Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201709/khon-kho-khi-mua-chung-cu-gan-mac-cao-cap-757827/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201709/khon-kho-khi-mua-chung-cu-gan-mac-cao-cap-757827/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khốn khổ khi mua chung cư gắn mác cao cấp - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 19/09/2017, 08:46 [GMT+7]

Khốn khổ khi mua chung cư gắn mác cao cấp

Bỏ ra vài tỷ mua chung cư cao cấp với mong muốn được hưởng đủ tiện ích chất lượng cao, thế nhưng, nhiều người đã phải khóc ròng khi chỉ một thời gian ngắn sau, chung cư cao cấp đã xuống cấp hay phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân…
 
Treo đầu dê, bán thịt chó
 
Bàn giao nhà khi chưa hoàn thiện hệ thống Phòng cháy chữa cháy (PCCC), vỡ bể phốt, khu chung cư không có đủ các tiện ích như quảng cáo, không có đường vào, không đủ điều kiện pháp lý, chủ đầu tư tự chuyển đổi công năng của căn hộ…
 
Những vấn đề trên chỉ là số ít trong vô vàn bức xúc của những người đã đổ hàng tỷ đồng vào mua những chung cư được gắn mác cao cấp trên địa bàn Hà Nội. Để rồi đổi lại đó là hàng ngày hàng giờ họ phải cùng nhau căng băng rôn, khẩu hiệu để phản đối chủ đầu tư vì những sai phạm, khuất tất đó.
Phản đối chủ đầu tư tại chung cư Capital Garden.
Phản đối chủ đầu tư tại chung cư Capital Garden.
Cách đây không lâu, hàng trăm người dân mua nhà tại khu chung cư cao cấp Capital Garden (ngõ 102 Trường Chinh) đã phải ra đường chăng băng rôn khẩu hiệu để phản đối chủ đầu tư về một số khuất tất trong việc đóng tiền điện nước. Theo đó, trước khi nhận nhà, mỗi căn hộ hoàn thành cơ bản phải đóng thêm 3-4 triệu đồng và căn hộ nhận thô đóng 9-10 triệu đồng.
 
Với khoản tiền này, chủ đầu tư cho rằng đây là phí đóng tiền điện và nước trong thời gian căn hộ còn phải sửa chữa. Vì vậy, khi về ở, số điện, nước tiêu thụ đến đâu sẽ chốt đến đó. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã không thực hiện như lời hứa ban đầu mà thu tiền điện nước từ đầu. Trong quá trình sinh sống, chủ đầu tư là đối tượng đứng ra trực tiếp thu tiền điện, nước của người dân.
 
Ngoài ra, trước đó, khi bàn giao căn hộ, nhiều hộ dân ngỡ ngàng trước việc chủ đầu tư không hoàn thiện nhiều hạng mục như cam kết ban đầu. Một cư dân cho biết: "Tôi mua căn hộ tháng 5/2015. Tết năm ngoái thì nhận nhà, dịp này nhiều người nhận để ăn Tết. Khi nhận thì họ chỉ gọi là hoàn thiện những cái cơ bản, còn những cái khác vẫn đang xây dựng. Nhưng để tránh việc bị phạt vì chậm bàn giao theo hợp đồng nên họ dồn mình vào ở. Khi chúng tôi nhận là hệ thống PCCC chưa hoàn thiện, đến bây giờ vẫn chưa được nghiệm thu".
 
Nhận được đơn kêu cứu của cư dân, sau quá trình tiến hành xác minh, ngày 22-8, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã có văn trả lời tới đại diện của các hộ dân đang sinh sống ở đây. Theo đó, qua kiểm tra thực tế công trình, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, công trình đã xây dựng xong, các hạng mục về PCCC đã được lắp đặt và đấu nối, một số thiết bị đã hoạt động tốt, tuy nhiên chế độ liên động giữa hệ thống báo cháy và các hệ thống tăng áp, hút khói chưa đảm bảo theo yêu cầu.
 
Tại văn bản này, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cũng khẳng định, việc công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng đã cho người dân vào ở là vi phạm vào khoản 6, Điều 36 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình.
 
Tại một dự án khác cũng nhiều bức xúc không kém, đó là chung cư Golden West (Thanh Xuân, Hà Nội). Người dân sinh sống tại chung cư này cũng đã phải ra đường phản đối chủ đầu tư. Được giới thiệu là một khu chung cư cao cấp, đầy đủ các tiện ích vượt trội, văn minh và hiện đại, thế nhưng, nhiều người đã vỡ mộng khi chuyển về sống tại đây.
 
Theo đó, tầng cây xanh như phối cảnh lúc mua nhà và trong hợp đồng đã biến mất, thay vào đó là một không gian được lắp kính và khóa kín để cư dân không tiếp cận được. Các ô thông tầng vốn là không gian của tòa nhà, có chức năng lưu thông không khí và phục vụ cứu hỏa đã bị chủ đầu tư đổ bê tông sàn, xây tường, lắp cửa, bịt kín, biến các vị trí thuộc về cộng đồng thành căn hộ nhằm bán kiếm lời.
 
Ước tính, số căn hộ chủ đầu tư đề nghị Sở Quy hoạch kiến trúc phê duyệt thay đổi phương án kiến trúc tăng lên trên 70 căn hộ, tương đương xây thêm hơn 2 tầng nhà ở. Do các ô thông tầng bị bịt kín, không khí trong tòa nhà tù túng, hôi hám toàn mùi của phòng chứa rác.
 
Lối đi bộ quanh tòa nhà đã bị cho thuê làm siêu thị. Việc lấn chiếm dẫn đến tình trạng xe cứu hỏa khi diễn tập chữa cháy đã không thể tiếp cận một mặt của tòa nhà. Nếu xảy ra hỏa hoạn chắc chắn cư dân chỉ đứng im mà chịu chết.
 
Ngoài những vấn đề nói trên, hiện nay vẫn còn nhiều dự án "lừa" người dân bởi những dự án đường đi trên giấy. Khi quảng cáo cho khách hàng, chủ đầu tư luôn hứa hẹn ngôi nhà nằm ở vị trí đẹp, có đường vào rộng rãi nhưng trên thực tế thì đường đó là dự án của Nhà nước và chưa biết bao giờ thực hiện. Hoặc dự án được quảng cáo nằm ở đường này, nhưng thực tế khi bàn giao thì người dân phải sử dụng một con đường khác để đi lại, nhỏ hơn, bất tiện hơn.
 
Nhắc đến những dự án chung cư không có đường vào, không thể không nhắc đến dự án Ecolife Tây Hồ. Tại dự án này, đường quy hoạch chính thức là con đường 40m nối thông từ phố Nguyễn Văn Huyên sang phố Võ Chí Công, thuộc dự án Tây Hồ Tây, Hà Nội nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang.
Người dân Home City dựng băng rôn đòi đường ra.
Người dân Home City dựng băng rôn đòi đường ra.
Con đường tạm để đi vào dự án này bằng đất vốn lầy lội với ổ trâu, ổ gà, không rào chắn, không điện chiếu sáng mà còn bị rào lại một nửa do "hết hạn thuê đường" khiến hàng trăm hộ dân đang sinh sống vô cùng chật vật khi đi lại.
 
Do đường vừa xấu, vừa hẹp, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ở đây như va chạm, ngã xuống mương nước. Cho đến nay, do không có đường vào, cư dân ở đây đã liên tục khiếu kiện căng thẳng gây sức ép với chủ đầu tư trong khi chủ đầu tư chỉ biết trông chờ vào lời hứa của đơn vị làm đường.
 
Hay trước đó, các hộ dân sinh sống tại Home City Trung Kính cũng phải đổ ra đường phản đối chủ đầu tư, làm tắc nghẽn con đường này. Lý do bắt nguồn từ việc trước đó khi xem các sàn giao dịch bất động sản quảng cáo mời mọc mua nhà, ai cũng nghĩ rằng con đường chính của ngôi nhà nằm trên đường Trung Kính.
 
Nhưng thực tế, khi bàn giao căn hộ, người dân phải di chuyển bằng lối ra trên đường Nguyễn Chánh. Điều đáng nói là cho đến hiện nay, các sàn giao dịch vẫn rao những căn hộ thuộc dự án này với cái tên Home City 177 Trung Kính.
 
Trả lời về vấn đề này, chủ đầu tư đã thừa nhận việc cư dân không thể đi lại qua lối 177 Trung Kính dù dự án được rao bán cũng như giao dịch ban đầu theo địa chỉ này. Tuy nhiên, chủ đầu tư khẳng định mình đã minh bạch thông tin dự án khi khách mua nhà, thể hiện rõ lô đất và quy hoạch trong hợp đồng mua bán.
 
Trong thông cáo báo chí, chủ đầu tư dẫn hàng loạt cơ sở pháp lý về dự án bao gồm tổ hợp nhà ở và trường tiểu học, trong đó tại số 177 Trung Kính sẽ xây dựng trường học nên cư dân không thể đi được lối Trung Kính.
 
Dự án khu nhà ở cao tầng sẽ đi theo đường quy hoạch 21m (lối Mạc Thái Tông với Mạc Thái Tổ, song song với Nguyễn Chánh). Chủ đầu tư khẳng định tuyến đường mà cư dân cho là đường tạm chính là đường theo quy hoạch của dự án, đã được chủ đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
 
Tỉnh táo khi lựa chọn
 
Qua những vấn đề, những bức xúc kể trên đã cho thấy nhiều người vẫn còn quá dễ dãi khi đổ tiền tỷ vào các dự án chung cư cao cấp được quảng cáo một cách rầm rộ với cái tên mỹ miều.
 
Theo các chuyên gia về bất động sản cho biết, những tranh chấp của người dân và chủ đầu tư cũng xuất phát từ chính những người mua. Khi đi mua nhà, người mua phải tìm hiểu kĩ xem chủ đầu tư dự án là ai, lịch sử kinh doanh của họ, quá trình xây dựng và các dự án trước đó ra sao. Không phải chủ đầu tư nào cũng bán ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng.
Người dân sống ở chung cư Ecolife vào nhà bằng con đường đất.
Người dân sống ở chung cư Ecolife vào nhà bằng con đường đất.
Hiện nay, có khoảng 70% các chủ đầu tư làm ăn bài bản, đàng hoàng và muốn xây dựng cho mình một thương hiệu tốt. Điều đó đòi hỏi họ phải chỉn chu trong từng sản phẩm và có uy tín với người mua. Và cũng có nhiều chủ đầu tư khác làm ăn chộp giật, làm theo phong trào, bán xong một dự án là đóng cửa công ty.
 
Nếu người mua tỉnh táo có thể xem ngày thành lập của công ty trên internet. Có một số công ty chỉ được thành lập trước khi dự án được chào bán vài tháng. Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyên người mua nhà phải tìm hiểu kĩ chủ quyền đất, tìm hiểu xem dự án đã được phép bán chưa, ngân hàng thương mại nào đứng ra bảo lãnh... Điều quan trọng nữa khách hàng cần nhớ là hợp đồng mua bán rất cần có tham vấn pháp lý của luật sư.
.

Nguồn: Minh Mai/CAND

.