Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201607/nghich-ly-khi-cu-nhan-xuong-nuoc-di-hoc-nghe-688382/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201607/nghich-ly-khi-cu-nhan-xuong-nuoc-di-hoc-nghe-688382/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nghịch lý khi cử nhân 'xuống nước' đi học nghề - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 14/07/2016, 15:05 [GMT+7]

Nghịch lý khi cử nhân 'xuống nước' đi học nghề

Không việc làm buộc các cử nhân phải đổ xô về các khu công nghiệp (KCN) xin việc. Không việc làm khiến nhiều người đã có bằng đại học phải quay lại học nghề với ước mơ có việc làm ổn định. Đó là những nghịch lý xót xa của công tác đào tạo, hướng nghiệp. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa có một giải pháp đủ mạnh để cải thiện tình hình.

Phía sau giấc mơ

Bần thần và xót xa đến nỗi không muốn ăn uống, chưa bao giờ bà Nguyễn Thị Mến ở xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) lại rầu lòng đến thế. Số là, chồng mất sớm, bà đã cố gắng thắt lưng buộc bụng cho hai đứa con học đại học.

Ngay cả công nhân, chất lượng lao động cũng thấp (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Ngay cả công nhân, chất lượng lao động cũng thấp (ảnh chỉ mang tính chất minh họa)

Trong thời gian các con học ở ngoài Hà Nội đã được vay tiền học theo chế độ sinh viên nghèo. Nhưng vay thì phải trả. Vậy mà các con đã đi làm hơn một năm, số tiền nợ còn lại 100 triệu đồng vẫn còn đó. Bà Mến tâm sự: "Không xin được việc, về quê đi làm công nhân. Bằng đại học phải cất đi. Phí mất mấy năm học".

Bà Mến cũng tâm sự, với mức lương của các con hiện tại chỉ đủ sinh hoạt và trả lãi. Để trả hoàn toàn cả gốc lẫn lãi, phải đợi đến khi các con được tăng lương gấp rưỡi, gấp đôi. "Bây giờ gia sản của tôi chỉ còn một con bò già. Nhà cửa thì xập xệ. Nhà tôi cũng vừa phải ra khỏi hộ nghèo, vì cán bộ nói con tôi ra trường đi làm rồi. Chỉ mong tôi đừng ốm, để khỏi phải chi đến tiền", bà Mến thổ lộ.

Tìm hiểu tại các KCN của tỉnh Hải Dương, chúng tôi ghi nhận rất nhiều trường hợp thanh niên giấu bằng cử nhân, và chỉ khai là lao động phổ thông để đi xin làm công nhân. Chỉ đắng lòng những bậc làm cha, làm mẹ, không thể định hướng cho con, mà gắng gỏi lao động, cho con thi và học đại học bằng mọi giá. Điều đáng nói là những ông bố, bà mẹ tích cực đầu tư cho con học đại học, cao đẳng như bà Mến rồi nhận về nỗi thất vọng vô cùng nhiều.

Và "đau" hơn, không ít người xấu hổ trước hàng xóm khi con đi làm công nhân.

Ông Nguyễn Thế Trung, người dân xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), cho biết ông có hai con, một trai một gái. Một đứa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thái Nguyên, một đứa tốt nghiệp Đại học Phương Đông Hà Nội, nay phải xin đi làm công nhân sau khi đã nhiều lần "nhăm nhe" xin việc ở cơ quan nhà nước không thành.

Ông Trung nói: "Đã bở hơi tai vì chạy vạy cho con đi học rồi, vợ chồng tôi không đủ sức để tiếp tục chạy việc. Thôi đành để chúng nó làm công nhân, kiếm cơm mà ăn".

Tại các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… nhiều KCN cũng thu hút các cử nhân giấu bằng, "xuống nước" chấp nhận làm công nhân sau khi đã đi làm quăng quật ở nhiều nơi.

Anh Nguyễn Văn Tân ở xã Hòa Phong, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên), người từng dốc sức học đại học, giờ về làm thợ mộc, lý giải: "Các bạn ấy chấp nhận về làm công nhân là để gần nhà. Họ làm thuê ở các nơi khác thì phải mất tiền thuê nhà, lương thấp nên không giữ được tiền. Về nhà ở với bố mẹ, ăn cơm mẹ nấu rẻ hơn, mức lương 4 đến 6 triệu đồng là sống ổn".

Cũng ở Hưng Yên, chúng tôi đã gặp không ít cử nhân về quê làm ruộng. Họ cho rằng việc đi làm thuê luôn bị động và số tiền nhận được không xứng với công sức bỏ ra. Trong khi đó diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều.

Một trong những người tiêu biểu là vợ chồng anh Lê Công Chí - Nguyễn Thị Thuần ở xã Hồ Tùng Mậu, huyện Ân Thi. Cả Chí và Thuần từ năm 2003 đều học trung cấp kế toán. Hai người yêu nhau, sống cùng xóm trọ ước mơ liên thông lên đại học. Họ được như ý nguyện nhưng trầy trật mãi xin chẳng được việc. Nếu chấp nhận làm việc cho công ty tư nhân ở Hà Nội thì lương thấp, lại phải thuê nhà nên không đủ sống.

Chí cho biết: "Chúng em cưới nhau và bàn với nhau là về Hưng Yên làm công nhân. Được một thời gian, lương công nhân thấp, vợ em sinh con, nên em không thể kham nổi về kinh tế. Sẵn có điều kiện trong xã dồn điền đổi thửa, em quyết định về quê trồng rau, nuôi lợn nuôi gà".

Cử nhân đi học nghề

Một sự thật đớn đau, theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) vào đầu năm 2016, cho thấy tới hơn 225 nghìn cử nhân, thạc sĩ không có việc làm. Đó thật sự là con số khiến những người làm chính sách cũng như các bạn trẻ phải trăn trở. Trước mắt, những người dân chịu khó đầu tư cho con phải nếm trái đắng. Nhưng một vấn đề khác, cũng "đắng" chẳng kém chính là việc không ít cử nhân phải đi học nghề. Một hình thức mà nhiều chuyên gia cho là hiện tượng "liên kết ngược".

Hà Nội là địa phương tập trung rất nhiều trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề. Hiện tại, nhiều trường có tới 20% học viên học trung cấp, cao đẳng nghề đã có bằng đại học. Như trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội, hiện là một trong những địa chỉ được nhiều nữ cử nhân lựa chọn. Trường Trung cấp Y dược Hà Nội cũng tương tự, mỗi năm tiếp nhận hàng trăm cử nhân đi học nghề.

Lý do được xác định là nhiều học sinh đoán sai nhu cầu thị trường lao động, đã cố gắng thi vào các trường đại học "hot" như Ngân hàng, Kinh tế, Tài chính, Báo chí… đến khi kinh tế suy thoái, nhu cầu tuyển dụng ít dẫn đến số lượng cử nhân thất nghiệp tăng cao.

Thạc sĩ Lê Hồng Khanh, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp y dược sĩ Hà Nội cho biết, nhà trường có khoảng 1.000 học viên thì có gần 50% đã có bằng đại học. Nhiều người ra trường không có việc làm vài năm rồi đi học tiếp trung cấp để kiếm cái nghề.

Trước vấn đề này, ông Vũ Xuân Hùng - Viện trưởng Viện Khoa học dạy nghề (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, đây là một tín hiệu tốt, cho thấy cần đánh giá lại cả hệ thống giáo dục, phân luồng học sinh. Quá nhiều trường đại học ra đời mà chất lượng tuyển đầu vào rất kém. Thậm chí tổng cả ba môn có 10 điểm mà cũng đỗ đại học. Thất nghiệp, các em cần phải tìm đường sống thôi. Mà con đường đi học nghề là một giải pháp tốt.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh - Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên Hà Nội, cho rằng: "Việc phân luồng, hướng nghiệp học sinh đã không được chú trọng dẫn đến chuyện là thừa thầy thiếu thợ. Nhiều cử nhân mà thiếu công nhân lao động có tay nghề cao. Điều này đã được nhắc đến nhiều năm, nhưng những giải pháp hiệu quả thì chưa được các cơ quan chức năng triển khai".

Đồng quan điểm ấy, trong một buổi đối thoại trên truyền hình gần đây, nhà văn Y Ban, công tác tại báo Giáo dục thời đại cho rằng, hiện tượng cử nhân đi học nghề cho thấy xã hội đang tự có cách chuyển hóa. Rằng nhiều người ngộ ra tấm bằng đại học không quan trọng bằng một công việc.

Sớm cải tiến công tác dạy nghề

Mang nỗi băn khoăn và cả những bi kịch của các thanh niên đang khát việc làm đi hỏi cơ quan chức năng, ông Cao Văn Sâm, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề tâm sự: "Cứ đổ xô đi học đại học, trong khi học xong vẫn phải đi làm công nhân, hoặc thất nghiệp thì quá lãng phí nguồn nhân lực trẻ. Đây là một bài toán khó cần giải từng bước".

"Bài toán" đó, theo ông Sâm cũng như nhiều chuyên gia là quá trình hướng nghiệp, phân luồng, hướng học sinh theo học nghề. Nghề gì cần nhiều lao động, lương cao thì tổ chức tuyên truyền mạnh để tận dụng sức lực của lực lượng lao động trẻ. Có một tín hiệu đáng mừng là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 có tới 32% học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp mà không thi đại học, cao đẳng. Trong đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã không còn coi việc theo học đại học, cao đẳng là con đường duy nhất để lập thân.

Thay vào đó, nhiều em đã muốn theo học nghề để dễ có việc làm. Tuy nhiên, thực tế công tác đào tạo nghề để "đón" các em còn nhiều bất cập, nhiều trường dạy nghề yếu cả nhân lực và vật lực.

Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: "Nhiều trường nghề hoạt động không hiệu quả, không tuyển sinh được, đặc biệt là hệ thống các trường dân lập đã tự tan rã. Nguyên nhân là do không cạnh tranh được với các trường đại học trong tuyển sinh, nhất là khi có quá nhiều trường đại học hiện nay chỉ xét học bạ như trường nghề. Dù sinh viên học nghề ra trường dễ có công ăn việc làm, song nhiều học sinh vẫn "chê" trường nghề, vì chúng ta chưa làm tốt công tác phân luồng giáo dục và tâm lý người dân vẫn sính đại học".

Không còn cách nào khác, để giảm số cử nhân thất nghiệp, giảm thiểu những nghịch lý, thậm chí là bi kịch sau tấm bằng đại học, cần những giải pháp hiệu quả. Từ cải tiến hệ thống trường đào tạo nghề cho tới công tác phân luồng, hướng nghiệp học sinh. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng phải được thực hiện thiết thực hơn.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Tổng cục Trưởng Tổng cục Dạy nghề cho hay: Giải pháp hiệu trưởng nhiều trường nghề ký cam kết với học viên ngay khi vào học, về việc đảm bảo đầu ra là rất hữu hiệu, có thể hút học viên trong thời gian tới.

Ngoài ra, ông Minh đưa ra giải pháp hút học viên hữu hiệu chính là nâng cao chất lượng đào tạo để hội nhập. Học viên ra trường có thể tham gia bất kỳ thị trường lao động nào trong khu vực cũng như thế giới với mức lương được quy định theo hạn bậc. Còn Thứ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Huỳnh Văn Tí đề xuất, trong thời gian tới cần ra quy định yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước tuyển sinh lao động phải có chứng chỉ nghề. Điều này vừa giải bài toán tuyển sinh cho các trường nghề vừa nâng cao chất lượng nguồn lực lao động.

.

Nguồn: Cand.com.vn

.