Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201406/noi-nho-truong-sa-500114/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201406/noi-nho-truong-sa-500114/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nỗi nhớ Trường Sa - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 23/06/2014, 08:46 [GMT+7]

Nỗi nhớ Trường Sa

(Congannghean.vn)-Những ngày Biển Đông dậy sóng, nỗi nhớ người con trai nhói buốt tâm can hai ông bà. Anh là liệt sĩ Lê Bá Giang (SN 1968), hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, khi đang chiến đấu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Kể từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như tất cả người dân Việt Nam, ông bà luôn hướng về Trường Sa, nơi đó có một phần máu thịt của con trai ông bà.
 
Mấy hôm nay, ngôi nhà của ông Lê Bá Nghị và bà Nguyễn Thị Nhị (phường Hưng Dũng, TP Vinh) vắng vẻ lạ thường. Nhà ông bà ở ngay sát nhà anh con trai đầu kinh doanh hàng ăn sáng nên thường ngày rất nhộn nhịp, nhưng từ hôm bà Nhị lên cơn đau tim phải đi viện, vợ chồng người con trai cũng đóng cửa để chăm sóc mẹ. “Chúng tôi giờ như lá rụng, cứ trở trời là đau ốm. Bà nhà tôi lại bị bệnh tim. Mấy hôm nay, người ta đến thăm hỏi thân nhân liệt sĩ Trường Sa, bà lại nhớ đến chuyện thằng Giang nên lên cơn đau tim”, ông Nghị rầu rĩ chia sẻ.
 
Ông bà có 4 người con, anh Lê Bá Giang là con trai thứ hai, khỏe mạnh, hiền lành lại rất chăm chỉ. Ngày trước ông Nghị là công nhân, bà Nhị ở nhà lo việc đồng áng, nuôi dạy con cái. Nhà nghèo, học hết cấp 3, anh Giang không thi đại học mà ở nhà làm việc để kiếm tiền đỡ đần cho mẹ. Ai thuê gì anh cũng làm hết, chẳng nề hà gì. Cuối năm 1987, anh Giang trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và được biên chế vào Hải quân. Sau thời gian huấn luyện, anh được về nghỉ phép đúng vào dịp giáp Tết. Tranh thủ thời gian ngắn ngủi, anh làm việc nhà, sửa sang lại đồ đạc trong nhà cho bố mẹ. Ở nhà được mấy hôm, tưởng đâu vẫn kịp nấu bánh chưng cùng bố mẹ nhưng anh lại nhận được lệnh khẩn cấp từ đơn vị báo chuẩn bị hành quân vào Nam. Anh lính trẻ tạm biệt gia đình tức tốc lên đường trở về đơn vị và không quên hẹn ngày trở về. Nào ngờ đó cũng chính là lần cuối cùng anh Lê Bá Giang được gặp bố mẹ.
 
Ông Lê Bá Nghị bên di ảnh liệt sĩ Lê Bá Giang
Ông Lê Bá Nghị bên di ảnh liệt sĩ Lê Bá Giang
 
Đơn vị của anh Giang được lệnh hành quân vào cảng Cam Ranh, Khánh Hòa bằng tàu hỏa. Trên đường đi, anh nhắn tin về cho bố mẹ tàu sẽ qua Vinh và anh ngồi ở toa thứ 2. Nghe tin tối 29 Tết tàu về đến ga Vinh, ông bà đùm vội mấy chiếc bánh chưng để mang ra cho con. Tàu vào sân ga, hai ông bà lên tàu tìm con trai nhưng không thấy. Hóa ra, do một số thay đổi nên anh Giang chuyển vị trí chỗ ngồi. Không gặp được con trai nhưng hai ông bà vẫn muốn gửi cho con chiếc bánh chưng để cùng đồng đội đón Tết. Biết mỗi ngày có tàu vào Khánh Hòa qua ga Vinh nên ngày nào ông bà cũng lên ga tàu để nhờ gửi đồ. Thế nhưng, thời buổi liên lạc khó khăn, chẳng ai chịu giúp hai ông bà. Có hôm chạy đi chạy lại lên ga 4 lần nhưng vẫn không được. Đến bây giờ ông bà vẫn ân hận vì không thể gửi cho con một chiếc bánh chưng.
 
Lần cuối cùng ông bà nhận được tin con, đó là lúc anh Lê Bá Giang sắp sửa cùng đơn vị hành quân ra Trường Sa. Lá thư cuối cùng gửi về cho gia đình anh chỉ kịp dặn dò bố mẹ và các anh em giữ sức khỏe và đừng lo cho mình. “Nó gửi thư về nhà được chừng vài tháng thì chúng tôi nghe tin trên Đài Tiếng nói Việt Nam về trận hải chiến ở đảo Gạc Ma, Trường Sa, có 64 người hy sinh, trong đó có tên thằng Giang…”. Nói đến đây giọng ông Nghị bỗng lạc hẳn đi. “Có nỗi đau nào hơn nỗi đau kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, chúng tôi nghe tin dữ mà như có súng nổ bên tai, chỉ mong có sự nhầm lẫn nào đó. Đến năm 1990 thì chúng tôi nhận được giấy báo tử của con, bà nhà tôi ngất lên ngất xuống. Cũng từ dịp đấy bà đổ bệnh tim”, ông Nghị trầm ngâm.
 
Trong số 64 chiến sĩ trong trận chiến bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa năm ấy chỉ có một số ít chiến sĩ may mắn tìm được hài cốt. Máu và thân xác các anh đã hòa tan giữa biển khơi để giữ lấy từng tấc biển, từng hải lý thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có liệt sĩ Lê Bá Giang. Kể từ lần đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân đến nhà lấy mẫu máu xét nghiệm ADN để xác định hài cốt, đến nay thông tin về hài cốt của liệt sĩ Lê Bá Giang vẫn bặt vô âm tín. Gần 30 năm chưa lúc nào ông bà ngừng hy vọng sẽ tìm được hài cốt của người con trai ra đi khi mới bước vào lứa tuổi 20.
 
Những ngày Biển Đông dậy sóng, khi chủ quyền biển đảo của Tổ quốc lại bị xâm phạm, ông Nghị, bà Nhị lại cồn cào nỗi nhớ con. Mỗi ngày ông bà vẫn theo dõi các tin tức từ vùng biển thiêng liêng, nơi đó có bóng hình của người con trai dũng cảm, kiên cường của họ đã hóa thân vào bóng hình Tổ quốc.
 
.

Huyền Thương