Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201604/toan-canh-ve-hoat-dong-da-cap-tai-nghe-an-ky-iii-674636/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201604/toan-canh-ve-hoat-dong-da-cap-tai-nghe-an-ky-iii-674636/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Toàn cảnh về hoạt động đa cấp tại Nghệ An (Kỳ III) - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 28/04/2016, 15:05 [GMT+7]

Toàn cảnh về hoạt động đa cấp tại Nghệ An (Kỳ III)

Kỳ I: Xã nghèo có  12 cán bộ “chơi” đa cấp

Kỳ II: Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam biến cán bộ xã Thanh Sơn thành cộng tác viên đa cấp như thế nào?

(Congannghean.vn)-Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân và đánh vào tâm lý “không làm gì nhưng vẫn có tiền”, các công ty đa cấp đã ồ ạt “tấn công” vào mọi tầng lớp trong xã hội, từ cán bộ, công chức đến giáo viên, sinh viên và cả những người nông dân chân lấm tay bùn. Đằng sau những “chiếc bánh vẽ” quá lớn của các công ty đa cấp là những giọt nước mắt, sự ân hận muộn màng và cả những gia đình bên bờ tan nát.

Kỳ III: Điểm mặt những chiếc “bánh vẽ” đa cấp ở xứ Nghệ

Nạn nhân Liên kết Việt tiếp tục trình báo

Hoạt động đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy tại Nghệ An gần đây liên tục bị khách hàng “tố” lừa đảo (Trong ảnh: Cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy tại TP Vinh)
Hoạt động đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy tại Nghệ An gần đây liên tục bị khách hàng “tố” lừa đảo (Trong ảnh: Cơ sở của Thiên Ngọc Minh Uy tại TP Vinh)

Trên địa bàn Nghệ An, tính đến thời điểm hiện nay có 32 công ty được Sở Công thương cấp phép tổ chức bán hàng đa cấp với hàng nghìn thành viên tham gia, hoạt động chủ yếu dưới hình thức các chi nhánh phát triển mạng lưới bán hàng đa cấp, có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Các công ty này triển khai bán hàng đến hầu hết các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh; đối tượng tham gia bán hàng đa cấp rất đa dạng như cán bộ, công nhân, trí thức, hưu trí, sinh viên, nông dân... và đến từ nhiều địa bàn khác nhau.

Việc phát triển thành viên chủ yếu dựa vào các mối quan hệ anh em, họ hàng, bạn bè. Các đối tượng đã lợi dụng sự cả tin, thiếu hiểu biết và hám lợi của người tiêu dùng để lôi kéo tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2015, đã có khoảng 3.000 người tại Nghệ An tham gia bán hàng đa cấp.

Đồng chí Đại tá Bùi Nguyên Tiến, Trưởng phòng Tham mưu Công an Nghệ An cho biết: Thời gian vừa qua trên địa bàn Nghệ An, hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp của một số tổ chức, cá nhân có những hành vi và biểu hiện vi phạm pháp luật.

Các đối tượng lợi dụng các phương thức, thủ đoạn như mạo danh tổ chức, cá nhân có uy tín, đưa ra những thông tin không có thật, hứa hẹn lợi ích lớn, thu lợi nhanh chóng để dụ dỗ người khác tham gia.

Từ đó, huy động nguồn tài chính trong nhân dân với số lượng lớn, phát triển với nhiều hình thức biến tướng khác nhau, có tính chất lôi kéo nhiều người thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi ở nhiều vùng miền.

Ngoài Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam, trên địa bàn Nghệ An còn có một số công ty đa cấp khác như Văn phòng Công ty CP Liên kết Thương mại Việt Nam (Liên kết Việt), mở từ tháng 12/2014 tại đường Đặng Thái Thân, phường Cửa Nam, TP Vinh.

Sau 6 tháng hoạt động, đến tháng 4/2015, Văn phòng này đã có quyết định giải thể, thu hồi con dấu từ phía Công ty vì không phát triển được hội viên và không mang lại lợi nhuận cho Công ty. Trong thời gian này, Văn phòng đã lôi kéo được 57 người tham gia, với 179 mã hàng được giao dịch, tổng số tiền là 1,539 tỉ đồng.

Đến tháng 4/2016, cơ quan CSĐT Công an Nghệ An đã làm việc với 13 trường hợp, ngoài ra còn 2 trường hợp khác trực tiếp đến trình báo, đã mua tổng cộng 17 mã hàng với số tiền 136 triệu đồng và cả hai trường hợp này đều đã nhận được hàng cũng như tiền “hoa hồng” mỗi khi giới thiệu thêm được người khác tham gia.

Một trong số những gói hàng trị giá 8.450.000 đồng của Công ty VietNet
Một trong số những gói hàng trị giá 8.450.000 đồng của Công ty VietNet

Cụ thể, theo Trung tá Nguyễn Văn Khương, Đội phó Đội 2, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Nghệ An, bà Nguyễn Thị P. (56 tuổi), trú tại huyện Con Cuông, là cán bộ về hưu, năm 2015 bà P. bỏ ra số tiền 115 triệu đồng để mua 14 mã hàng từ Công ty Liên kết Việt.

Đến nay, bà P. đã nhận được số tiền hàng theo hóa đơn là 54 triệu đồng. Ngoài ra, bà này còn nhận hơn 100 triệu đồng tiền “hoa hồng” vì giới thiệu thêm được nhiều người khác tham gia.

Tương tự, bà Trần Thị T. (62 tuổi) trú tại TP Vinh cũng đã bỏ ra số tiền 21 triệu đồng để mua 3 mã hàng, bao gồm các sản phẩm máy vật lý trị liệu, thực phẩm chức năng và máy ôzôn. Bà T. đã có tiền “hoa hồng” nhưng chưa nhận được, đang ký gửi tại công ty ở Hà Nội vì chưa có thẻ ngân hàng nên không thể chuyển khoản. Ngoài ra, cơ quan CSĐT đang tiếp tục lấy lời khai một số trường hợp khác.

Theo Trung tá Khương, phần lớn các nạn nhân đều không hợp tác, thậm chí cố tình che giấu hành vi vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hạnh phúc gia đình nên đã gây không ít khó khăn cho cơ quan Công an.

Nhiều sai phạm tại các công ty đa cấp

Hiện nay, trên địa bàn Nghệ An còn có một số tổ chức sai phạm trong lĩnh vực kinh doanh đa cấp, đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đơn cử như Công ty CP Công nghệ mới và Phát triển Quốc tế Amway Việt Nam (18 An Dương Vương, TP Vinh), không thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định; Công ty TNHH Nhật Dương, đại lý của Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (62 Mai Hắc Đế, TP Vinh), bán các mặt hàng thực phẩm chức năng sử dụng giấy chứng nhận quá hạn sử dụng và không báo cáo kết quả hoạt động theo quy định và Công ty CP Thương mại Diamond Holiday Việt Nam (tầng 3, số nhà 72, đường Chu Văn An, TP Vinh), lợi dụng kinh doanh bán hàng đa cấp để lừa đảo.

 Một nông dân nghèo thất thần bên các sản phẩm đa cấp
Một nông dân nghèo thất thần bên các sản phẩm đa cấp

Gần đây nhất là hoạt động của Chương trình Trái tim Việt Nam, thuộc Trung tâm Hỗ trợ người nghèo phát triển nông thôn mới, đã vận động nhiều người tham gia gửi tiền vào Trung tâm này, người ít nhất là 1,2 triệu đồng. Khi góp tiền, người dân phải ký vào đơn tự nguyện tham gia và không được rút lại tiền.

Sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, nhận thấy hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng huy động vốn đa cấp để lừa đảo nên đã kiến nghị cơ quan chức năng đề nghị ngừng hoạt động, đồng thời yêu cầu khắc phục hậu quả bằng tài chính, trả lại tiền đã nhận cho nhân dân, chậm nhất đến tháng 6/2016, nếu không sẽ xử lý hình sự.   

Đặc biệt, thời gian gần đây, hoạt động của Công ty Thiên Ngọc Minh Uy tại địa bàn Nghệ An có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên tục bị khách hàng khiếu nại và tại nhiều địa phương, chính quyền đã vào cuộc khá quyết liệt.

Cụ thể, Thiên Ngọc Minh Uy đã mở 6 chi nhánh tại 6 địa phương trong toàn tỉnh, trong đó tại TP Vinh, cơ sở mang tên Hoàng Giang Phúc, do ông Lê Văn Định làm đại diện, địa chỉ tại đường Lê Văn Miến, phường Hà Huy Tập; tại huyện Diễn Châu, cơ sở này đứng tên là nơi ký gửi hàng hóa, do anh Nguyễn Tiến Trường, trú tại khối 4, thị trấn Diễn Châu làm đại diện; đại lý tại huyện Quỳ Hợp do ông Nguyễn Văn Thái, trú tại khối Đông Hồ, thị trấn Quỳ Hợp làm chủ; tại huyện Quỳnh Lưu, cơ sở này đóng tại nhà ông Nguyễn Đăng Thiện ở xóm 3, xã Quỳnh Hồng và tại TX Thái Hòa là do anh Trần Văn Cường, trú tại khối 8, phường Long Sơn làm đại diện. Ngoài ra, cơ sở Hoàng Giang Phúc ở huyện Đô Lương cũng phát triển rất mạnh, do anh Hồ Thế Sỹ, trú tại xóm Yên Trường, xã Yên Sơn làm đại diện.

Trong số này, cơ sở tại 2 huyện Đô Lương và Diễn Châu đã phát sinh kiện tụng của khách hàng và chính quyền địa phương 2 huyện này cũng đã phát thông báo, cảnh báo cho nhân dân biết về những chiêu trò “đồng sàng, dị mộng” của Thiên Ngọc Minh Uy.

(còn nữa)

Kỳ cuối: Lật tẩy chiêu trò của các công ty đa cấp

.

Thiên Thảo

.