Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/tuong-lang-que-vao-xuan-444706/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201401/tuong-lang-que-vao-xuan-444706/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tuồng làng quê vào xuân - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 23/01/2014, 07:36 [GMT+7]

Tuồng làng quê vào xuân

(Congannghean.vn)-Hoà với đất trời náo nức vào Xuân, tiếng trống tuồng cũng đang giục hối hả khắp các làng quê Xuân Thành (Nghệ An), vun đắp cốt cách, tâm hồn người Việt.
 
Nói đến tuồng Kẻ Gám, người dân Xuân Thành, Yên Thành không ai là không biết đến ông Phan Văn Lạng (SN 1940). Bà con trong vùng nhận định: “Nếu ông Lạng mất thì tuồng cũng hết”. Tham gia diễn tuồng từ năm 25 tuổi, đến nay đã 48 năm gắn bó nghiệp diễn tuồng, ông tự hào mình là người khá am hiểu về tuồng và có công tiếp lửa, gìn giữ nét văn hóa tuồng cho địa phương.
 
Tuồng Kẻ Gám có từ đầu thế kỷ 20, được truyền từ Quảng Nam ra, Thanh Hoá vào, được các nghệ nhân của làng chắt lọc tinh hoa của các vùng miền làm nên đặc sắc của tuồng Kẻ Gám. Ông Lạng kể: Từ nhỏ, cạnh nhà ông có người thầy diễn tuồng, được nghe nhiều, xem nhiều, ông đã yêu thích cái thú xem tuồng, diễn tuồng từ lúc nào không hay. Và ông bắt đầu tìm hiểu, tập diễn tuồng. Sau nhiều lần khó nhọc tập luyện, ông vui sướng với việc được theo đoàn đi diễn khắp nơi như các xã Diễn Hạnh, Diễn Nguyên, Diễn Lâm,...
Ông Lạng và những bộ đồ tuồng do chính tay ông thêu
Ông Lạng và những bộ đồ tuồng do chính tay ông thêu
 
Nhận thức vai trò cũng như giá trị của nghệ thuật tuồng, nhằm gìn giữ di sản văn hóa đặc sắc này, năm 2000, Câu lạc bộ Tuồng xã Xuân Thành được thành lập. Ông Lạng được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đến nay, câu lạc bộ có gần 30 người tham gia (trong đó 15 người thường xuyên hoạt động tích cực). Ở tuổi 70, ông như con ong cần mẫn, không quản sớm, khuya, mưa lụt, đường sá xa xôi, vẫn một mình chiếc xe đạp cũ đi khắp làng gọi diễn viên vào những dịp CLB chuẩn bị có buổi biểu diễn tuồng. Để hoàn thành một vở diễn, từ khâu hóa trang, đạo cụ, nghệ thuật hát nói, phân vai... đều một tay người “đạo diễn” làm cả. Nhiều người dù bận rộn việc nhà nhưng lúc ông tới gọi, cũng gác việc để đi diễn tuồng. Chị Thái Thị Thủy, bán rau tại chợ chia sẻ: Một buổi chợ chị có thu nhập từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng, nhưng khi bác Lạng gọi cũng phải bỏ chợ để đi tập, bởi bác đã cao tuổi nhưng vẫn nhiệt tình với phong trào địa phương, mình lớp trẻ mà không đi thì không được.
 
Từ tình yêu tuồng, thấy cảnh mỗi lần có vở diễn, CLB đều phải ngược xuôi đi thuê mượn trang phục với giá đắt đỏ, ông nghĩ tới việc, tự mình sẽ may đồ diễn tuồng. Bắt đầu từ việc vận động bà con góp sức, gom tiền, sau nhiều đêm liền thức trắng tự may những bộ quần áo phục vụ cho câu lạc bộ tuồng, đến nay, hòm trang phục của ông đã có hơn 20 bộ, có thể đáp ứng cho 2 vở tuồng diễn liên tục trong một buổi diễn.
 
Hàng năm, vào buổi nông nhàn hoặc ra giêng, hai, vào dịp hội hè, đình đám, CLB tuồng của làng được các huyện bạn như Đô Lương, Diễn Châu... mời về biểu diễn. Từ ngày thành lập đến nay, ở cuộc thi nào, Câu lạc bộ Tuồng xã Xuân Thành luôn giành được giải Nhất, nhiều năm liền được cấp tỉnh, huyện tặng Bằng khen, Giấy khen.
 
Điều ông băn khoăn nhất bây giờ là việc thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống của cha ông, sợ một ngày nó sẽ mất đi và đang rất cần được bảo tồn, lưu giữ. Ngay chính 4 (trong 8) đứa con của ông, từ bé đã theo bố diễn tuồng, vui sướng khi được xem gánh tuồng biểu diễn. Nhưng hiện tại, vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, chúng cũng không màng đến thú vui này nữa. Lẽ đó, để diễn được tuồng và theo đuổi được nghiệp thì không chỉ bản thân phải có năng khiếu mà cái chính là người diễn phải có tâm huyết và đam mê.
 
Để giữ gìn được bản sắc văn hóa tuồng ở địa phương, theo ông, trước hết cần có sự quan tâm chỉ đạo từ các cấp chính quyền địa phương, yếu tố vật chất là cần thiết nhưng điều mà người diễn tuồng cần nhất là nguồn động viên, chia sẻ. Để thế hệ trẻ tích cực hưởng ứng tham gia diễn tuồng thì những CLB tuồng cần thường xuyên diễn và hoạt động hơn nữa, không nên chỉ đợi dịp lễ, Tết, hội hè mới diễn tuồng.
 
Ngày nay, tuy có sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng ở Xuân Thành vẫn gìn giữ được nét đẹp của môn nghệ thuật tuồng cổ đã có cách đây từ hàng trăm năm. Đó là nhờ một phần lớn công lao những người yêu nghệ thuật như ông Lạng. Để ngày càng nhân rộng, nuôi dưỡng những ngọn lửa nhiệt tình đó, thiết nghĩ, cần có sự quan tâm sâu sắc từ các cấp chính quyền. Mà bước đầu là chủ động sáng tạo ở ngay chính bản thân mỗi địa phương, kêu gọi sự ủng hộ từ các cá nhân, tập thể để tăng nguồn quỹ hoạt động. Bên cạnh đó, các nghệ nhân tuồng phải tích cực hăng say tập luyện, nâng cao chất lượng về nội dung cũng như phong cách, hình thức biểu diễn để thu hút lòng say mê nghệ thuật của mọi người.
.

Kiều Nga