Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201811/khi-tranh-dan-gian-buoc-vao-cuoc-song-duong-dai-823128/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201811/khi-tranh-dan-gian-buoc-vao-cuoc-song-duong-dai-823128/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Khi tranh dân gian bước vào cuộc sống đương đại - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 10/11/2018, 14:01 [GMT+7]

Khi tranh dân gian bước vào cuộc sống đương đại

Lần đầu tiên những họa tiết của tranh Hàng Trống xuất hiện bằng một hình thức khác trong các sản phẩm ứng dụng như bao bì đựng trà, họa tiết trên khăn lụa, vỏ kẹo… Đó là tâm huyết của một nhóm bạn trẻ trong hành trình bảo tồn và phát triển những giá trị truyền thống trong đời sống đương đại.
 
Sự hồi sinh của những giá trị truyền thống
 
Bắt nguồn từ câu hỏi, phong cách thiết kế của Việt Nam là gì, các bạn trẻ nhóm SRiver đã lội ngược dòng thời gian trở về với những giá trị truyền thống để tìm câu trả lời. Năm 2013, từ những dự án thiết kế, nhóm họa sĩ được tiếp cận với những bản gốc của tranh Hàng Trống. 
 
Những giá trị của tranh Hàng Trống gắn liền với đời sống của người Việt, mang hơi thở, tinh thần của người Việt. Nhưng rõ ràng, tranh Hàng Trống cũng như nhiều giá trị truyền thống đó đang lùi dần vào quá khứ, mai một trong đời sống hiện đại. Dòng tranh này chỉ còn lại trong bảo tàng và trong bộ sưu tập của một vài nhà sưu tập tranh.
 
Nhóm SRiver đã nghiên cứu và tạo ra dự án “Họa sắc Việt”. Đó là cách tiếp cận mới về những giá trị truyền thống với mong muốn góp phần duy trì, bảo tồn những giá trị đó trong dòng chảy đương đại. 
 
“Chúng tôi không cố gắng bê nguyên truyền thống đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về quy luật lịch sử. Việc chúng tôi có thể làm là chắt lọc những gì từ chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những graphic designer, những nhà thiết kế thời trang, nội thất… 
 
Chúng tôi muốn những giá trị dân gian xưa sống lại, để chúng không chỉ vĩnh viễn nằm yên trong các bảo tàng mà có mặt ở bất cứ đâu trong đời sống. Văn hóa như một dòng chảy và mỗi người trong chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Nếu như chúng ta cảm thấy văn hóa Việt chưa có gì để sánh với thế giới, ta hãy tìm xem mình có bỏ sót điều gì không?” - Chị Trịnh Thu Trang, chủ nhiệm dự án “Họa sắc Việt” chia sẻ.
Tranh Kim Hoàng dần có chỗ đứng trong đời sống hôm nay.
Tranh Kim Hoàng dần có chỗ đứng trong đời sống hôm nay.
6 tháng sau khi ra mắt sách, SRiver đã nỗ lực hợp tác với nhiều doanh nghiệp làm sản phẩm tâm huyết và mong muốn kể những câu chuyện tự hào về sản phẩm bằng những hình ảnh, thiết kế mang đậm bản sắc dân tộc. 
 
“Họa sắc Việt” từ tranh Hàng Trống đã bước ra khỏi trang sách, không chỉ là lý thuyết mà đã trở thành dòng chảy thật trong cuộc sống. Lần đầu tiên những ứng dụng từ họa tiết của tranh Hàng Trống được đưa vào khăn tơ tằm, hộp đựng xà bông hay những gói trà mộc mạc từ thiên nhiên. Sự kết hợp này đang tạo ra một hướng đi mới cho nhiều sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
 
Nhưng làm thế nào để gìn giữ được những giá trị cốt lõi của tranh Hàng Trống nói riêng và tranh dân gian nói chung khi đưa chúng vào ứng dụng. “Cái cốt lõi vẫn là màu sắc và tạo hình. Tranh dân gian Việt Nam khá thô và mộc, nó không tinh tế và chỉn chu từng chi tiết như Nhật Bản, hay bành trướng, màu sắc áp đảo như Trung Quốc. 
 
Tranh dân gian Việt Nam màu sắc gần gụi, thân thuộc, tạo hình mộc mạc, đó chính là cá tính hồn nhiên của các cụ ngày xưa” - Chị Trà Mi, thành viên dự án chia sẻ. Chúng ta có thể cảm nhận được điều đó khi tận tay chiêm ngưỡng những sản phẩm được thiết kế cẩn thận từ các họa tiết truyền thống như bao kẹo, sổ tay, lì xì, khăn lụa, túi vải…
 
Không chỉ dừng lại ở việc phục hồi những họa tiết có sẵn, nhóm còn sáng tạo thêm những họa tiết mới bắt nguồn từ những vật liệu truyền thống của Việt Nam. Vì thế, ngoài lá tre, cỏ mần trầu chúng ta sẽ bắt gặp những họa tiết khác trong các sản phẩm như hạt mùi, bồ kết, quả gấc, lá chè xanh không có sẵn trong tranh dân gian. 
 
Các họa tiết này cũng được mô hình hóa theo phong cách của các cụ ngày xưa, mộc mạc, tự nhiên. Và sự xuất hiện của những họa tiết mới trên nền truyền thống đó cũng là cách mà các bạn trẻ đang khơi tiếp dòng chảy để dòng chảy đó được xuyên suốt và mở rộng, phát triển chứ không chỉ bó hẹp trong tranh dân gian.
Áo dài từ họa tiết của tranh dân gian Kim Hoàng.
Áo dài từ họa tiết của tranh dân gian Kim Hoàng.
Chất liệu truyền thống đang bị bỏ ngỏ
 
Trong hành trình đi tìm lại những giá trị truyền thống, nhóm SRiver đã làm xong một mảng quan trọng, đó là bảo tồn tranh Hàng Trống, khai thác các họa tiết và đưa vào ứng dụng trong đời sống. Hành trình tiếp theo của họ là chia sẻ với cộng đồng để lan tỏa câu chuyện ý nghĩa đó. 
 
“Khi chúng tôi về các làng nghề, nhiều sản phẩm thủ công của chúng ta rất đẹp, kỳ công nhưng chưa được đầu tư xứng đáng về thương hiệu, nhãn mác, bao bì. Muốn vươn ra thế giới, câu hỏi về bản sắc rất quan trọng. Các làng nghề thủ công của chúng ta rất phong phú. Nếu có sự kết hợp, đầu tư làm thiết kế từ bao bì đến sản phẩm, chúng ta sẽ có nhiều cơ hội cạnh tranh hơn”, Chị Trà Mi, thành viên của dự án chia sẻ.
 
Thực tế, ở Việt Nam, những giá trị truyền thống rất phong phú. Tranh dân gian không chỉ có tranh Hàng Trống mà còn có tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, ngoài ra chúng ta còn có sơn mài, thổ cẩm, gốm… những chất liệu từ nhiều đời và chứa đựng trong đó những câu chuyện sâu sắc về văn hóa, về lịch sử. Nhóm SRiver hy vọng dự án của họ sẽ lan tỏa trong cộng đồng, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tiếp cận và khai thác các chất liệu truyền thống đó. Đó là một “gia tài” phong phú nhưng đang bị bỏ ngỏ.
 
Trước đó, với tình yêu nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam và nỗ lực phục hồi tranh Kim Hoàng những năm qua, Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội tổ chức triển lãm “Tranh dân gian Việt Nam và ứng dụng” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
 
Tại triển lãm cũng trưng bày những ứng dụng của tranh Kim Hoàng từ các thiết kế tranh vẽ, gần 30 các thiết kế thời trang, 45 thiết kế các sản phẩm khác như bưu thiếp, thiết kế túi, khăn, làm mô hình sáng tạo. 
 
Điều này cho thấy tranh dân gian Kim Hoàng sau một thời gian ngắn được phục dựng đã được biết đến và dần có được chỗ đứng trong đời sống đương đại. Các tác phẩm thời trang cũng hết sức sinh động khi những chi tiết đắt nhất của tranh dân gian Kim Hoàng đã được thể hiện trên các trang phục chứ không chỉ là sự sao chép các hình ảnh của tranh dân gian.
 Những ứng dụng họa tiết của tranh Hàng Trống.
Những ứng dụng họa tiết của tranh Hàng Trống.
Câu chuyện ứng dụng tranh Hàng Trống và tranh Kim Hoàng cho thấy, dòng chảy truyền thống vẫn đang được tiếp nối trong đời sống đương đại bằng những hình thức khác nhau. Đây là câu chuyện mà các nước như Nhật Bản hay Trung Quốc đã ứng dụng từ rất lâu. 
 
Còn ở Việt Nam, câu chuyện không hề dễ dàng. Những nỗ lực của nhóm SRiver hay nhóm họa sĩ phục hồi tranh Kim Hoàng cần sự kết nối của cộng đồng. Với nhóm “Họa sắc Việt”, đó là sự kết nối với các doanh nghiệp. 
 
“Đầu tiên chúng tôi muốn chia sẻ với doanh nghiệp về giá trị của thiết kế, sự quan trọng của nhãn mác và bao bì. Ở ta, khâu thiết kế chưa được coi trọng, một phần do eo hẹp về kinh phí. Chúng tôi sẽ kết nối với các quỹ văn hóa để họ có thể hỗ trợ kinh phí. Phần đầu tư cho thiết kế rất lâu công vì nó là câu chuyện văn hóa. 
 
Mất 5 năm trời chúng tôi mới cho ra một dự án, mẫu mã như thế này. Điều đó không hề đơn giản bởi vì phải nghiên cứu về thẩm mỹ, văn hóa thì các sản phẩm mới có chiều sâu về câu chuyện. Nhưng chính điều đó sẽ đưa các sản phẩm lên một tầm khác. Đó là kênh phát triển bền vững để tạo ra sự khác biệt và cần sự lan tỏa trong cộng đồng”, chị Trà Mi, thành viên của nhóm SRiver chia sẻ.
 
Những bộ áo dài mang họa tiết của tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống hay những vật dụng chúng ta dùng hàng ngày như cuổn sổ, túi xách, vỏ kẹo được thiết kế từ họa tiết truyền thống chắc chắn sẽ có giá trị hơn nhiều so với những sản phẩm bày bán la liệt trên thị trường. Bởi những sản phẩm đó mang theo câu chuyện của văn hóa, của lịch sử. Những sản phẩm góp phần giúp chúng ta nhận diện ra bản sắc Việt khi nó được mang ra thế giới. 
 
Nỗ lực của những người trẻ khơi lên niềm hy vọng về sự hồi sinh của những giá trị truyền thống vốn đang bị mai một trong đời sống hôm nay. Nhưng những giá trị đó chỉ thực sự hồi sinh khi nó đi vào đời sống, với những ứng dụng thực tế. Điều đó cần sự chung tay của cả cộng đồng. 
.

Nguồn: V. Hà/CAND

.