Thứ Tư, 13/11/2019, 10:39 [GMT+7]

Vỡ mộng xứ người

Họ ra đi để lại phía sau ngôi nhà yêu dấu và nỗi nhớ quê hương lúc nào cũng ẩn hiện trong tiềm thức. Vì mơ rằng “sang ấy” đổi đời sẽ trở về, nhất định là như thế nhưng quá nửa đời người mưu sinh xứ người, giấc mơ giàu sang đã không thực hiện được...
 
1. Dù đường về quê chỉ cách xa vài trăm cây số, mất một ngày ngồi xe đò nhưng gần 40 năm rồi, bà Võ Thị Cúc (78 tuổi) vẫn chưa một lần trở lại cố hương. Quê của bà Phúc ở Xóm Chiếu (Q.4, TP. Hồ Chí Minh). Sau giải phóng, vợ chồng bà phiêu bạt ra miền Trung buôn thúng bán bưng.
 
Một thời gian sau lại trở về miền Nam, sống bằng nghề cân đo và xem tướng. Bánh xe cân dạo của chồng bà một ngày vượt qua biên giới, sang đất Campuchia. Bên ấy làm ăn được, ông cứ mải miết đi. Mẹ con bà Cúc ở nhà chờ đợi mãi không thấy chồng về liền bán nhà cửa đi tìm. Bà Cúc sang đến thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia gặp được chồng mừng quá ở luôn không trở về nữa.
Ở xứ người, còn nhiều người Việt vẫn hằng ngày mưu sinh
Ở xứ người, còn nhiều người Việt vẫn hằng ngày mưu sinh

Thời gian đầu, vợ chồng bà Cúc làm ăn rất thuận lợi, dự định sẽ mua một căn nhà nhưng đùng một cái chồng bà ngã bệnh, tiền bạc “đội nón” ra đi bằng sạch. Sau vài năm chữa chạy, kiệt quệ tài chính, chồng bà cũng “hóa kiếp” bên xứ người. Bà Cúc ở lại cùng cô con gái bị nhiễm chất độc da cam, lúc khờ lúc dại, nay ốm mai đau. Cô gái quằn quại rong ruổi theo mẹ đi làm mướn khắp nơi, chẳng học hành, không chữ nghĩa, đủ tuổi thì kế thừa nghề rửa chén bát thuê của mẹ.

Thời gian lặng lẽ trôi đi trong khắc nghiệt và mòn mỏi, bà Cúc tuổi đã ở ngưỡng “xưa nay hiếm” nhưng vẫn ...vô sản ở xứ người. Ngày nào không đi rửa bát thuê là ngày đó, mẹ con bà Cúc “treo nồi”. Để tiết kiệm tối đa chi phí, mẹ con bà Cúc chọn một căn phòng trọ giá rẻ nhất, 40 USD/tháng.
 
Tiền nào thì của nấy, phòng của họ nằm trên gác xép, không có cửa sổ, lúc nào cũng tối om, bí khí, đứng thẳng lưng thì đụng đầu, nó giống như một chiếc tổ chim.  
 
Bà Cúc rửa chén mỗi buổi được 5.000 riel tiền Campuchia (gần 30 ngàn tiền Việt Nam). Buổi chiều có ai thuê lau nhà, dọn nhà thì bà đi, không có thì thất nghiệp.
 
Lưu lạc ngần ấy năm, giờ không biết người thân còn được bao nhiêu người, họ giàu hay nghèo. Ngày ra đi, vợ chồng bà Cúc ôm ấp một giấc mơ đổi đời đầy tươi sáng nhưng gần 40 năm lam lũ mưu sinh, thời cuộc và số phận đã không mỉm cười với bà.
 
Giờ già yếu, có lẽ giấc mộng năm xưa đã chôn vùi sâu kín trong lòng bà Cúc. Bà sợ một ngày nào đó chết đi, không biết thân xác của mình sẽ về đâu khi mà đứa con gái ngoài 40 tuổi vẫn hồn nhiên như trẻ nhỏ.
 
Chiếc lưng của bà đã gãy gập xuống, nhiều người khuyên nên đi bán vé số thu nhập sẽ cao hơn vì người ta thương bà già yếu. Bà Cúc xua tay: “Bán vé số ở đất Campuchia là vé số lấy từ Việt Nam sang nên đại lý không chịu thu vé ế. Mình bán không hết thì tiền đâu mà “ôm”, khi ấy sẽ vỡ nợ, chết đói”.
 
2. Cùng ly hương như bà Cúc là bà Lê Thị Nguyệt (56 tuổi). Bà Nguyệt một thời là thương nhân có tiếng ở Campuchia. Có tiền, bà hào phóng giúp đỡ bà con đồng hương Việt Nam và dự định sẽ xây dựng vài đại lý bán văn phòng phẩm. 3 năm trở lại đây, người nước ngoài tràn sang cạnh tranh khốc liệt, rồi họ chiếm hết thị phần, các đầu mối buôn bán.
 
Thương nhân như bà Nguyệt bị “chặt đứt” con đường kinh doanh dẫn đến thất thế, phá sản. Bà Nguyệt ra đường bán bánh mỳ duy trì sự sống. Từ ngày “rớt đài”, tiền không có nên con trai bà Nguyệt buồn chán, đổ đốn lao vào ăn chơi sa đọa. Lấy vợ được vài tháng thì phát hiện bị nhiễm HIV, nó chán nản, suy sụp tinh thần rồi lặng lẽ bỏ đi biệt tích gần một năm nay, không biết sống chết ra sao.
 
Bây giờ trong căn phòng trọ tối tăm, tù túng, bà Nguyệt sống đơn độc một mình. Tiền bán bánh mỳ mỗi ngày được khoảng 150 ngàn tiền Việt Nam, bà Nguyệt chỉ đủ chi tiêu dè xẻn hằng ngày, còn dư đồng nào bà phải trả góp số tiền kết xù bị vỡ nợ để lại. Hơn 30 năm rồi, bà Nguyệt chưa một lần trở về quê hương.
 
Nơi ấy, trong trí nhớ vẫn còn nguyên vẹn của bà là một ngôi nhà lá bên dòng kinh Bảy Ngàn của tỉnh Hậu Giang, có hai ngôi mộ đắp đất của cha mẹ nằm hiu quạnh dưới rặng dừa. Nói đến mẹ cha, bà Nguyệt trào nước mắt, tự trách mình là đứa con bất hiếu, ra đi là đi luôn, đến mẹ mất cũng không biết mà trở về.
 
Bà Nguyệt kể, hơn 3 năm trước mẹ bà mất nhưng cả gia đình không ai biết tung tích của bà ở đâu nên không thông báo. Mãi năm ngoái, đứa bạn của thằng con trai ở Hậu Giang mới nói cho hay. Nghe được tin, bà Nguyệt khụy xuống, khóc không thành tiếng. Vào giữa thời điểm bà bị phá sản, đến một xu còn không có thì lấy đâu ra tiền trở về quê thắp hương cho má. Rồi định kiến xóm làng xì xầm, con Nguyệt đi nước ngoài làm ăn, là thương nhân chắc giàu có lắm.
Bà Cúc ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn phải kiếm ăn từng ngày bằng nghề rửa chén thuê.
Bà Cúc ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng vẫn phải kiếm ăn từng ngày bằng nghề rửa chén thuê.

Cứ nghĩ đến cảnh tượng cô dì chú bác nhìn mình bằng ánh mắt ngưỡng mộ, những đứa cháu lao vào xin tiền, bà Nguyệt cảm thấy đắng chát, nhục không dám nhìn ai. Mặc cảm nghèo hèn, bà Nguyệt quyết định không quay trở về quê hương. Bà hứa với lòng mình, nếu sau này không đổi vận giàu sang, cứ mãi đeo bám xe bánh mỳ đầu đường xó chợ ở xứ người thì sẽ chết ở đây luôn. Lòng tự trọng của người đàn bà tha hương mặc định là như thế.

3. Mái tóc ngả màu muối tiêu, khuôn mặt hằn rõ nét khắc khổ của thời gian, bà Lê Thị Lan (60 tuổi), vẫn thoăn thoắt đạp xe đi bán vé số mỗi ngày. Bà Lan lưu lạc bên Campuchia 25 năm. Trước đây ở Việt Nam, vợ chồng bà Lan làm nghề buôn gạo. Miệt Sóc Trăng khi ấy lúa gạo trù phú, thương nhân như bà Lan chạy ghe về các cù lao thu gom rồi qua Campuchia đổ mối cho các đại lý lớn.
Bà Lan nửa đời phiêu dạt vẫn chưa một lần dám trở về thăm quê.
Bà Lan nửa đời phiêu dạt vẫn chưa một lần dám trở về thăm quê.

Nhận thấy mảnh đất Campuchia là miền đất hứa cho nghề kinh doanh lúa gạo, vợ chồng bà Lan bán hết tài sản ở quê chuyển hẳn sang đó làm ăn với suy nghĩ sau này giàu có sẽ quay trở về, lúc đó mua bao nhiều đất, cất mấy căn nhà chẳng được.

 
Niềm tin vào ngày mai tươi sáng kéo hai vợ chồng đi mỏi gối chùn chân khắp đất nước Chùa Tháp. Bà Lan nghỉ sinh, chồng bà một mình bôn tẩu. Trong những ngày thảnh thơi không có vợ bên cạnh, ông phải lòng với một cô gái người Campuchia. Đến khi bà Lan phát hiện thì ông chồng đã bị cô bồ lừa sạch tiền bạc. Gia sản chỉ còn chiếc xe chở hàng, vốn liếng không còn đành chịu chết.
 
Khi bĩ cực, con người ta cũng chẳng còn thiết tha gì nữa, thế là đường ai nấy đi. Bà Lan ôm con rời bỏ chồng với hai bàn tay trắng. Bà không thể làm gì ngoài việc đi bán vé số, nghề phải bỏ ít vốn nhất, thậm chí nếu nghèo khó quá thì được đại lý bảo lãnh cho. Bán được bao nhiêu thì hưởng, ế mang về trả lại. Cứ thế, bà Lan tần tảo nuôi con gái lớn lên. 22 tuổi, con bé chỉ biết nói tiếng Việt và bập bẹ tiếng Campuchia mà không hề biết một chữ cắn làm đôi.
 
Ôm mộng đổi đời nào ngờ “gãy gánh” nên con đường trở về quê nhà cũng mù mịt tăm tối. Bà Lan nhớ mẹ già lay lắt, hằng đêm nuốt nước mắt vào trong, trách mình tội bạc nghĩa. Bà bảo, nỗi nhớ chỉ có thể chia sẻ với những người phụ nữ Việt Nam cùng trang lứa và cùng hoàn cảnh xa xứ. Riêng con gái thì không thể, vì nó biết gì về Việt Nam đâu mà cảm nhận được mẹ nó day dứt, buồn khổ, nhớ nhung đến mức nào.
 
Nhưng nó là “nạn nhân” của cuộc ra đi này. Lẽ ra nó phải được đi học tại một ngôi trường ở Việt Nam, được tiếp thu văn hóa nguồn cội. Nó thiệt thòi cả tuổi thơ và cả thanh xuân thời con gái. Nghĩ đến con, bà Lan cảm thấy mình có tội rất nhiều.
 
Giờ đây, mỗi ngày, hai mẹ con bà Lan dắt nhau đi bán vé số. Tối về thủ thỉ cùng nhau trong căn nhà trọ 10m2. Bà Lan tìm niềm vui, sự chia sẻ trong cộng đồng người Việt ở Campuchia. Dù còn khó khăn nhưng mỗi tháng bà vẫn dành một phần tiền ủng hộ quỹ giúp đỡ những hoàn cảnh người Việt kém may mắn hơn mình.
 
Bà tâm sự: “Trên xứ người, tiếng nói đồng hương mang lại hơi ấm, là điểm tựa tinh thần giúp những con người đang trôi dạt thấy ấm lòng như tìm được nơi bấu víu xoa dịu đi sự lạc lõng, chênh vênh. Niềm vui duy nhất của chúng tôi chỉ có thế thôi”.
 
Giấc mộng viễn xứ với biết bao hồ hởi, đam mê, khát vọng khám phá và đầy ắp mộng tưởng xây đắp tương lai nhưng từ những bước đường đời khác nhau, họ đều chịu chung một thân phận, lựa chọn tha hương đã đẩy họ lâm vào tình cảnh sống bên lề của một nền văn hóa xa lạ. Không thể trở về nơi chốn cũ, họ chìm trong cô đơn, lạc lõng trên xứ người.
.

Nguồn: Ngọc Hoa/CAND

.