đến chuyện cưới vợ cũng phải cùng nhau. Vô còn mách với bà Tư là phải chọn cô vợ giống với vợ của anh Tiền mới chịu.

Lễ thành hôn kép giữa hai cặp song sinh Tiền - Vô - Đậm - Đà.
Lễ thành hôn kép giữa hai cặp song sinh Tiền - Vô - Đậm - Đà.


Nhu cầu của con oái oăm quá, khác nào đi mò kim đáy biển. Biết tìm đầu ra một đôi giống nhau bây giờ. Mà ngộ nhỡ tìm thấy, thì họ có đồng lòng lấy hai thằng con, có chịu cùng nhau về làm dâu nhà mình không. Cuộc hành trình đi chọn dâu cho cặp con song sinh trở thành cuộc thách đố đối với ông Gấu, bà Tư.

Bà Tư bắt đầu lân la dò hỏi, đánh tiếng xa gần xem có cặp đôi nào giống nhau mà lại đang có nhu cầu lấy chồng. Đi chợ bà cũng để lại lời nhắn, hễ ai tìm thấy thì mách giùm cho bà. Những ngày rỗi rãi, việc đồng áng thư thả, ông bà Tư đèo nhau lang thang khắp vùng sông nước Long Xuyên "vạch lá tìm... dâu". Có người đồng cảm, thở dài an ủi ông bà nhưng không ít người nhếch mép: "Ông bà chơi trội quá ha. Muốn nổi tiếng đây". Đành chịu vậy, bà Tư lặng thinh bỏ đi, không ai hiểu được nỗi lòng người mẹ này. Mòn gót, mỏi nhừ đầu gối mà chưa tìm được cặp dâu giống nhau, ông bà Tư thất thểu quay về. Sáng hôm sau, lại rẽ ngang ngả khác, đi miệt mài, hỏi dồn dập. Bà để lại số điện thoại, địa chỉ để ai biết thì mách bà với, bà sẽ không quên ơn. Thông tin tuyển dâu nhà bà Tư được rải khắp vùng, hầu như ai cũng rõ. Hai thằng con đang ở tuổi 22, tuổi đẹp nhất ở thôn quê để dựng vợ gả chồng. Mỗi ngày trôi đi, ông bà Tư ruột nóng như lửa, thấp thỏm lo lắng.

Tiền - Vô - Đậm - Đà

Sự chờ đợi của ông bà Tư bỗng được thổi bùng lên bằng cuộc điện thoại. Ở huyện kế bên đang có một cặp song sinh nữ, trông giống nhau như lột, mà chưa chồng. Nghe tin, bà Tư nhảy dựng lên, thúc chồng lên đường ngay. Nhìn ra cánh đồng xanh ngắt, gió lao xao gọi tiếng vịt kêu chiều, bà Tư kể thật rộn ràng: "Mang theo nhịp trống hồi hộp trong lòng, vợ chồng tôi đèo nhau phi như bay trên những khúc đường gập ghềnh. Đường bờ ruộng nhỏ xíu ngoằn ngoèo, ổ gà, ổ vịt xóc chôm chổm đẩy tôi vẹo qua vẹo lại, ông oằn tay lái, toát mồ hôi. Hai con tim già chẳng lời thở than, đau nhức ê ẩm nhưng cứ thấy rộn ràng làm sao ấy".

Tìm đúng nhà theo địa chỉ  được mách, thấy hai cô con gái nhà người ta, bà Tư sững sờ. Giống nhau quá, thật khó để tìm ra nét khác biệt. Bà Tư càng ngạc nhiên khi ghép tên hai chị em cô gái cũng rất vần: Đậm - Đà. Ông Gấu đứng trầm trồ, nhẩm tính Tiền - Vô - Đậm - Đà và mắt ông sáng lên, bắt đầu nghĩ về một đám cưới kép trong nay mai. Hỏi ra mới hay, hai chị em Đậm - Đà sinh năm 1990 và cũng đang muốn lấy chồng. Ba mẹ Đậm - Đà chẳng giấu gì tình trạng đặc biệt của hai đứa con song sinh. Ngay từ nhỏ, tính tình hai cô như một sự tương đồng, giống nhau khiến mọi người phải ngỡ ngàng. Vẻ đẹp mằn mòi của con gái thôn quê đã khiến nhiều chàng trai ngả nghiêng. Vài nơi tới xem mặt cô chị thì y như rằng cô em buồn và ngược lại.

Đậm - Đà nói với ba mẹ, có lấy chồng thì cả hai đều lấy, không thì thôi. Ba mẹ hai cô đứng ngồi không yên, tìm đâu ra một lúc hai chàng rể giữa sông nước mênh mông thế này. Sự trùng hợp ngẫu nhiên ngỡ như một sắp đặt từ tiền kiếp. Ông bà Tư về dẫn hai đứa con trai đi xem mặt vợ, chẳng ai bảo ai, đôi bên đều e thẹn gật đầu. Ngày rước dâu, qua bến đò nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy hai nàng dâu như bản sao và bản chính. Hai chú rể như sự hóa phép phân thân. Đám cưới trở thành ngày hội độc đáo thu hút hàng trăm dân tình tới xem.

Để tương xứng và phù vai phải vế, Tiền sẽ lấy cô chị, Vô lấy cô em. Ngày 12/6/2012, lễ thành hôn kép được tổ chức rình rang tại nhà ông bà Gấu. Được tin, người dân hiếu kì từ đâu đổ xô đến xem.

Hơn một năm đi lấy chồng, cô dâu Đậm đã sinh con đầu lòng, trong khi cô em gái Đà cũng vừa hạ sinh mười mấy ngày. Cả hai chị em đều sinh con gái. Lần này, tiện miệng bà Tư liền đặt luôn tên hai cháu tương ứng là Kim Thâu và Kim Cương. Bà Tư cười móm mém giải thích: "Ý nghĩa hai cái tên tôi đặt cho các cháu là thâu tiền và kim cương vào nhà đấy". Nghe vậy dân làng lại kháo nhau ông bà Tư chỉ thích đặt tên con cháu liên quan đến… tiền. Vợ chồng bà Tư chỉ cười rồi hồn nhiên thừa nhận: "Thiếu cái gì thì đặt tên cái đó".

Đến nay cuộc sống của hai cặp vợ chồng song sinh Tiền - Vô - Đậm - Đà dù vẫn còn chật vật nhưng vui vẻ, đoàn kết. Trong mái ấm ấy luôn ngập tràn tiếng cười, bởi họ sẵn sàng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống.

.

CSTC