Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201904/nhung-diem-so-gay-nhuc-nhoi-xa-hoi-849560/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201904/nhung-diem-so-gay-nhuc-nhoi-xa-hoi-849560/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những điểm số gây nhức nhối xã hội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 16/04/2019, 14:29 [GMT+7]

Những điểm số gây nhức nhối xã hội

Những ngày qua, khi thông tin chi tiết về số điểm được nâng khống của 44 thí sinh ở Sơn La được công bố đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Bởi nhìn vào những điểm số được nâng khống và điểm thật của những thí sinh này, ai cũng cảm cảm thấy nhức nhối. Nhức nhối, bởi lẽ số điểm được nâng khống lên tới mức không thể tưởng tượng nổi.
Trong số 44 thí sinh nâng điểm có trường hợp được sửa điểm nhiều nhất là thí sinh N.A.T., vốn là con một gia đình buôn bán lớn tại TP Sơn La. Em này có điểm thi THPT quốc gia 2018 ba môn Toán, Lý, Ngoại ngữ đều được 9 điểm. 
 
Nhưng sau khi chấm thẩm định, một kết quả thê thảm đã lộ rõ khi điểm số thực ba môn của N.A.T. lần lượt là 0 - 0,25 - 0,2. Nghĩa là tổng điểm ở cả ba môn này đã được sửa nâng lên tới 26,55 điểm. Đây là thí sinh được nâng điểm nhiều nhất trong số 44 thí sinh được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 của Sơn La.
 
Với số điểm nâng khống, N.A.T từng đứng trong nhóm thủ khoa. Nhưng giờ đây, với điểm thực như thế này, N.A.T thậm chí còn không đủ điểm tốt nghiệp Trung học phổ thông.
 
Hiện vẫn chưa có con số chính thức  bao nhiêu thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã ngang nhiên đỗ vào các trường đại học nhờ nâng điểm khống. 
 
Bởi ngoài 44 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm khống thì ở tỉnh Hòa Bình cũng đã xác định có 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh của năm 2018 và 1 thí sinh của năm 2017) có điểm chấm thẩm định giảm hơn so với điểm đã công bố. 
 
Có thí sinh được nâng 9,25 điểm/môn; có thí sinh được nâng 26,45 điểm/3 môn. Còn tại tỉnh Hà Giang cũng đã xác định có 114 thí sinh được nâng điểm, trong đó, có thí sinh được nâng trên 28 điểm/3 môn.
 
Hiện mới chỉ có 3 trường thuộc Bộ Công an là Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân và Đại học Phòng cháy chữa cháy công bố chính thức đã trả về địa phương 28 thí sinh đỗ bằng điểm ảo. Trong đó có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân; 9 thí sinh trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển vào trường Đại học phòng cháy chữa cháy. 
 
Đây có thể chưa phải là con số cuối cùng bởi cho tới lúc này, Cục Đào tạo Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát khi nhận được danh sách các thí sinh được nâng khống điểm tại các địa phương khác. Ngoài ra còn rất nhiều trường đại học khác cũng sẽ phải rà soát để tìm ra những sinh viên "ngồi nhầm chỗ".
 
Cho tới thời điểm này đã có hàng chục cán bộ tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan tới việc nâng điểm khống. Việc những cán bộ trong ngành giáo dục vì tư lợi cá nhân mà sẵn sàng vi phạm pháp luật không chỉ cướp đi cơ hội vào đại học của các thí sinh khác mà còn khiến cả xã hội mất niềm tin vào sự nghiêm túc của kỳ thi vốn được kỳ vọng là cách làm giảm tốn kém cho xã hội; thậm chí người dân mất niềm tin vào những nỗ lực cải tiến của ngành giáo dục.
 
Và điều nguy hiểm hơn, nếu không bị phát hiện, những thí sinh này rồi đây sẽ tốt nghiệp đại học và có thể lại được bố trí vào các vị trí trong cơ quan chính quyền. Đất nước sẽ ra sao khi có những cán bộ "trưởng thành" từ sự dối trá như vậy? Điều dư luận mong chờ là cơ quan chức năng sớm làm rõ động cơ sửa bài, nâng điểm. 
 
Có hay không việc phụ huynh nhờ quyền lực và tiền để mua điểm cho con? Vì thế cùng với việc xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho vi phạm, dư luận cũng hy vọng cơ quan pháp luật phải xử lý nghiêm các phụ huynh vi phạm.
 
Nhìn ra thế giới, những ngày qua, tại Mỹ cũng rúng động vì việc chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng như Georgetown, Yale, Stanford. Khoảng 50 phụ huynh, đều là những nhân vật tiếng tăm và giầu có ở Mỹ, đã dùng tiền để mua điểm cho con đều nhanh chóng bị đưa ra ánh sáng. 
 
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khởi tố các bậc phụ huynh gian lận với hành vi đưa hối lộ. Trong số đó có Felicity Huffman, nổi tiếng với vai diễn trong loạt phim đình đám "Desperate Housewives". Trước khi ra tòa, Huffman phải nộp 250.000 USD tiền bảo lãnh tại ngoại. Lori Loughlin, ngôi sao của phim Full House cũng phải nộp 1 triệu USD mới được tại ngoại hầu tra.
 
Vì thế, để trả lại sự công bằng cho các thí sinh, để lấy lại niềm tin của hàng vạn thí sinh và phụ huynh, để không bao giờ còn những điểm số gây nhức nhối xã hội, vụ việc này rất cần được xử lý nghiêm minh, dù người vi phạm là ai.
.

Nguồn: CAND

.