Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201611/chung-tay-ngan-chan-tham-hoa-ve-moi-truong-708094/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201611/chung-tay-ngan-chan-tham-hoa-ve-moi-truong-708094/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chung tay ngăn chặn thảm họa về môi trường - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 09/11/2016, 10:12 [GMT+7]

Chung tay ngăn chặn thảm họa về môi trường

Suốt 5 năm qua, kể từ ngày Nhà máy Xi măng Phú Thọ đi vào hoạt động, người dân sống quanh đây không có lấy một ngày yên ổn. Nguyên nhân là nhà máy ngay cạnh khu vực dân cư và tất nhiên, hàng loạt hệ lụy kéo theo.

Minh họa của Lê Tâm.
Minh họa của Lê Tâm.

Một người dân sống lâu ở đây bức xúc: Trừ những lúc máy móc trục trặc không hoạt động, còn ngày nào cũng ầm ầm nhức đầu lắm. Tiếng ồn, khói bụi, nhất là mùi hôi của bụi xi măng rất khó thở. Trời nắng chang chang mà quần áo cũng không thể phơi bên ngoài vì bụi, vườn chuối của nhà quanh năm suốt tháng phủ kín một màu trắng, từ khi trồng đến giờ là 3 năm mà không thể ra quả…

Một người dân khác cũng không nén nổi nỗi bực dọc phải chịu đựng hằng ngày: Rau nhà trồng mà không thể ăn vì bụi xi măng gặp nước liền đông cứng thành từng mảng, có rửa thế nào cũng không sạch. Nước máy bơm, giếng khoan cũng bị ô nhiễm, dù đã nấu sôi vẫn có mùi hóa chất rất khó chịu. Nước để giặt đồ thì đành phải sử dụng nước của nhà, quần áo mặc vào người ngứa ngáy khắp người…

Còn một Phó giáo sư Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia giải thích: Bụi xi măng phần lớn là bụi nhỏ, dễ phát tán đi xa, bay lơ lửng trong không khí. Ngoài ra, loại bụi này còn có tác động như một chất kiềm, gây ra những bệnh hô hấp cho người khi hít phải.

Trường hợp ô nhiễm môi trường ở Nhà máy Xi măng Phú Thọ không phải là cá biệt. Những năm gần đây, một vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội là tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra.

Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của giống nòi. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các khu đô thị lớn.

Theo một kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cách đây không lâu, tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam, xếp theo thứ hạng về ô nhiễm đất, nước, không khí, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội là 2 địa bàn ô nhiễm đất nặng nhất. Cũng theo báo cáo Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 2 trong số những thành phố đứng đầu châu Á về mức độ ô nhiễm bụi, khói xe.

Đánh giá mới đây của Bộ Tài nguyên - Môi trường cho thấy, hầu hết các khu, cụm, điểm công nghiệp mà địa phương nào cũng có là chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về môi trường theo quy định. Do không được giải quyết dứt điểm, coi thường sự phản ánh của nhân dân nên từ đó gây bất bình, dẫn đến những phản ứng, đấu tranh quyết liệt của người dân khu vực đối với những hoạt động gây ô nhiễm môi trường, thậm chí bùng phát thành các xung đột xã hội gay gắt.

Tác hại từ việc ô nhiễm môi trường là quá lớn mà chúng ta đều thấy rõ. Ngoài những hậu quả làm vỡ hệ cân bằng sinh thái, điều chúng ta quan tâm nhất là sức khỏe con người. Không chỉ những người dân sống quan khu vực gây ô nhiễm mới chịu hậu quả mà cả những người ở khu vực xa hơn cũng bị ảnh hưởng. Đó là những bệnh tật hiểm nghèo, chữa trị vô cùng tốn kém mà điển hình nhất là bệnh ung thư.

Thật buồn khi Tổ chức Y tế thế giới nhận định trong một tương lai gần, Việt Nam là nước đứng thứ hai trên thế giới về tỷ lệ bệnh nhân ung thư. Bị ung thư nghĩa là tử thần gõ cửa, là cái chết được báo trước vì chưa có thuốc nào đặc trị. Còn hiện giờ, khi phải vào các bệnh viện ung bướu, chúng ta phải chứng kiến những hình ảnh thật đau lòng: Bệnh nhân quá tải, giường bệnh kê kín cả hành lang và những khuôn mặt nhợt nhạt vì phải chịu nỗi đau thể xác hằng ngày.

Làm gì để ngăn thảm họa này? Giải pháp chung của các quốc gia là: Luôn hành động thân thiện với môi trường; Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; Coi trọng sự phát triển bền vững; Tăng cường công tác dự báo khí tượng thủy văn và hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường. Đặc biệt, những vi phạm về môi trường phải được giải quyết một cách quyết liệt. Điều này là việc phải làm và làm tốt một khi biết đặt quyền lợi chính đáng của người dân lên trên hết.

.

Nguồn: Báo CAND

.