Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201410/thien-ha-de-nhat-chien-ma-15-nam-song-o-nghia-trang-547951/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201410/thien-ha-de-nhat-chien-ma-15-nam-song-o-nghia-trang-547951/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thiên hạ đệ nhất chiến mã, 15 năm sống ở nghĩa trang - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 21/10/2014, 09:10 [GMT+7]

Thiên hạ đệ nhất chiến mã, 15 năm sống ở nghĩa trang

Thú chơi chiến mã một thời được xem là môn thể thao thời thượng, từng đưa các tay chơi lên đỉnh của vinh quang. Từ ngày trường đua Phú Thọ đóng cửa, những chiến binh ngựa đồng loạt lên bàn mổ, người nuôi ngựa bị cuốn theo chiều gió, tán gia bại sản…

Như bao nhiêu số phận kỵ mã khác, nhưng ông Nguyễn Văn Tường (82 tuổi, tên thường gọi Năm Gò Công) thà chết không bán ngựa. Bao nhiêu năm nay, ông vẫn trung thành với bầy chiến mã huyền thoại, về núp bóng trong nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP HCM).

Tờ giống ngựa cũ kỹ ông Năm vẫn trân trọng cất giữ
Tờ giống ngựa cũ kỹ ông Năm vẫn trân trọng cất giữ
 
Nhà ở khóm chuối, ngựa ở nghĩa trang
 
Tiếng hý của bầy ngựa rộn ràng trong thế giới của người chết, khuấy động không gian thâm u, cô tịch ở nghĩa trang lớn nhất thành phố này. Hỏi nhà ông Năm nuôi ngựa, người ta chỉ vào bụi chuối xanh rì bảo: "Nhà ông ở trong khóm chuối đó". Quả thật, tới khóm chuối là bắt gặp túp lều quây tôn xiêu vẹo, phải kề lưng vào bức vách của những ngôi mộ mới không bị sập. Ông Năm đang lom khom trộn bã đậu cho ngựa ăn trưa, ông nhào nặn, nâng niu từng miếng bã đậu như người ta ôm ấp từng hạt cơm. Trên bãi cỏ hoang ở nghĩa trang, những con ngựa của ông Năm vẫn thung thăng gặp cỏ, con nào con nấy béo múp, đẫy đà. Hoàn toàn trái ngược với chủ nhân nuôi ngựa, gầy sọp, thiếu ăn, suy dinh dưỡng. Bởi vậy mà ông được mệnh danh là "thiên hạ đệ nhất chiến mã" cho tới tận bây giờ.
 
Từ ngày trường đua Phú Thọ giải thể (năm 2011), ông Năm cay đắng dắt đàn ngựa về nhà, ngậm ngùi tháo dây cương, cất móng, yên vào trong xó bếp. Hầu hết những người nuôi ngựa đều bán tháo những chú chiến mã một thưở hét ra lửa, ngạo nghễ tung những bước chạy nước đại trên đường đua. Họ bán cho lò mổ, thịt ngựa rẻ như thịt heo. Xót xa, nuối tiếc, ông Năm cắn răng giữ lại đàn ngựa 32 con của mình về lại khu đất trống ở nghĩa trang nuôi chờ thời.
 
Mê ngựa từ nhỏ, biết đánh xe ngựa kéo từ năm 12 tuổi, ông Năm thoát ly gia đình từ Gò Công (Tiền Giang) lên Sài Gòn chăn ngựa thuê cho điền chủ. Năm 1989, trường đua Phú Thọ mở cửa lại sau thời gian dài gián đoạn, ông Năm chính thức bước chân vào cuộc chơi khốc liệt cùng các chú chiến mã. Ông được thầy Hai Lợi, một huyền thoại đua ngựa còn sót lại từ thời Pháp thuộc thâu nhận làm đệ tử. Từ ngón nghề của thầy, ông Năm lĩnh hội được những bí quyết huấn luyện chiến mã không ai sánh kịp. Theo kinh nghiệm của ông thì ngựa tốt, ngựa khỏe nếu huấn luyện không giỏi thì vứt bỏ, không làm được trò trống gì.
 
Ngựa với ông như đứa con trong gia đình
Ngựa với ông như đứa con trong gia đình
 
Ngựa dưới bàn tay Năm Gò Công phải là chú ngựa tuyệt đối trung thành, chấp hành mệnh lệnh của chủ, nắm được ý đồ của thầy, tinh thông chiến lược trong cuộc thi. Ngựa đua phải dốc hết mình, chơi hết sức, tác phong đẹp, và phải khóc vì đồng loại. Ông Năm giải thích: "Ngựa thông minh lắm, nó giống như người vậy mà. Mình quý nó thì nó yêu lại thôi". 
 
Ông vừa nuôi, vừa huấn luyện vừa tham gia đua. Ngựa của ông được chăm sóc kỹ, được huấn luyện bài bản nên hễ tham gia là rinh giải về. Ông lấy tiền thưởng đó để đầu tư thức ăn nuôi ngựa. Ngựa của ông luôn là điểm hút của dân chơi cá cược, họ cứ nhằm vào những chiến mã hùng dũng của Năm Gò Công mà đặt tiền cược. 4 đứa con trai của ông chỉ học đến lớp 3, lớp 4 đều nghỉ để theo cha đi nài ngựa và tham gia vào đường đua. Ông Năm cho biết: "Nài ngựa cần sức khỏe, trẻ và dũng mãnh, mấy đứa con của tôi đều vượt mức tiêu chuẩn ấy. Tôi chỉ việc huấn luyện cho chúng các kỹ thuật cơ bản là có thể tham gia đua". Mải mê chinh chiến với ngựa, vòng xoáy trường đua cứ hút gia đình Năm Gò Công đi mãi, đến miếng đất cũng chẳng thể mua nổi. Có thời, ông sở hữu đàn ngựa trị giá tiền tỉ, nhưng vì mê mẩn quá mà nhất quyết không chịu bán đi để mua lấy miếng đất chọi chim, dựng lấy căn nhà cho vợ con ở.
 
Ở đình Bình Khánh (nằm trong nghĩa trang) được hơn chục năm thì người ta xây hàng rào, nên ông và ngựa phải chuyển ra khu đất phía sau đình. Cũng may là chủ còn cho thuê nếu không chẳng biết đi đâu. Tiền thuê đất một tháng ngốn hết hơn một triệu, tiền ăn uống sinh hoạt của 10 người con cháu cũng tốn một khoản không hề nhỏ. Vậy ông lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống? Ông cười méo mó, như khóc nói: "Bán ngựa đi mà sống chứ sao. Cứ hết tiền lại bán một con". Ngựa bây giờ chỉ bán được với giá thịt chứ không bán thượng lưu theo kiểu ngựa chiến nữa. Một con ngựa chiến nặng 300kg thịt chỉ được khoảng 40 triệu đồng. Đau lắm nhưng không có cái đổ vào mồm cũng chết, đành ngậm ngùi tiễn ngựa đi. Nuôi ngựa chờ thời và tính kế lâu dài, ông Năm cải biến ngựa đua thành ngựa sinh sản. Giờ, tổng cộng ông còn 18 con ngựa, trong đó có 6 ngựa mẹ, hai ngựa giống. Mỗi năm ông phải bán vài con để nuôi người. 
 
Sống không cần đất, chết không cần mả
 
Ông Năm chưa bao giờ thôi hy vọng và mong mỏi một ngày nào đó trường đua ngựa sẽ mở cửa trở lại. Ông ngồi tính nhẩm đâu phải mất hàng ngàn tỷ mới hoạt động được cái trường đua. Khi ấy, sẽ có người nước ngoài vào đầu tư, có đại gia vào thầu thì ngựa chắc phải đắt lắm và cuộc đua cũng khốc liệt không kém. Thế nên, chưa bao giờ ông có ý nghĩ sẽ tẩu tán đàn ngựa "ế" đi. Với số lượng ngựa hiện có, ông bán hết cũng được vài trăm triệu, có thể kiếm được mảnh đất ở ngoại thành. Cả đời người, ông sống cảnh không nhà không đất quen rồi, hà cớ gì phải bán ngựa để mua đất. Ông tuyên bố, không cần nhà, chết cũng không cần mồ mả. Đời ông chỉ có ngựa thôi. Ông nói thêm: "Vợ chồng tôi chết chỉ cần thiêu xác rồi lấy tro làm phân đi bón gốc cây là được rồi. Tôi dặn các con, khi tôi chết, đứa nào yêu ngựa thì giữ lại còn không bán mà chia nhau. Tôi còn sống ngày nào thì ngựa phải ở bên cạnh".
 
Ông bật mí thêm, có ông chủ ở Hóc Môn rất giàu, ông ấy mê ngựa nên mua về chơi thôi. Ông ngỏ ý mời ông Năm về làm huấn luyện viên cho đàn ngựa, mỗi tháng ông trả 6 triệu đồng. Ngần ấy tiền, ông có thể sống khỏe, hơn nữa lại được làm công việc sở trường của mình thì còn gì bằng. Nhưng ông Năm chưa chịu, vì còn mắc nợ với bầy ngựa ở nhà.
 
Vợ con, cháu chắt chấp nhận đời du mục cùng ông
Vợ con, cháu chắt chấp nhận đời du mục cùng ông
 
Để chăm được đàn ngựa béo núng nính như bây giờ là điều không phải dễ, người có thể đói ăn chứ ngựa thì không. Ngày trước ngựa toàn ăn thóc với gạo. Mà đâu phải ít, mỗi ngày chúng ăn cả chục kg, ngốn hết vài trăm ngàn. Ông Năm điêu đứng vì thức ăn cho ngựa. Cỏ ở nghĩa trang không thiếu, nếu cần đi cắt một buổi là có một xe ba gác đầy lắc lư, đàn ngựa ăn ba ngày mới hết. Nhưng ngựa ăn cỏ không thì gầy trơ xương, nhai cỏ cho đỡ buồn miệng thôi, cái chính vẫn là ăn lúa gạo. Dạo này, ông Năm phát hiện ra món ăn cho ngựa vừa rẻ lại có chất, đó là vỏ giá đỗ. Mỗi bao vỏ giá chỉ 5.000 ngàn đồng, một con nhai cả ngày lẫn đêm hết 2 bao, chỉ bằng một phần ba giá lúa. Sáng sớm, con trai thứ hai của ông đẩy xe ba gác đến các cơ sở chế biến giá đỗ thu gom vỏ. Vì thế, nguồn thức ăn của ngựa dồi dào hơn xưa, ông Năm nhẹ hầu bao hơn.
 
6 người con, trong đó hai cô con gái đã đi lấy chồng, còn 4 người con trai lớn tồng ngồng chen chúc nhau ở trong ngôi nhà trống trước hở sau giữa nghĩa trang. Hai thằng lớn nhanh nhảu đi ra ngoài kiếm được vợ, nay cũng có hai đứa cháu nội lít nhít trong nhà. Còn hai thằng út nữa, cũng ngoài 30 tuổi mà chưa thấy gì. Bà Nguyễn Thị Lài, vợ ông Năm Gò Công hồn nhiên nói: "Bây giờ con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó, mình làm gì có quyền chọn lựa". Bà chỉ vào túp lều quây bạt, quây nilon tứ phía, núp dưới khóm chuối mà khi nhìn vào tôi cứ ngỡ nó là cái chuồng gà. Bà cười toe toét: "Chỗ đấy là buồng của hai vợ chồng thằng con cả, còn miếng vách bên cạnh là phòng của thằng út. Vợ chồng tui và hai thằng nữa thì ở trong này". Ông Năm đảo mắt vào phía trong khoe: "Cái này mới cất lên đó, hồi trước còn rách hơn tàu lá chuối".
 
Quá trưa, ông Năm hỏi chúng tôi có thích xem ngựa không để ông đi lùa về. Nói xong, ông mặc chiếc áo khoác bên ngoài rách te tua, đội mũ tròn vành cũng rách như xơ mướp. Dáng ông thoăn thoắt rẽ cỏ um tùm quanh các ngôi mộ đi gọi ngựa về. Một lúc sau, đã nghe tiếng ngựa hý rền ở ngoài khu chuồng. Hỏi ông lùa bằng cách nào mà đàn ngựa tụ hội về nhanh thế? Ông cười hềnh hệch chìa hai cái răng cửa lều thều sắp sửa gãy ra: "Tui có sức đâu mà đi lùa, thằng con trai đi tháo dây từng con rồi tui đứng một chỗ hú ra hiệu cho chúng về. Bao nhiêu năm nay rồi, chúng quá quen với ám hiệu của tui".
 
Có vẻ như, chủ nuôi ngựa ở nghĩa trang này chưa bao giờ nghĩ mình nghèo khổ, rách rưới. Có vẻ như, việc phải sống cùng với người chết là lẽ thường. Ông Năm chưa bao giờ than khổ, bà Lài chưa bao giờ khóc vì cảnh theo chồng "du mục" không một tấc đất, không một mái nhà gần hết cuộc đời. Và những đứa con cứ thế lặng lẽ theo cha, bám đuôi ngựa lớn lên, chúng chưa hề than trách hoàn cảnh, số phận. Ông Năm đã thổi tình yêu "chiến mã" của mình vào các thế hệ trong dòng tộc, dẫu tình yêu ấy bạc bẽo, phũ phàng gắn liền với cuộc sống chật vật, tủi khổ của vợ và những đứa con của ông.
 
.

Nguồn: cstc.cand.com.vn