Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201411/nan-buon-nguoi-o-mien-tay-xu-nghe-ky-cuoi-557164/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201411/nan-buon-nguoi-o-mien-tay-xu-nghe-ky-cuoi-557164/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nạn buôn người ở miền tây xứ Nghệ (kỳ cuối) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 11/11/2014, 14:12 [GMT+7]

Nạn buôn người ở miền tây xứ Nghệ (kỳ cuối)

Tiếng kêu cứu bên dòng sông Nậm Mộ
 
Trong quá trình tìm hiểu về nạn buôn người, lúc chúng tôi gọi đò qua sông Nậm Mộ để đi vào bản Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn) thì gặp vẻ mặt người chèo đò là anh Moong Văn Tiến buồn rượi. Ngồi trên đò, sau vài câu chuyện xã giao, anh Tiến biết mục đích chúng tôi vào bản nên neo đò lại rồi nằng nặc đưa chúng tôi về nhà.
 
Trong ngôi nhà sàn nằm bên mép đồi, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt giấy khen học sinh giỏi dán đầy tường do Trường Tiểu học Chiêu Lưu 1 khen tặng học sinh Moong Thị Na. Đưa tay chỉ vào những tờ giấy khen, anh Tiến rơm rớm nước mắt: “Đó là con gái tui. Nó mới học lớp 5 thì bị bọn buôn người bắt cóc bán”.
 
Anh Tiến kể, vợ chồng anh sinh được 5 đứa con, cháu Na là con thứ hai và cũng là niềm tự hào của cả gia đình vì cháu học rất giỏi. Mặc dù đông con, không có việc gì làm ngoài nương rẫy nhưng vợ chồng anh luôn tần tảo cố gắng không để con cái đói khát, thất học. 
 
Anh Lưu Văn Tiến xin chèo đò đưa khách qua sông Nậm Mộ để dò tin con
Anh Lưu Văn Tiến xin chèo đò đưa khách qua sông Nậm Mộ để dò tin con
 
Trung tuần tháng 8/2014, trong lúc vợ chồng anh Tiến đang tất bật với mùa vụ trên nương thì ở nhà cháu Na mất tích. Sau khi từ trên nương về, anh Tiến nghe em gái Na nói “chị đi đâu hai ngày nay không thấy về” thì chân tay anh bủn rủn. Linh tính của người cha mách bảo, con gái anh đã bị bắt cóc đem đi bán như hàng loạt đứa trẻ trong bản trước đó. Anh Tiến nhờ anh em họ hàng, trong đó có anh trai mình là công an viên Moong Văn Quế đổ xô đi tìm nhiều ngày nhưng thông tin về cháu Na vẫn mờ mịt.
 
Đau đớn tột cùng, nhưng anh vẫn luôn nuôi hy vọng nên xin làm nghề chèo đò đưa khách qua sông Nậm Mộ để dò tin con. “Đây là cách duy nhất còn lại, chứ tui biết làm sao nữa. Nếu khi biết tin con còn sống, dù có ở chân trời góc bể nào tui cũng tìm đến để đưa nó về” - anh Tiến cho biết.
 
Theo công an viên Moong Văn Quế, mặc dù vào bản Lưu Tiến phải qua lại bằng đò nhưng nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ở đây đang nằm trong tình trạng báo động. Toàn bản có 148 hộ với 638 nhân khẩu, nhưng đến thời điểm này đã có 38 phụ nữ mất tích, trong đó 16 cháu từ 9 đến 12 tuổi cũng bị bắt cóc đem đi bán. “Các cháu còn đang học tiểu học, nhưng bọn buôn người vẫn không tha. Điều đau lòng hơn nữa là có một số nạn nhân bị chính bố mẹ mình mang đi bán. Chỉ đến khi người dân phát hiện tố cáo thì chúng tôi mới biết” - anh Quế bức xúc. 
 
Trao đổi với chúng tôi, đại tá Nguyễn Văn Đề - Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn - cho biết: do trình độ dân trí ở các xã miền núi Kỳ Sơn còn thấp nên dễ bị bọn buôn người dụ dỗ. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt rạch ròi giữa buôn bán người và người rời khỏi địa phương. Có nhiều người khi đi khỏi địa phương cũng bị quy là nạn nhân của buôn bán người. Việc xác định một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc cần phải có địa chỉ và số điện thoại ở Trung Quốc để xác minh. Sau khi có đầy đủ tài liệu đấu tranh với đối tượng bị tố cáo buôn người thì mới đủ căn cứ để buộc tội, xử lý theo pháp luật. 
 
Lừa cả phụ nữ mang thai
 
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An, trong vòng một năm trở lại đây đã khởi tố 15 vụ buôn bán người, 29 bị can, giải cứu 28 nạn nhân trở về nhà.
 
Mới đây nhất, ngày 2/10/2014, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang Lô Thị Hợi (SN 1995, trú bản Canh Khịt, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An) và Vi Thị Pồn (SN 1988, trú bản Đình Tài, xã Xiềng My, huyện Tương Dương) khi chúng đang đón xe đưa 4 cô gái sang Trung Quốc để bán. Các nạn nhân được giải cứu gồm: Bùi Thị  T. (SN 1979), Lang Thị H. (SN 1988), Hà Thị Y. (SN 1994) và Lô Thị N. (SN 1986, đều trú huyện Tương Dương). Điều đáng nói, trừ T. ra, dù biết H., Y. và N. đang mang thai nhưng Hợi và Pồn vẫn nhẫn tâm lừa bán ra nước ngoài.
 
Hợi và Pồn vốn là hai nạn nhân từng bị lừa bán sang làm vợ cho đàn ông Trung Quốc. Sau đó, cả hai trở thành những kẻ buôn người chuyên nghiệp, về quê dụ dỗ các cô gái nhẹ dạ cả tin. Để đánh lừa các nạn nhân, Hợi và Pồn luôn ăn mặc sang trọng, sử dụng nhiều đồ đắt tiền. Khi tiếp cận “con mồi”, chúng tỏ ra hào phóng mua quà tặng rồi khoe khoang đang làm những công việc hái ra tiền ở Trung Quốc. Nếu thấy họ “cắn câu”, chúng sẽ dụ dỗ đưa sang đó kiếm việc làm với mức lương cao.
 
Lê Thị Hằng, Lữ Thị Hoa
Lê Thị Hằng, Lữ Thị Hoa
 
Do bản tính thật thà T., H., Y. và N. đã tin và nghe theo lời Hợi, Pồn cùng xuống TP.Vinh để đón xe khách ra Móng Cái (Quảng Ninh) rồi tìm cách vượt biên sang Trung Quốc. Trước khi đi, Pồn và Hợi đưa cho các nạn nhân mỗi người một số tiền rồi dặn dò lúc có ai hỏi thì giả vờ như không quen biết nhau. Tuy nhiên, Hợi và Pồn không ngờ rằng lâu nay chúng đã bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An xác lập chuyên án theo dõi nên khi chúng vừa đưa các nạn nhân xuống thì bị bắt giữ về tội buôn bán người, T., H., Y. và N. sau khi được giải thoát nhận ra sự việc đã hoảng hốt đón xe trở về nhà.
 
Theo tài liệu trinh sát, Pồn và Hợi đã đưa nhiều phụ nữ sang Trung Quốc. Các nạn nhân chủ yếu ở xã Xiềng My, Yên Thắng (huyện Tương Dương). Do các bị hại bị bán đi chưa trở về, hoặc đã trở về nhưng không làm đơn tố cáo nên chưa có căn cứ để xử lý theo pháp luật.
 
Vi Thị Pồn
Vi Thị Pồn
 
Theo lời khai của hai “mẹ mìn”, nếu đưa trót lọt 4 “món hàng sống” sang Trung Quốc chúng sẽ bán cho một đối tượng người Việt tên Hoa với giá 6 đến 8 vạn NDT, tương đương với 180 đến 240 triệu đồng/người. Số phận những cô gái sau khi giao dịch thành công sẽ được đầu nậu Hoa bán tiếp cho những đối tượng buôn người Trung Quốc. Sau đó, các nạn nhân bị bán cho đàn ông Trung Quốc làm vợ hoặc bị đưa vào động mại dâm.
 
Tinh vi hơn Pồn và Hợi, Lê Thị Hằng (SN 1988, trú xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), Lữ Thị Hoa (SN 1968, trú Mường Nọc, huyện Quế Phong, Nghệ An) khi gặp “con mồi” thường dụ dỗ sang Trung Quốc làm thuê với mức lương mỗi tháng 20 triệu đồng. Nếu thấy nạn nhân lưỡng lự không tin, chúng sẽ cho mỗi người ứng trước 5 - 6 triệu đồng. Với thủ đoạn đó, ngày 9/10/2014 chúng lừa 3 cô gái ở huyện Quế Phong đón xe ra Móng Cái thì bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Quế Phong cùng Trạm Cảnh sát giao thông huyện Diễn Châu bắt giữ tại xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
 
Sập bẫy “mẹ mìn” trước cổng trường
 
Hơn một tuần sau khi Lô Thị Hợi và Vi Thị Pồn sa lưới, chiều 10/10/2014, Phòng CSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Nghệ An nhận tin báo: tại Bến xe TP.Vinh có một đối tượng buôn người đang dẫn theo 4 thiếu nữ chờ đón xe khách ra Móng Cái. Ngay sau đó, một tổ công tác đã có mặt thì thấy 4 thiếu nữ có dáng dấp như những học sinh dân tộc thiểu số đang lên xe khách BKS 14N - 088.36. Nhưng khi chiếc xe khách bắt đầu chuyển bánh  thì 4 thiếu nữ lại bước xuống, ra khỏi bến xe rồi leo lên chiếc ôtô 4 chỗ.
 
Khi xe lăn bánh, các trinh sát nhanh chóng bám theo. Sau một lúc lòng vòng trong thành phố để dò xét, chiếc xe này bất ngờ tăng tốc lao ra QL1A chạy đến ngã ba Yên Lý (thuộc địa phận huyện Diễn Châu) rồi thả 4 thiếu nữ xuống. Tại đây, các em được đưa lên một chiếc xe khách để tiếp tục hành trình ra Móng Cái. Ngay sau khi 4 cô gái Khơ Mú vừa yên vị trên chiếc xe khách thì tổ công tác Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Trạm Cảnh sát giao thông Công an huyện Diễn Châu xuất hiện giải cứu, thoát khỏi tay bọn buôn người.
 
Tại cơ quan điều tra, 4 nạn nhân khai tên Lương Thị Năm (SN 2000), Xeo Thị Mai (SN 1993) cùng hai chị em ruột Ven Thị Coóng (SN 1996) và Ven Thị Nhung (SN 1998, đều trú bản Thảo Đi, xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn). Trong số các em, ngoài Mai đã nghỉ học, còn lại đều đang là học sinh lớp 9. Theo lời kể của các thiếu nữ, cách đó 4 ngày, trong lúc các em đang vui chơi trước cổng trường THCS Bảo Nam thì có một phụ nữ trạc 40 tuổi, ăn mặc sang trọng đến lân la làm quen. Sau đó, người đàn bà này dụ dỗ các em đi làm công nhân với mức lương cao.
 
Mặc dù đang còn đi học, nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên khi nghe nói làm việc với mức lương cao thì cả 4 em lưỡng lự. Thấy vậy, người phụ nữ bảo nếu các em đồng ý sang Trung Quốc, khi vào làm ổn định thì công ty sẽ gửi về cho gia đình mỗi người 100 triệu đồng. Trong suy nghĩ non nớt của các em, với số tiền lớn như thế thì gia đình không phải sống khổ sở nữa nên đã âm thầm về nhà xếp quần áo đi theo người phụ nữ lạ mặt. Trong quá trình đón xe khách, người phụ nữ này không đi theo mà viện cớ có việc bận nên sẽ đi chuyến sau. Sau đó, bà ta giao cho Xeo Thị Mai một chiếc ĐTDĐ để liên lạc dọc đường, rồi đưa tiền cho các em tự đón xe xuống Vinh.
 
Rạng sáng 10/10/2014, khi chiếc xe khách chở 4 thiếu nữ xuống đến bến xe Vinh, người phụ nữ gọi điện thoại hướng dẫn các em vào nhà nghỉ bến xe thuê phòng. Đến chiều cùng ngày, khi các em tỉnh dậy bà ta tiếp tục điện thoại hướng dẫn đón xe ra Móng Cái. Tuy nhiên, trong lúc vừa lên xe, sợ bị lực lượng chức năng phát giác nên bà ta bảo các em dừng lại để thuê chiếc xe 4 chỗ chạy lòng vòng thành phố nhằm đánh lạc hướng nếu bị theo dõi, nhưng vẫn bị lực lượng chức năng phát giác. Ngay sau đó, 4 thiếu nữ đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn đón về bàn giao cho gia đình chăm sóc. 
 
Thượng tá Châu Văn Thao - Phó trưởng Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Nghệ An - cho biết, vấn nạn buôn người chủ yếu xảy ra ở các huyện miền núi phía tây Nghệ An, nơi chiếm đa phần là đồng bào các dân tộc thiểu sốë. Ở những khu vực này lực lượng lao động thừa, học sinh học xong các cấp, kể cả trình độ cao đẳng lúc ra trường về đều không bố trí được công ăn việc làm. Lợi dụng tình hình đó, bọn buôn người đã  tiếp cận dụ dỗ lừa họ đưa ra nước ngoài bán.
 
Theo thượng tá Thao, trong năm 2014, phòng đã phối hợp với Công an tỉnh lập chuyên án phá 4 vụ buôn người. “Bọn tội phạm buôn bán người hoạt động rất tinh vi. Chúng không ở một địa bàn và không đăng ký tạm trú một nơi cố định. Trong lúc đó, chúng còn được các đối tượng buôn bán người chuyên nghiệp ở nước ngoài hậu thuẫn nên quá trình điều tra truy bắt chúng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, chưa có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ cho việc đấu tranh chống tội phạm buôn người. Trong lúc đó, để theo đuổi một vụ án buôn người, các trinh sát phải đeo bám theo đối tượng để xác minh, thu thập chứng cứ nên kinh phí rất tốn kém” - thượng tá Thao trăn trở.
 
Bốn thiếu nữ được lực lượng Công an tỉnh Nghệ An giải thoát khỏi tay bọn buôn người
Bốn thiếu nữ được lực lượng Công an tỉnh Nghệ An giải thoát khỏi tay bọn buôn người
 
Ngày 24/10/2014, Đồn Biên phòng Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) tiếp nhận đơn tố cáo của anh Vi Văn Sử (SN 1989, trú xã Lục Dạ, huyện Con Cuông) tố cáo bà Vi Thị Vân (SN 1971, quê xã Môn Sơn) về hành vi lừa chính con đẻ mình là chị Lô Thị Thành (SN 1993, vợ anh Sử) cùng cháu ngoại Vi Thị Thùy Ân (SN 2012) đưa sang Trung Quốc bán.
 
Theo anh Sử, bà Vân đã lấy chồng Trung Quốc và cư trú bên đó. Cách đây 2 tháng, bà ta trở về Việt Nam dụ dỗ vợ anh Sử bồng theo cháu ngoại trốn sang Trung Quốc. Anh Sử nhiều lần gọi điện thoại cho bà Vân xin đưa vợ con về, nhưng bà này yêu cầu anh Sử phải đưa 30 triệu đồng. Cũng trong thời gian đó, bà Vân ép con gái phải lấy chồng Trung Quốc, nhưng chị Thành không chấp nhận và đòi về quê.
 
.

Nguồn: Báo CA TP HCM

.