Thứ Năm, 05/09/2019, 09:08 [GMT+7]

Nhận diện thủ đoạn gây nhiễu loạn thông tin

(Congannghean.vn)-Lợi dụng những vụ việc được dư luận quan tâm, một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ các thông tin xuyên tạc bản chất, gây hoang mang trong nhân dân. Trong đó, không thiếu những đối tượng vì mục đích chống phá, tư lợi cá nhân.
 
1.Thời gian qua, thông tin về cháu bé Trường Gateway tử vong đã thu hút sự theo dõi của dư luận. Nỗi xót thương cho số phận của cháu, yêu cầu làm rõ nguyên nhân tử vong khiến mọi thông tin liên quan đều được người dân quan tâm, chia sẻ. Nắm bắt tình hình trên, các trang mạng xã hội đã tìm mọi “ngóc ngách” để tự phân tích, mổ xẻ, dự đoán và thậm chí “điều tra hộ” cả lực lượng chức năng. Ngoài những nội dung chính thống, đây cũng là mảnh đất cho các thông tin bẩn của một số trang mạng xã hội. Các đối tượng thêm thắt, chế nhiều bức ảnh gây hoang mang dư luận, phản ánh hoàn toàn sai lệch vụ việc. 
Mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để các thông tin bẩn có điều kiện phát triển
Mạng xã hội trở thành mảnh đất màu mỡ để các thông tin bẩn có điều kiện phát triển
Mới đây, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện bức ảnh “tìm ra sự thật về cái chết của cháu bé Gateway”. Bức ảnh được cắt ghép để tạo hình ảnh cháu L. bước xuống xe với những bình luận, đánh giá sai sự thật nhưng đã có hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Trước đó, mạng xã hội cũng xuất hiện những thông tin về việc cháu bé có biểu hiện bị “chết oan”. Dù các điều tra viên Công an quận Cầu Giấy đang tích cực làm rõ vụ việc thì những “thẩm phán viên”, “kiểm sát viên” online vẫn cố tìm mọi nguyên nhân, dẫn chứng để mổ xẻ, đồng thời thêm thắt nhiều chi tiết, sử dụng thuyết âm mưu gây hỗn loạn xã hội với những thông tin bẩn. Đáng lo ngại, nhiều người vì thiếu hiểu biết đã tin tưởng, chạy theo những tin giả trên mạng xã hội hơn là tin chính thống của các cơ quan chức năng và báo chí cung cấp. Dã tâm hơn, để thêm phần chắc chắn cho giả thuyết của mình, một số trang mạng còn đăng tải thông tin giả mạo về việc tài xế Doãn Quý Phiến tử vong được một đối tượng tung lên mạng vào ngày 19/8. Thông tin này sau đó có hàng nghìn lượt chia sẻ và nhiều người cũng dựa vào đó để “chơi chữ”, gây “sóng gió” trên cộng đồng mạng khiến dư luận xôn xao.
 
Để tránh người dân bị những kẻ xấu lợi dụng, ngay trong ngày, Công an quận Cầu Giấy đã phải chỉ đạo cán bộ đến nhà của tài xế này để làm việc. Tại nhà riêng tài xế Phiến, tổ công tác ghi nhận, ông này vẫn khỏe mạnh bình thường, sẵn sàng tiếp xúc, hợp tác với cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc. Mặc dù trước đó một mực né tránh báo chí, nhưng trước những tin đồn thất thiệt, vợ của tài xế Phiến đã phải lên tiếng. Bà này cho biết, gia đình mình rất sốc khi nghe những tin đồn trên mạng xã hội. Vợ ông Phiến cũng khẳng định, chồng bà vẫn khỏe mạnh, tuy nhiên không muốn nói chuyện với ai trong thời điểm này. Và đến nay, ngay cả khi cơ quan Công an đưa ra những kết luận ban đầu, các trang mạng xã hội vẫn tiếp tục tìm mọi lý do để phủ nhận, đồng thời gây nhiễu loạn để dư luận tin theo những luận điệu xuyên tạc trên.
 
Vụ cháu bé Trường Gateway tử vong chỉ là một trong những ví dụ điển hình về việc người dân bị tiêm nhiễm thông tin bẩn. Trước đó, vụ cô gái giao gà tại Điện Biên - một vụ án đặc biệt nghiêm trọng với phương thức gây án rất dã man và tinh vi được dư luận hết sức quan tâm. Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, với  sự tham gia của nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, dùng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi phạm tội, tẩu tán chứng cứ, tang vật. Quá trình thực thi nhiệm vụ, các điều tra viên đã chịu một áp lực rất lớn trước sự quan tâm của dư luận cũng như tình tiết phức tạp của vụ việc. Đặc biệt, trên mạng xã hội đã chia sẻ, đăng tải những thông tin bịa đặt, suy diễn nội dung xấu gây ảnh hưởng quá trình điều tra và làm hoang mang dư luận. Thậm chí có những thông tin cố tình hạ thấp vai trò, uy tín của lực lượng Công an. 
 
Vụ việc Nguyễn Thanh Trung vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng cho thấy, thông tin bẩn có điều kiện len lỏi, tiếp cận người dân dễ dàng như thế nào. Dù chưa có kết luận của cơ quan Công an nhưng hình ảnh Trần Thị T.A. vẫn được lan truyền trên mạng với những lời bình luận xúc phạm, vu oan thậm tệ. Đời tư bị soi mói, hành vi bị “kết án”, thậm chí, mọi thông tin liên quan đến bố mẹ, gia đình đều bị thêu dệt, thêm thắt.
 
2. Những ví dụ trên cho thấy, dù vụ việc có phức tạp đến đâu, hành vi có tinh vi, xảo quyệt như thế nào cũng sẽ bị cơ quan chức năng đưa ra ánh sáng. Một vụ việc khi được điều tra, để tránh bỏ lọt tội phạm cũng như không để oan sai, cần một sự khách quan, cẩn trọng và tỉ mỉ. Đó là sinh mệnh của một con người, không thể ngày một ngày hai đưa ra kết luận cuối cùng. Điều đó phải dựa trên những đánh giá chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, tổng hợp lời khai nhân chứng. Đặc biệt, với những vụ việc phức tạp thì để làm rõ thủ đoạn, âm mưu, đối tượng phạm tội càng đòi hỏi sự cẩn thận hơn nữa. Mọi kết luận phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải bằng cảm tính và suy đoán.
 
Một ai đó đã nói, đại ý rằng: Một điều lừa dối bịa đặt khó tin nhất, nếu được nhắc đi nhắc lại hàng trăm nghìn lần sẽ được mọi người tin là thật... Thực tế tại các cuộc cách mạng màu ở một số quốc gia cho thấy: Truyền thông được lợi dụng triệt để nhằm bóp méo sự thật, xuyên tạc vụ việc khiến phần đông người dân có cái nhìn lệch lạc, rồi tham gia chống phá, lật đổ chế độ. Khi nắm bắt những thông tin bẩn, người dân không biết rằng, bản thân mình đang bị lợi dụng vì mục đích xấu. Các trang mạng xã hội đánh vào sự tò mò, hiếu kỳ và thiếu hiểu biết của công chúng để tiếp cận khoảng trống về thông tin rồi tinh vi lèo lái nhận thức và tư duy của một bộ phận người dân. Từ đó, lan truyền những suy diễn sai sự thật. Đáng buồn thay, những luồng tin tức này lại được chia sẻ trên mạng xã hội với cường độ cao bởi sự thiếu hiểu biết của một số người dân.
 
Việt Nam đang quyết tâm xây dựng một Nhà nước pháp quyền, đòi hỏi mọi công dân đều phải thượng tôn pháp luật và pháp luật phải được thực thi nghiêm minh. Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ về hành vi của từng tội danh và mức phạt tương đương nếu vi phạm. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện, mọi vụ án hình sự đều phải tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước XHCN.
 
3. Tại Điểm d, Mục 1, Điều 18, Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng có ghi rõ: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành  công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”. Tại Chương III, Luật An ninh mạng về công tác phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng cũng quy định các hành vi làm nhục, vu khống người khác. Theo đó, tại Điểm b, Mục 3, Điều 16: “Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác”.
 
Điều 156, Bộ luật Hình sự năm 2015: Bịa đặt hoặc loan truyền những hiểu biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Theo Khoản 1, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ0CP: Hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội, mạng viễn thông, mạng internet mà chưa tới mức nghiêm trọng, chưa nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xem xét xử lý vi phạm hành chính theo quy định, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
 
Đối với mỗi người dân, sự quan tâm đến tình hình thời cuộc, đến các vụ án hình sự là chính đáng nhưng phải dựa trên cơ sở thông tin chính xác, khoa học, đồng thời phải tỉnh táo, tránh bị đối tượng xấu lôi kéo, kích động, đánh lừa bởi thông tin giả, bởi những âm mưu đen tối, tiếp cận những thông tin xuyên tạc. Ngoài niềm tin vào việc điều tra của lực lượng Công an, mỗi người dân hãy tự giác trang bị những thông tin chính xác từ các trang báo chính thống.
.

TRẦN LÂM

.