Thứ Năm, 04/07/2019, 15:05 [GMT+7]

Lý trưởng thời mới

Trong cuộc tiếp xúc cử tri Hải Phòng hôm 16 - 6 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có một phát biểu rất đáng để suy ngẫm. 

Nhiều năm nay, chúng tôi không nhớ được mình đã viết bao nhiêu bài báo với mong muốn lãnh đạo Trung ương quan tâm hơn đến những thành trì đang có nguy cơ khiến niềm tin bị hao mòn, đó chính là chính quyền cơ sở.

Niềm tin của đại bộ phận nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, vào Chính phủ có khởi nguồn cơ bản từ việc tiếp xúc với chính quyền cơ sở.

Thật may mắn khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc cử tri Hải Phòng để báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 vừa qua đã nhấn mạnh, “Tôi đã từng nói: không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn. Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!".

Lời ông “Tôi đã từng nói: không được xuất hiện lớp lý trưởng mới trong nông thôn. Cán bộ phải sát dân hơn, hiểu dân hơn, lắng nghe nhân dân hơn. Đừng để cái sảy nảy cái ung!” và đây không phải là lần đầu ông nhắc đến cái gọi là lớp lý trưởng mới trong nông thôn. 

Việc Thủ tướng nhấn mạnh vào đó thể hiện rất rõ một hiện tượng phổ biến của nông thôn Việt Nam hôm nay. Đó là thói chuyên quyền của những lãnh đạo địa phương cấp hành chính thấp, thói chuyên quyền cho thấy họ có khi còn ghê gớm hơn những lý trưởng hủ hoá của thời phong kiến.

Thực tế, không phải cứ lý trưởng là mặc nhiên xấu xa, gian ác, lộng hành, đè nén và áp bức người dân. Song, trong dòng chảy lịch sử nông thôn Việt, hình ảnh lý trưởng xuất hiện trong các tác phẩm, sản phẩm văn học, sân khấu… đều không mấy thiện cảm. Họ được coi là đại diện cho cái xấu, thói nhũng nhiễu.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Kể ra, như thế thì cũng oan cho những lý trưởng chân chính, vì việc làng, vì việc dân bất vị tư lợi. Nhưng hãy dẹp phân tích dông dài ấy sang một bên để nói về lớp lý trưởng mới ở nông thôn Việt Nam hôm nay với góc nhìn duy nhất: những lý trưởng là đại diện của sự tham ác đúng như hình tượng của văn học và nghệ thuật.

Tôi làm một phép thử nhỏ bằng cách gõ cụm từ “chủ tịch xã” và “bí thư xã” trên thanh công cụ tìm kiếm của google. Và kết quả tôi nhận được không quá ngạc nhiên. Ở chục trang kết quả đầu tiên, không hề có một thông tin nào mang tính tích cực. Đa số áp đảo các kết quả đến từ báo chí chính thống, báo chí có uy tín và cũng đa số áp đảo là thông tin kiểu như “bắt”, “cách chức”, “kỷ luật”… 

Và điều đáng lưu tâm nhất là những vi phạm chủ yếu tập trung vào đất đai, với dạng phổ biến là “bí thư, chủ tịch xã” cho người thân gom đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép… Đất đai đang là thứ mang lại tiền tài nhanh nhất và nhiều nhất hiện nay. 

Bởi vậy, bảo sao nhiều bí thư xã, chủ tịch xã bây giờ sống trong những cơ ngơi, dinh thự mà ngay cả các lý trưởng khét tiếng bóc lột ngày xưa cũng không dám mơ tới.

Bi kịch mỉa mai nhất là đa số những xã xảy ra những sự vụ như thế là những xã nghèo, với nhiều hộ dân còn sống ở mức cực kì khó khăn thiếu thốn. Và phần lớn chúng ta nhìn nhận những vụ việc ở cấp hành chính thấp nhất ấy chỉ là những vụ tham nhũng vặt nhưng con số quy thành tiền, và so sánh trực tiếp với thu nhập bình quân của chính dân ở địa phương đó, lại không hề vặt chút nào. 

Giả sử, nếu bây giờ có một cuộc tổng thanh tra chặt chẽ và toàn bộ, tôi nghĩ rằng không địa phương nào không có tầng lớp lý trưởng mới theo ý Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh. Điều đó cho thấy cơ thể quốc gia thực sự đang không chỉ gánh những cơn bạo bệnh từ vấn nạn tham nhũng cỡ lớn mà còn dính đầy ghẻ chốc từ những tham nhũng, cửa quyền, lộng hành ở cấp hành chính cơ sở.

Điển hình, một vụ việc mới nhất đủ có thể mang ra làm ví dụ cho cái cửa quyền, lộng hành của một lý trưởng mới chính là việc ông Chủ tịch xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế ngang nhiên dùng rựa chặt phá cây tràm của dân giữa thanh thiên bạch nhật. Khi bị người dân bắt quả tang, ông còn cao giọng “sao bán không bán cho hết còn chừa lại mấy cây ni làm chi?”.

Nếu thử đặt ngược lại vai, với người chủ rừng tràm là ông Chủ tịch xã kia, và người phá rừng tràm là người dân trong xã thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc chắn, 100% chúng ta sẽ cùng trả lời, ông chủ tịch ấy sẽ dùng quyền hành của mình để “gô cổ nó lại”.

Hay một ví dụ khác, ở một tỉnh thuộc diện nghèo là Hà Tĩnh, cũng cho thấy không phải ở địa phương nghèo thì chủ tịch không thể giàu. Vụ việc cũng mới được Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy đưa ra kết luận hồi cuối tháng 5 vừa rồi mà thôi. Ông Phó bí thư đảng uỷ kiêm Chủ tịch xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh đã giao tới 67 lô đất trái thẩm quyền, thu sai quy định 5 tỷ đồng. 67 lô đất ấy trị giá bao nhiêu tiền? 

Để ông Chủ tịch ký quyết định giao 67 lô đất ấy, “mực bôi trơn cây bút” là bao nhiêu tiền? Và dân Kỳ Xuân thì đang sống như thế nào? Ai từng ghé Hà Tĩnh đều biết huyện Kỳ Anh là huyện nghèo và Kỳ Xuân là một xã thuộc diện nghèo nhất huyện.

Ngày xưa, ở thời nhà Lê, trong một làng bao giờ cũng có 3 “đầu lĩnh” là hương trưởng (lo việc quyết sách), hương mục (lo về tài sản công của xã) và trùm trưởng (lo trật tự, trị an). 3 “đầu lĩnh” ấy, dù gì cũng cho thấy 3 chân kiềng giám sát nhau mà làm việc bất chấp hương trưởng là người đứng đầu đi nữa. 

Và ở thời hiện đại này, thời chúng ta đang nói về 4.0, có còn cái sự giám sát nhau như thế ở làng hay không? Dường như là hiếm và ở chính những nơi nhũng nhiễu, cửa quyền, lộng hành như thế, tầng lớp lý trưởng mới bây giờ còn kinh khủng, ghê gớm hơn những lý trưởng thời phong kiến ngày xưa?

.

Nguồn: ANTG/Báo CAND