Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201804/bao-dong-ve-an-toan-chay-no-tai-cac-khu-chung-cu-791626/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201804/bao-dong-ve-an-toan-chay-no-tai-cac-khu-chung-cu-791626/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Báo động về an toàn cháy nổ tại các khu chung cư - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/04/2018, 08:33 [GMT+7]

Báo động về an toàn cháy nổ tại các khu chung cư

Bất an về cháy đang là vấn đề "nóng" hiện nay ở các khu chung cư, nhà ống, nhà cao tầng… trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Việc kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm và khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót để xảy ra cháy nổ là vấn đề bức thiết…
 
Vi phạm tràn lan về PCCC
 
Theo số liệu cập nhất mới nhất của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) TP Hồ Chí Minh, hiện toàn thành phố có 406 chung cư cao tầng (từ 11 tầng trở lên), 508 chung cư thấp tầng, 391 nhà cao tầng đa công năng (bao gồm trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở) và trên 1.241 công trình có tầng hầm. 
 
Để đảm bảo an toàn cháy nổ cho các loại hình công trình này, Cảnh sát PC&CC TP Hồ Chí Minh đã lập kế hoạch, tiến hành kiểm tra an toàn về PCCC, đặc biệt đối với loại hình nhà chung cư hàng quý theo quy định. 
Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh khống chế các đám cháy.
Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh khống chế các đám cháy.
Qua kiểm tra phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm an toàn PCCC, các lỗi vi phạm thường gặp gồm: bố trí hàng hóa, vật dụng, phương tiện giao thông cản trở lối thoát nạn; việc trang bị đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn lối thoát nạn không đảm bảo về số lượng, đã trang bị nhưng hư hỏng, không sửa chữa, thay thế; cửa thoát nạn không đảm bảo đóng kín hoặc do người dân chèn cửa mở thường xuyên; có trường hợp người dân lắp đặt cửa ra vào căn hộ mở ra hành lang chung, làm giảm chiều rộng thoát nạn, cản trở lối thoát nạn; việc trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không duy trì hoạt động thường trực của hệ thống PCCC làm khó khăn cho việc phát hiện kịp thời và xử lý ban đầu có hiệu quả khi xảy ra sự cố cháy, nổ; bên cạnh đó là các lỗi câu mắc điện không đảm bảo, không kiểm tra đo điện trở tiếp đất hệ thống chống sét định kỳ.
 
Cụ thể, chỉ trong tháng cao điểm về PCCC (từ 1/6-30/6/2017), đơn vị đã thực hiện công tác kiểm tra 805 lượt chung cư, nhà cao tầng và trung tâm thương mại, đã phát hiện 139 cơ sở vi phạm về phòng cháy. 
 
Đối với những vi phạm thông thường như bình chữa cháy quá thời hạn sử dụng, máy bơm bị hỏng, chuông báo cháy không hoạt động… thì bộ phận kiểm tra vừa lập biên bản xử phạt theo quy định, vừa yêu cầu người đứng đầu cơ sở khắc phục ngay những thiếu sót. 
 
Đối với những trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng thì đơn vị gửi công văn buộc người đứng đầu cơ sở phải khắc phục ngay những vi phạm về phòng cháy trong thời gian được ấn định tùy thuộc vào công trình lớn hoặc nhỏ, nhưng cũng không quá 10 ngày.
 
Thông thường, có 3 nguyên nhân gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng nếu xảy ra đám cháy, đó là: Theo bản vẽ thiết kế được thẩm duyệt về PCCC, cửa ra vào buồng thang thoát hiểm có giới hạn chịu lửa 150 phút và tự động đóng. 
 
Hệ thống tăng áp trong buồng thang bộ kết nối với tủ trung tâm báo cháy sẽ được kích hoạt khi có đám cháy xảy ra và quạt thổi gió phải được tính toán đảm bảo lớn hơn 2kg/m2. Tuy nhiên, từ kết quả khám nghiệm hiện trường vụ cháy chung cư CARINA và thực tế kiểm tra ở một số chung cư khác cho thấy, hầu hết các cửa ra vào cầu thang thoát hiểm đều do người dân tự ý mở rồi dùng các cục bê tông, gạch, đá chèn vào để hứng gió nên khi xảy ra đám cháy, nhiệt độ nhanh chóng tăng lên sẽ đẩy những luồng khói đậm đặc, độc hại theo cầu thang thoát hiểm lan tỏa đến khắp  hành lang các tầng. 
 
Do đó khi người dân từ các tầng đi vào cầu thang thoát hiểm sẽ hít phải khói độc nên bị ngạt và dẫn đến tử vong.
 
Hệ thống báo cháy tự động, hệ thống hút gió tầng hầm, tăng áp buồng thang, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống chữa cháy tự động, màn nước ngăn cháy được kết nối liên động với tủ trung tâm báo cháy phải luôn trong tình trạng khởi động tự động và khởi động bằng tay, nhưng tại chung cư CARINA và một số chung cư khác (qua kiểm tra) đều không hoạt động.
 
Một nguyên nhân khác rất quan trọng là do chủ đầu tư, Ban quản trị không quan tâm đến việc xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ mà phó mặc hoàn toàn cho bộ phận bảo vệ, nhưng hầu hết những người được thuê làm bảo vệ thường không được trang bị kỹ năng về PCCC, hoặc không được tập huấn theo định kỳ nên ý thức của họ rất kém, dẫn đến tình trạng khi có đám cháy xảy ra phát hiện rất muộn. 
 
Đến khi phát hiện thì không biết sử dụng phương tiện tại chỗ để chữa cháy ban đầu và thậm chí còn không nhớ (hoặc không biết) gọi điện cho Cảnh sát PCCC.
 
Tại một số chung cư cũ, chung cư nhỏ có ít hộ gia đình cư ngụ không có đơn vị chủ quản, không có Ban quản trị nên công tác tự kiểm tra, tuyên truyền và thực tập phương án tại chung cư không được quan tâm đúng mức. 
 
Bên cạnh đó người dân chưa ý thức cao trong việc chấp hành các điều kiện an toàn PCCC, do nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh đã tự ý xây dựng cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí khu vực sinh hoạt, kinh doanh trong bãi giữ xe, các phòng kỹ thuật, lắp đặt rào cản, bố trí bãi xe cản trở giao thông phục vụ chữa cháy, làm mất tác dụng của cửa đi vào buồng thang bộ, câu mắc, đấu nối thêm các thiết bị điện không đảm bảo theo quy định. 
 
Tình trạng không có thiết bị, phương tiện PCCC vẫn tồn tại do bị mất cắp hoặc để tránh mất cắp, lực lượng bảo vệ nhà chung cư đã cất hết phương tiện vào kho.
 
Qua khảo sát thực tế như ở chung cư Lê Thành (khu B), phường An Lạc, quận Bình Tân sau khi vụ cháy chung cư CARINA xảy ra nhưng một số hộ dân thiếu ý thức về PCCC vẫn mang một số loại vật liệu dễ cháy ra kê ngoài hành lang như ghế nệm, giường gỗ, thậm chí có tầng còn trải cả nệm mút, chiếu cho người giúp việc ngủ. 
 
Nhiều người còn mang cả bật lửa, gạt tàn ra cầu thang thoát hiểm hút thuốc lá nhưng hút xong lại vứt tàn thuốc bừa bãi gần những chỗ để vật liệu dễ cháy và cũng không thèm cất cả bật lửa. Với ý thức kém như vậy, chỉ cần trẻ em đùa nghịch lấy bật lửa ra chơi thì hậu quả xảy ra khôn lường.
 
Tại chung cư G ở địa bàn phường 16, quận 8, người dân đã sử dụng hành lang và đặc biệt là cầu thang thoát hiểm làm nơi sinh hoạt, nấu nướng cho các bữa ăn hàng ngày. Bình chữa cháy cá nhân nhiều năm không được bảo dưỡng, thay thế, lại chỗ có, chỗ không gây mất an toàn nghiêm trọng về công tác PCCC. 
 
Sau nhiều lần kiểm tra và được yêu cầu nhưng không khắc phục lỗi vi phạm, đến đầu tháng 2-2018, Cảnh sát PCCC đã đề nghị chính quyền địa phương sử dụng biện pháp cưỡng chế buộc Ban quản lý và người dân phải khắc phục lỗi vi phạm dưới sự giám sát trực tiếp của các đơn vị chức năng.
 
Bài học từ nhiều nguyên nhân
 
Qua vụ cháy chung cư CARINA cho thấy ý thức cũng như  kiến thức về PCCC của người dân chưa cao, kỹ năng thoát hiểm cũng không được cập nhật nên khi xảy ra đám cháy, người dân đổ xô ra cầu thang thoát hiểm. 
 
Thượng tá Nguyễn Đức Vinh - Phó trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh cho biết: Luật PCCC quy định, PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam. 
 
Trách nhiệm của Cảnh sát PCCC là phải hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân làm nhiệm vụ chữa cháy. Ngay khi chung cư Carina đưa vào sử dụng, đơn vị đã phân công cán bộ kiểm tra, nghiệm thu công tác PCCC. 
 
Từ năm 2012 đến nay, Cảnh sát PCCC đã thực hiện kiểm tra chung cư này 22 lần, trong đó có 4 lần xử lý vi phạm hành chính với 7 lỗi về hệ thống PCCC và hệ thống thoát nạn. Gần đây vào tháng 12/2017, cán bộ kiểm tra phát hiện có hai máy bơm bị hỏng, không hoạt động.
 
Qua kiểm tra cho thấy công tác PCCC tại chung cư CARINA chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Trang thiết bị đầu tư cho PCCC tuy đạt tiêu chuẩn, nhưng không có chế độ bảo hành, bảo trì định kỳ nên đến khi xảy ra đám cháy, chuông báo động tự động không hoạt động, hệ thống phun nước tự động bị hư hỏng, các bình khí CO2 cũng không được bảo dưỡng. 
 
Chung cư này cũng không có Ban quản trị do người dân bầu ra để quản lý toàn bộ hoạt động mà do chủ đầu tư đứng ra lập Ban quản lý, nhưng lại không chú trọng đến công tác PCCC nên không lập đội PCCC tại chỗ để xử lý những tình huống ban đầu. 
 
Bộ phận bảo vệ cũng không được tập huấn các phương án PCCC nên không tiến hành kiểm tra thường xuyên tại các khu vực có nguy cơ cao như hầm xe dẫn đến tình trạng đám cháy xảy ra sau 12 phút mới phát hiện và thông báo cho Trung tâm chỉ huy Cảnh sát PCCC.
 
Về phía người dân, thời gian qua, mặc dù Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng và các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức cơ bản về PCCC, các biện pháp, giải pháp về thoát nạn, cứu người, các kiến thức trong việc sử dụng điện, gas, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, quản lý chất hàng nguy hiểm về cháy nổ trong các nhà cao tầng, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành.
 
 Do nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh, họ đã tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang, lối đi, bố trí khu vực sinh hoạt, kinh doanh trong bãi giữ xe, các phòng kỹ thuật, lắp đặt rào cản, bố trí bãi xe cản trở giao thông phục vụ công tác chữa cháy, làm mất tác dụng của cửa đi vào buồng cầu thang thoát hiểm, câu mắc, đấu nối thêm các thiết bị điện không đảm bảo theo quy định.
 
Theo Thượng tá Nguyễn Đức Vinh, để hạn chế cháy nổ, hạn chế thiệt hại khi có sự cố xảy ra ở các khu chung cư, nhà cao tầng, Cảnh sát PC&CC TP. Hồ Chí minh đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc triển khai các biện pháp đám bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn thành phố. 
 
Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về PCCC, thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn để kịp thời phát hiện và yêu cầu các cơ sở phải khắc phục ngay những sai phạm, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm. 
 
Rà soát, bổ sung các phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đối với chung cư cao tầng có quy mô lớn, đông người ở cần có phương án phối hợp nhiều lực lượng trong công tác chữa cháy, cứu nạn.
 
Nghiên cứu đề xuất trang bị những phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cần thiết đối với chung cư cao tầng. Tham mưu cho UBND thành phố đề xuất cập nhật bổ sung những tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng nhà và PCCC cho phù hợp với điều kiện thực tế như: Bố trí tầng lánh nạn đối với chung cư trên 10 tầng, bãi đỗ trực thăng đối với công trình từ 20 tầng trở lên, kết nối trực tiếp với trung tâm cảnh báo cháy sớm của thành phố.
 
Công bố danh sách nhà chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC đã được Cảnh sát PC&CC yêu cầu khắc phục vi phạm nhưng không thực hiện hoặc những cơ sở đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục vi phạm.
.

Nguồn:

.